Tác giả: BS Lê Khắc Linh – VinUniversity, Vinmec International Hospital
Nguồn: Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam
Hôm nay nhân tiện có một em khóa dưới hỏi về lựa chọn hướng đi. Dù mình cũng đang vật vã tìm lối đi cho mình, nhưng chia sẻ để các em vừa tốt nghiệp có thêm một góc nhìn từ một người đã đi trước 5 năm, ai có em Y6 thì share cho đọc.
1. Cảm giác thất nghiệp khá là tệ
Cảm giác thất nghiệp khá là tệ, nhất là những đứa cầm bằng giỏi mà chưa có việc làm. Nên dù bạn giỏi hay trung bình, hãy chuẩn bị tâm lý cho điều xấu nhất xảy ra là ra trường vài tháng rồi mà vẫn chưa có việc. Lúc đó đừng xem facebook của bạn bè nhiều, đừng so sánh bản thân mình với bọn nó mà stress.
Tin vui cho các bạn là tỉ lệ thất nghiệp sau 5 năm = 0%, phần lớn đều hài lòng (cam chịu) với công việc hiện tại (Theo thống kê lớp K38G khóa 2008-2014).
2. Các cặp đôi yêu nhau…
Sau khi tốt nghiệp cũng là khoảng thời gian stress nhất cho các cặp đôi yêu nhau từ trong trường, dễ chia tay nhất.
Nếu bạn đang cãi nhau hay có ý định chia tay, thì hãy dừng lại, hít thật sâu rồi nhắn cho người ta “em/anh xin lỗi” vì biết đâu nửa kia của mình đang bù đầu lo xin việc, lo ôn thi nội trú, hoặc đang đi chụp ảnh cưới với đứa khác… (đùa thôi, hãy luôn nghĩ tích cực về người khác, nhất là người mình yêu).
Vượt qua giai đoạn này các bạn sẽ gắn bó hơn nhiều. Tình yêu đẹp nên là tình yêu kết thúc bằng đám cưới.
3. Hãy chọn từ bệnh viện tuyến tỉnh trở lên
Hãy chọn từ bệnh viện tuyến tỉnh trở lên. Lý do là ở đó mới đủ bệnh nhân, phương tiện và thầy để các bạn học tiếp (viết đến đây mình nhớ một cô nàng lựa chọn bệnh viện hạng hai tuyến cơ sở – anh biết là em đọc tus này và sẽ cười).
4. Hãy chọn làm cho các viện công trong những năm đầu
Hãy chọn làm cho các viện công trong những năm đầu ra trường, kể cả làm không lương. Lý do giải thích ở mục số 3 và mục số 6.
Nếu các bạn chọn viện tư: vẫn ổn. Nhưng hãy luôn nhớ tới các điều kiện ràng buộc, và không nên nộp bằng gốc. Cá nhân mình thấy việc họ cho đi học 6-12 tháng rồi bắt bạn làm việc từ 5 năm trở lên là không công bằng. Đừng chỉ vì vài chục triệu ban đầu mà mất tự do của cả sự nghiệp còn lại. Hãy luôn nhớ tự do là muôn năm.
5. Tử tế với đồng nghiệp
Hãy “cố gắng” tử tế với đồng nghiệp, điều dưỡng, và đàn em, kể cả người đối xử tệ với bạn.
Ngành y tương đối hẹp, những người trong một chuyên khoa dù ở các viện khác nhau thường hay biết nhau; đàn em hôm nay có thể là thầy bạn ngày mai (nó lên trung ương làm hoặc đi học trước); người làm bạn khó chịu và bạn đã lỡ phản ứng lại một cách ra mặt có thể ngày mai lại là sếp bạn; điều dưỡng cứng sẽ chữa cháy cho bạn được rất nhiều phi vụ lúc mà trình của bạn còn non.
Còn nếu bạn tử tế với tất cả thì…có thể người khác vẫn đối xử tệ với bạn (đùa thôi, không ai nỡ làm hại một người tử tế và dễ thương đâu).
6. Về kiếm tiền
Ngành y là một ngành thăng tiến chậm, nếu muốn kiếm tiền bằng chính ngành y, hãy đầu tư trước.
Trong 5 năm đầu hãy làm mạnh CV của mình bằng cách làm từ viện công tuyến tỉnh trở lên, học giỏi tiếng anh, chăm làm để giỏi lâm sàng, có bằng chuyên khoa hoặc cao học thì càng tốt.
Nhưng cũng rất là ngớ ngẩn nếu bạn suy nghĩ bác sĩ thì không thể giàu hoặc làm giàu sẽ phải vi phạm y đức. Nếu bạn giỏi và chăm chỉ, bạn chắc chắn sẽ giàu (còn giàu lúc nào thì mình cũng không biết).
7. Bạn bè
Gần cuối, nhưng quan trọng nhất: phải có ít nhất một hai đứa bạn thân.
Cuộc sống sau ra trường sẽ có nhiều bầm dập, việc có những người bạn tốt bên cạnh sẽ giúp bạn cảm thấy êm dịu rất nhiều trong những lúc đau khổ.
8. Gia đình
Nếu bố mẹ bạn có điều kiện để bạn học tiếp và theo đuổi ước mơ, hãy biết ơn.
Nếu bố mẹ không có điều kiện và mong bạn kiếm tiền ngay, hãy giải thích cho họ mục số 6, và đừng làm họ thất vọng sau 5 năm.
Đừng cáu, đừng giận vì họ chưa hiểu các quyết định của bạn. Đừng nghĩ bố mẹ bạn lạc hậu, vì trong phần lớn các quyết định thì bố mẹ của bạn đúng.
9…
Quên rồi, hôm nào nhớ viết tiếp…
P/s: Lúc viết bài này, mình nhớ các anh chị tiền bối đã giúp đỡ, những đứa bạn đã ở bên cạnh lúc khó khăn, nhớ Le Thang đã kiên trì hơn một năm ở viện tư nhân hạng ba để cuối cùng báo cho mình em đậu viên chức cả hai viện tỉnh lớn (hình như là thủ khoa của cả hai), nhớ cô em gái dại dột ký hợp đồng hơn 20 năm với Hợp Lực, nhớ vài đứa than thở chuyện đau khổ vì chia tay sau ra trường (mấy tháng sau thấy nó tươi cười chụp ảnh cưới với đứa khác). Cảm ơn tất cả vì làm cuộc đời mình có nhiều trải nghiệm, sống động mỗi khi nhớ và viết lại. Cảm ơn Trần Thúy làm mình có suy nghĩ nên chia sẻ một chút.