Tác giả: Nguyễn Thái Duy
Nguồn: anhvanyds.com
Câu hỏi: Em mới ra trường, làm tư nhân hay nhà nước?
Hôm trước có một bạn nhắn tin hỏi mình như vậy, nghĩ rằng mình cũng từng kinh nghiệm nên cũng có đôi chút chia sẻ và post lại cho ai đang có lăn tăn trong đầu về việc này.
Đầu tiên mình xin nói về background một xíu là mình làm gần 2 năm ở BV Đa Khoa Thiện Hạnh, là một bệnh viện tư nhân có tiếng ở Đăk Lăk. Đã từng có thời gian gần 1 năm làm tình nguyện (bác sĩ học việc) ở BV Chấn thương chỉnh hình, và mấy năm nay mình làm ở BV Quận 2 là một bệnh viện quận giờ là bệnh viện hạng 1 ở Hồ Chí Minh.
Quay lại câu hỏi của một em mới ra trường thì anh có vài góc nhìn của mình. Sau đó anh sẽ điểm sơ những điểm ưu và điểm nhược ở bệnh viện nhà nước và tư nhân. Mong được thảo luận thêm từ các anh chị và các bạn.
Góc nhìn về bệnh viện công và tư
Tư nhân chỉ dành cho những người có kinh nghiệm?
Trước đây và kể cả trong tư duy của không ít dân trong ngành hiện giờ thì hãy làm bệnh viện công một thời gian cho kinh nghiệm và tay nghề tăng lên. Sau khi bạn đủ vững chuyên môn thì ra bệnh viện tư nhân làm và mục tiêu ở bệnh viện tư là kiếm tiền.
Theo suy nghĩ như trên thì bệnh viện công là nơi dành cho học hỏi, và bệnh viện tư thì dành cho kiếm tiền. Nhìn chung, người ta cho rằng bệnh viện công là nơi bạn có thể làm sai và sau bạn sẽ có bệnh viện và pháp lý nâng đỡ. Còn bệnh viện tư nhân, nơi bạn gần như là bán sức lao động mua lại bằng tiền lương thì ai sai đâu xử đó. Quan hệ bảo bọc che chở cho nhân viên tại bệnh viện tư cũng có (mình khẳng định lúc nào cũng có!) nhưng cũng ở một chừng mực.
Hiện thời bệnh viện tư cũng dần chuyển mình quay lại phục vụ bệnh nhân có bảo hiểm y tế, lượng bệnh tăng lên nên rất cần đội ngũ nhân lực dồi dào. Nhiều bác sĩ mới ra trường về làm ngay bệnh viện tư, trong khi ấy vẫn nhiều người làm công một thời gian xong mới chuyển ra làm tư.
Người ta nói tới việc đủ bản lĩnh để ra làm công, là dành cho những bác sĩ đứng mổ, trưởng ca và trưởng kíp. Còn đối với bác sĩ đa khoa tổng quát, theo mình nghĩ trách nhiệm của bạn ở công hay tư cũng như nhau, vì ở môi trường nào bạn cũng chỉ là một người phụ việc – học việc và lấy chứng chỉ hành nghề. Một ca bệnh có tai biến, hay thưa kiện thì bạn cũng chỉ là một mắt xích trong cái chuỗi problem thôi.
Bệnh viện công dễ đi được học hơn bệnh viện tư nhân?
Ở bệnh viện nào thì việc cho đi học cũng theo thứ tự và theo khả năng đóng góp. Đơn giản như Hoàn Mỹ sẵn sàng ký hợp đồng với bác sĩ vừa ra trường và cử đi đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực. Năm mình học Y5, Becamex Bình Dương tổ chức hội trại và cũng chào đón sinh viên ký hợp đồng đi học và ra trường làm cho mình.
Quay lại với bệnh viện công, có vẻ trước đây thì việc đi học của các anh chị ở tuyến tỉnh khá khó khăn vì cần xếp tài. Tuy nhiên, ở trong Hồ Chí Minh hay Hà Nội thì có lợi thế là viện gần trường nên việc đi học cũng linh động hơn. Quan trọng là trưởng khoa có thu xếp được nhân sự khám bệnh và trực gác hay không thôi.
Thời điểm hiện tại thì giá học phí đội trời, nên việc học cả tư hay công thì đều khó. Bệnh viện công cũng xét theo thời gian đóng góp rồi mới cho đi học, học phí chỉ cấp cho một phần đối với những trường hợp đi học, còn lại thì phải bỏ tiền túi. Mình nghĩ tính thời gian đóng góp thì cũng khá lâu tính bằng năm chứ không phải là một hay hai năm.
Còn bệnh viện tư thì để chi cho một bác sĩ đi học thì sẽ hơi bị khó. Như vậy bài toán ở đây mình nghĩ cả bệnh viện công và tư sẽ sử dụng là đào tạo nhân lực có chứng chỉ hành nghề đa khoa và đào tạo thêm chuyên khoa ngắn hạn đủ phục vụ cho nhu cầu của mình. Các bậc nhân lực cao hơn thì sẽ ưu tiên nhận hồ sơ từ bác sĩ đã có qua đào tạo chuyên khoa. Lúc đó tư nhân sẽ có nhiều thế mạnh hơn lôi đội ngũ nhân lực này về.
Ưu và nhược điểm của bệnh viện công và tư
Bệnh viện công
Ưu điểm:
- Có nhiều lựa chọn ở nhiều địa phương và đa chuyên khoa.
- Hỗ trợ xin cấp chứng chỉ hành nghề dễ hơn ở một số chuyên khoa (…)
- Môi trường thực hành nhiều bệnh nhân hơn, “cho phép” sai nhiều hơn, cho bạn tiếp xúc điều trị bệnh nhân sớm hơn với cơ chế giám sát lỏng lẻo hơn. Tuy vậy, để so sánh giữa công và tư thì ở công vẫn có người để theo học nhiều hơn.
- Điều kiện điều trị chuyên môn tốt, có nhiều dịch vụ kỹ thuật triển khai và được phép thực hiện và dám thực hiện rộng rãi các kỹ thuật hoặc điều trị ca khó.
- Thời gian làm việc linh động. Có thể đi làm ngoài trong thời gian rảnh (được bệnh viện cấp giấy làm việc ngoài giờ).
- Có mảng chính trị, thích hợp với những bạn thích công tác đoàn hội, từ thiện.
Nhược điểm
- Nhiều địa phương bệnh viện công còn sách nhiễu, khoa dễ (làm ít tiền) không ai thèm vào, khoa khó (thường là ngoại các thể loại) thì phải tốn xíu tiền nước mía
- Cần thời gian cống hiến, xếp tài đi học
- Điều kiện cơ sở vật chất một số bệnh viện công chưa được tốt
- Lương thưởng nhìn chung thì thấp (…)
Bệnh viện tư nhân
Ưu điểm
- Cơ chế vận hành sòng phẳng, có làm có hưởng, làm theo năng lực, hưởng theo năng suất.
- Lương thưởng tốt
- Cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ
- Bác sĩ học được thái độ phục vụ bệnh nhân: xem bệnh nhân là khách hàng. Cư xử mềm mỏng và nhẹ nhàng hơn.
- Nếu được cử đi học: lương cơ bản vẫn đủ trang trải cuộc sống (tùy theo chính sách bệnh viện).
- Không phải tham gia hoạt động đoàn hội, đảng bộ hay chính trị.
Nhược điểm
- Thời gian làm việc chặt chẽ: không ai móc tiền túi trả lương cho bạn cao nhưng cho bạn nhàn nhã cả, hãy nhớ điều đó.
- Đi học: tùy theo chính sách bệnh viện, nhưng ràng buộc rất chặt chẽ.
- Khó khăn khi đi làm phòng khám ngoài (tùy theo chính sách bệnh viện).
- Khả năng cạnh tranh với bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề và chuyên khoa cao.
- Không thích hợp với những cán bộ đoàn ưu tú.
Trên đây hoàn toàn là quan điểm cá nhân của mình, các em có thể tham khảo và tự đặt mình vào mỗi hoàn cảnh xem mình thích điều gì. Chỉ có các em mới tự thấy mình thích hợp với cái gì thôi.
Người đã từng làm tư thì vote cho ra làm công, người đã và đang làm công thì ngày đêm mong mỏi ra làm tư. Chỉ có túi tiền của họ, mới biết họ có nói thật hay không hihi!
Chúc các em tự tin và thành công.
P/s: Bài viết năm 2020, trong bài viết thể hiện quan điểm cá nhân dành cho các em mới ra trường chưa có CCHN. Một số quy định hiện thời thay đổi, và chính sách cũng bị ảnh hưởng do làn sóng dịch Covid. Xin các bạn góp thêm ý kiến và chia sẻ cho các em mới tốt nghiệp.
BS Nguyễn Thái Duy