BS Trương Hoàng Hưng: Từ bác sĩ Việt Nam thành bác sĩ Mỹ – Con đường không trải hoa hồng

Hình ảnh Y khoa – Những chia sẻ về con đường từ tốt nghiệp bác sĩ ở Việt Nam đến học và thi lấy chứng chỉ ECFMG, vào nội trú và hành nghề tại Mỹ của bác sĩ Trương Hoàng Hưng. Bác sĩ Hưng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM năm 2000, học nội trú Nhi khoa tại Đại học Y Dược TP HCM. Sau đó anh qua Mỹ năm 2004, ôn thi USMLE và lấy chứng chỉ ECFMG, vào nội trú Texas Tech University (TTU). Hiện đang hành nghề BS Nhi khoa và BS giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ.

Trên trang cá nhân, có vài bạn hỏi tôi kinh nghiệm học USMLE để xin vào nội trú ở Mỹ. Gần đây tôi lại đang hướng dẫn vài bạn đang muốn học cái này. Tôi viết bài này hy vọng giúp chút gì cho mấy bạn trẻ đang dấn bước trên con đường gian nan này.

Trước hết, xin nói rõ đây là kinh nghiệm của bản thân tôi theo cách học phù hợp với riêng tôi, bạn tham khảo thấy gì hay thì áp dụng, vì nó tốt – đúng với tôi nhưng chưa chắc đúng với bạn.

Vừa làm vừa học

Hồi mới qua Mỹ cuối năm 2004, sau khi nộp hồ sơ xin chứng chỉ ECFMG (là chứng chỉ cho những người học y khoa ở nước ngoài muốn tiếp tục làm việc ở Mỹ), tôi bắt đầu học luyện thi USMLE.

Quy định là sau khi nộp hồ sơ xin chứng chỉ ECFMG, bạn phải hoàn thành các kỳ thi USMLE Step 1, Step 2 CK (Clinical Knowledge) và Step 2 CS (Clinical Skill) mới xin vào nội trú được. Bạn có 7 năm để hoàn thành các kỳ thi này, nếu không phải làm lại từ đầu.

Thời gian đầu qua không có chuyện gì làm, nằm nhà thất nghiệp, tôi lên Amazon với Ebay mua một mớ sách của Kaplan, một bộ sách tham khảo theo từng chủ đề. Step Up, First Aid gì tôi đều có đủ. Gần 6 tháng trời, tôi ở nhà trông con và ôm mấy cuốn sách nhai tới nhai lui, chán còn hơn ăn cơm nếp nát.

Sau gần 6 tháng, tôi xem lại thì giật mình thấy học khúc sau quên mất khúc đầu. Học kiểu này chắc 10 năm nữa cũng không dám đi thi, thế là đành nghiên cứu cách khác vậy.

Năm đầu tiên qua Mỹ stress kinh khủng, đang làm bác sĩ ì xèo ở Việt Nam, qua đây nằm nhà trông con, không tiền, không việc làm, người ta nói thì nghe chữ được chữ không, có lúc tôi muốn về Việt Nam quách cho rồi.

Ở nhà quá chán, tôi lò mò đi nộp đơn xin làm cu li ở Target (giống Walmart vậy). Người phỏng vấn coi hồ sơ, nói chuyện với tôi 10 phút rồi từ chối.

Ảnh nói là tôi quá dư điều kiện (overqualified) để làm cu li nên không nhận, vì cho rằng tôi sẽ không trụ lại lâu mà chỉ muốn làm tạm qua vài con trăng thôi. Tôi ra về lầm bầm chửi trong bụng, tự hứa sẽ không khoe cái bằng bác sĩ có tiếng mà không miếng này nữa.

Không nhận làm cu li thì tôi nộp đơn xin việc ở bệnh viện Parkland ở Dallas. Bệnh viện này lớn khủng khiếp, lúc đó có khoảng 8.000 người làm việc (đây cũng là nơi cố tổng thống Kennedy tử nạn). Tôi xin làm nurse aid, nói kiểu bình dân là đi phụ y tá lau chùi cho bệnh nhân thôi.

Họ hỏi có bằng hành nghề không, tôi chưng hửng hỏi bằng gì, họ bảo bằng Nurse Aid. Tôi kêu trời, xứ sở gì mà nurse aid cũng phải có bằng.

May sao họ bảo là đang cần một thông dịch tiếng Việt trong bệnh viện, nếu muốn thì nộp đơn xin. Tôi mừng húm, nộp đơn, trải qua hai lần thi tiếng Anh và tiếng Việt, đậu trên 80% và được nhận vào làm.

Công việc này thay đổi cuộc đời tôi ở Mỹ, nhờ nó mà tôi cân bằng tâm lý, hoà nhập vào cuộc sống ở một xã hội mới, có bạn bè mới, và nhất là giúp tôi sử dụng tiếng Anh thành thạo trong giao tiếp hàng ngày.

Thật lòng mà nói hồi mới đi làm thông dịch, người ta nói 10 phần thì tôi hiểu có phân nửa thôi, nhưng nhờ có kiến thức y khoa nên đoán ra phần còn lại. Sợ nhất là đi thông dịch cho người da đen và Ấn Độ, họ nói khó nghe vô cùng. Tới giờ tôi ở Mỹ 15 năm rồi mà nhiều khi còn hổng hiểu họ nói gì.

Trở lại chuyện học, kiến thức phải học thì bao la, học hoài không xong, cũng không biết cái nào quan trọng phải nhớ, nên tôi đổi phương pháp.

Tìm cách học phù hợp với bản thân

Thay vì ngồi nhai như bò nhai rơm, tôi dùng bộ câu hỏi của USMLE World Kaplan, ngồi làm từng câu một. Câu nào dễ mà mình đã biết thì thôi, câu nào làm sai, không hiểu thì đọc đi đọc lại phần giải thích các câu trả lời thật kỹ, vẫn không hiểu thì đem các sách tham khảo ra mà đọc, vẫn không thoả mãn thì lên online, vào thư viện đọc tiếp.

Tôi nghĩ như vậy có hiệu quả hơn vì bộ câu hỏi đã chọn lọc những phần quan trọng cần phải nhớ rồi.

Tôi dùng 3 tháng để học step 1, mỗi ngày khoảng 3 giờ rồi đi thi, may sao tôi đậu không thấp cũng không quá cao (92). Thừa thắng xông lên, tôi học step 2 CK cũng mất 3 tháng và thi đậu.

Tới step 2 CS, theo lời khuyên của một người đi trước, tôi theo học một khoá học 5 ngày của Kaplan để thực tập test này.

Lý do là do cách đào tạo khác nhau nên những bác sĩ từ Việt Nam qua sẽ hay phạm những lỗi như không rửa tay trước khi khám bệnh nhân, không che chắn bệnh nhân khi khám, hay đưa ra chẩn đoán vội vã như trả lời bệnh nhân kiểu như “Tôi nghĩ chị bị ung thư”… Test này chủ yếu là về kỹ năng lâm sàng và giao tiếp (bedside manner) chứ kiến thức cũng không có gì khó. Tôi chẳng ôn thi gì mà chủ yếu học khoá này và ôn lại những trường hợp lâm sàng hay gặp.

Chỉ có 5 ngày nhưng khoá học rất hữu ích và giúp bạn có rất nhiều kinh nghiệm thực tế. Học phí khá đắt, tôi trả hơn 2.300 USD vào thời điểm đó, nhưng đáng tiền. Họ còn có một kỳ thi thử trong ngày cuối, khó hơn kỳ thi thật. Họ bảo nếu bạn đậu kỳ thi này thì sẽ đậu kỳ thi thật. Tôi đậu step 2 CS không khó khăn gì.

Sau đó thì tôi xin vào nội trú.

Step 3 thì tôi thi trong lúc đang làm nội trú, chủ yếu vì không biết có vào nội trú được hay không nên không muốn bỏ tiền để đi thi, nhưng có người thi luôn trước khi vào nội trú.

BS Trương Hoàng Hưng

Tôi có vài lời khuyên cho các bạn đang hướng tới con đường này

Nếu đang ở Mỹ, bạn nên dấn thân ra ngoài, đừng nên chỉ ngồi nhà học.

Bạn kiếm việc gì làm, thiện nguyện cũng được, làm kiếm tiền cũng được, làm trong môi trường y khoa càng tốt. Điều cốt yếu là đừng chui vô mấy chỗ toàn nói tiếng Việt, vì sẽ không giúp bạn cải thiện được tiếng Anh.

Ra ngoài làm việc và giao tiếp giúp bạn rất nhiều chuyện, cải thiện cho bạn từ ngôn ngữ đến kinh tế, giúp bạn hoà nhập văn hoá. Tôi nhận thấy trở ngại lớn nhất (hay thua thiệt) của bác sĩ từ Việt Nam sang không phải là chuyên môn mà là là ngôn ngữ, kém hoà nhập văn hoá và môi trường làm việc.

Bạn nên học sao để thi điểm khá cao và thi một lần là đậu.

Nếu điểm chỉ vừa đủ đậu hay thi mấy lần mới đậu thì hay bị loại từ vòng ngoài.

Các chương trình nội trú đều có tiêu chuẩn sàng lọc, nếu không đủ chuẩn là tự nhiên bị loại, cũng chẳng ai xem tới hồ sơ của mình. Thời điểm tốt nghiệp trường Y cũng là một tiêu chuẩn, những người đã tốt nghiệp trên 10 năm thì rất khó xin nội trú.

Thời điểm bắt đầu xin nội trú là đầu tháng 9.

Bạn nên sắp xếp sao để hoàn thành các kỳ thi cần thiết, sẵn sàng các hồ sơ cần thiết như personal statement, thư giới thiệu… trước thời điểm này. Đó là vì các chương trình đều có giới hạn số lượng bác sĩ sẽ phỏng vấn, họ chỉ phỏng vấn thêm nếu thấy không đủ ứng viên tốt mà thôi.

Nên nếu bạn nộp trễ thì dễ bị bỏ qua dù hồ sơ có tốt đi nữa. Tôi đã phạm lỗi này nên mất một năm chờ đợi. Năm đầu nộp vào cuối tháng 11, chỉ có một lời gọi phỏng vấn. Năm sau tôi nộp sớm nên có gần 10 lời gọi phỏng vấn và prematch vào nội trú.

Bạn nên tìm các chương trình nội trú nào thân thiện với bác sĩ nước ngoài (IMGs) rồi liên lạc trực tiếp.

Lúc đó tôi vô website từng chương trình, thấy chương trình nào có bác sĩ nội trú từ nhiều nơi trên thế giới, từ nhiều trường trên thế giới thì nhào vô.

Đi phỏng vấn họ hỏi tôi tại sao chọn chương trình này, tôi cũng trả lời thật thà như vậy thôi.

Đi phỏng vấn nên có tính chuyên nghiệp cao, đúng giờ, thân thiện, tự tin, thể hiện chính mình là được.

Chuyện học USMLE của tôi có vậy thôi, là kinh nghiệm của riêng tôi, hy vọng có ích cho các bạn trẻ ở Việt Nam và chúc các bạn toại nguyện.

BS Trương Hoàng Hưng (theo Trí thức trẻ)

Xem thêm:

Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận được thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký tại Form nhận bản tin và theo dõi tại kênh Youtube

  • Đêm trực hú vía

    Mỗi nghề có mỗi khó khăn nguy hiểm khác nhau nhưng nghề y đúng là nghề nguy hiểm thiệt. Dù…
  • Giai Nobel Y hoc 2024

    Giải Nobel Y học 2024

    Hội đồng Nobel đã công bố giải Nobel Y sinh năm 2024 vào ngày 7 tháng 10 năm 2024 (giờ Việ…
  • hoi chung sinh vien y khoa

    Hội chứng sinh viên Y khoa

    Hội chứng sinh viên y khoa (Medical Students' Disease), Second Year Syndrome (hội chứng nă…
Tải thêm Blog Y khoa

Check Also

Đêm trực hú vía

Mỗi nghề có mỗi khó khăn nguy hiểm khác nhau nhưng nghề y đúng là nghề nguy hiểm thiệt. Dù…