[Sách dịch] Hướng dẫn thực hành siêu âm tim thai – Situs Thai

Huong Dan Thuc Hanh Sieu Am Tim Thai - Chuong 6 Situs Thai

Bài viết là bản dịch Chương 6 của sách Hướng dẫn thực hành siêu âm tim thai (A Practical Guide to Fetal Echocardiography: Normal and Abnormal Hearts) do GS Alfred AbuhamadGS Rabih Chaoui chủ biên.
Người dịch: BS Sơn Lâm, Hiệu chỉnh: BS Nguyễn Văn Thụy.
Đây là một nguồn tham khảo hay tạo nền tảng cho các bác sĩ thực hành siêu âm sàng lọc và chẩn đoán chuyên sâu các bệnh tim bẩm sinh.
Giới thiệu sách và các chương: Hướng dẫn thực hành siêu âm tim thai (A Practical Guide to Fetal Echocardiography: Normal and Abnormal Hearts, 3rd edition 2016)

Sieu-am-tim-thai-chuong-6-situs-thai

Giới thiệu

Bước đầu tiên trong đánh giá siêu âm thai nhi là xác đánh giá situs các cơ quan nội tạng vì một số cơ quan nằm đối xứng và một số khác thì không (ví dụ như các cơ quan trong bụng và lồng ngực) (1). Nhận dạng rõ về bên trái và phải của cơ thể được ghi nhận từ phôi thai sớm. Hiểu rõ về situs thai rất quan trọng trong quá trình thực hiện siêu âm, vì một số dị tật thai liên quan với một bên bất thường của các cơ quan trong ổ bụng và/hoặc lồng ngực. Đánh giá hướng và vị trí của tim thai trong lồng ngực và tương quan giải phẫu của các cơ quan trong ổ bụng là một phần của thăm khám siêu âm tim thai có chủ đích. Kiến thức về các mốc giải phẫu trong ngực và bụng tạo thuận lợi trong việc thực hành sàng lọc tim thai hàng ngày và gợi ý phát hiện bất thường tim thai (1, 2). Chương này tập trung vào situs thai, gồm cả định hướng giải phẫu của các cơ quan trong ngực và bụng cao.


Phân tích tuần tự từng phần

Trong việc đánh giá giải phẫu tim thai, cách tiếp cận từng phần theo tuần tự giúp mô tả bất thường tim thai rõ ràng và đơn giản. Trong nhiều năm, các nhà bệnh học và siêu âm tim trẻ em đã sử dụng cách tiếp cận này để mô tả tim bình thường và bất thường (1, 3, 4). Trong cách tiếp cận tuần tự từng phần, hệ tim mạch được chia thành nhiều phần, và mỗi phần được mô tả về giải phẫu, vị trí, sự kết nối với phần kế tiếp. Phân tích tuần tự từng phần này liên quan đến ba vùng giải phẫu: tâm nhĩ, tâm thất và thân động mạch. Mỗi vùng giải phẫu còn được chia thành bên phải và bên trái. Van nhĩ thất phân ra tâm nhĩ với tâm thất, van bán nguyệt phân ra tâm thất với thân động mạch. Một thành phần giải phẫu thứ tư cũng nên đánh giá thêm là sự kết nối tĩnh mạch phổi và tĩnh mạch hệ thống. Vì thế các buồng tim được nhận dạng bởi hình thái cấu trúc hơn là vị trí giải phẫu của chúng. Hướng dòng chảy cũng giúp đánh giá sự kết nối giữa nhĩ-thất và thất-đại động mạch. Việc đánh giá situs cơ quan nội tạng, vị trí tim được mô tả chi tiết trong chương này và nên là một phần của tiếp cận tuần tự từng phần (1, 3, 4). Bảng 6.1 trình bày các bước phân tích tuần tự từng phần trong đánh giá tim thai. Đánh giá chi tiết giải phẫu của buồng tim, cấu trúc van, thân động mạch, hệ tĩnh mạch sẽ được trình bày trong các chương sau.

Bảng 6.1. Các bước phân tích tuần tự từng phần trong siêu âm tim thai

1. Xác định situs các cơ quan nội tạng
2. Xác định sự sắp xếp tâm nhĩ (hình thái nhĩ phải và nhĩ trái)
3. Xác định kết nối nhĩ-thất (van nhĩ thất)
4. Xác định sự sắp xếp tâm thất (hình thái thất phải và thất trái)
5. Xác định kết nối thất-đại động mạch (van bán nguyệt)
6. Xác định sự sắp xếp thân động mạch (động mạch chủ và động mạch phổi)
7. Xác định các kết nối tĩnh mạch hệ thống và tĩnh mạch phổi

Situs cơ quan nội tạng thai

Đánh giá situs nội tạng và ngực thai là cách tiếp cận đầu tiên để phân tích tuần tự từng phần trong siêu âm tim thai (5). Hội chứng Heterotaxy thường liên quan với các bất thường tim và bụng, vì vậy chỉ tập trung vào tim thai mà không đánh giá phần bụng cao thường cho kết quả chẩn đoán không đầy đủ. Mặc dù phương pháp hiện nay để phát hiện situs thai dựa vào vị trí tương ứng của dạ dày trong ổ bụng và tim trong lồng ngực, nhưng cũng nên chú ý cẩn thận động mạch chủ và tĩnh mạch chủ bên dưới cơ hoành (4, 5) (Hình 6.1), hướng của tĩnh mạch rốn với xoang cửa, sự hiện diện và vị trí túi mật, và nếu được là sự hiện diện và vị trí của lách. Có sự đồng thuận rằng vị trí của động mạch chủ và tĩnh mạch chủ bên dưới cơ hoành là tiêu chí đáng tin cậy hơn trong việc xác định đồng phân phải hoặc trái so với vị trí của dạ dày trong ổ bụng.

Kỹ thuật

  1. Xác định vị trí đầu thai nhi trong tử cung và xem các phần (ví dụ đầu, mông…) (Hình 6.2).
  2. Xác định tư thế nằm của thai trong tử cung bằng mặt cắt đứng dọc cột sống thai nhi (nằm dọc: khi cột sống thai nhi song song với trục cột sống mẹ; nằm ngang: khi cột sống thai nhi vuông góc với cột sống mẹ; nằm nghiêng: khi cột sống thai nằm nghiêng so với cột sống mẹ).
  3. Sau khi thiết lập vị trí chính xác của thai ở bước 1 và bước 2, xác định bên trái của thai liên quan với bụng mẹ (bên trái thai nằm trước [gần với đầu dò], nằm sau [gần với thành sau tử cung], bên phải [gần với thành phải tử cung], bên trái [gần với thành trái tử cung]) (Hình 6.2).
  4. Mặt cắt ngang bụng thai nhi thu được bằng cách xoay đầu dò 90 độ từ mặt cắt đứng dọc của cột sống ngực thấp. Hình ảnh dạ dày thai ở bên trái ổ bụng, động mạch chủ xuống nằm phía sau bên trái, tĩnh mạch chủ dưới nằm phía trước bên phải (Hình 6.1 và 6.3). Ngoài ra còn thấy tĩnh mạch rốn phần trong gan kết nối với tĩnh mạch cửa trái và xoang cửa bên phải có hình chữ L (Hình 6.1 và 6.3). Trượt đầu dò hướng về phía ngực thai thu được mặt cắt bốn buồng tim. Lưu ý đỉnh tim hướng về bên trái lồng ngực thai (Hình 6.2 và 6.4). Xác nhận situs nội tạng bình thường với vị trí dạ dày, động mạch chủ xuống, đỉnh tim nằm ở bên trái thai, tĩnh mạch chủ dưới nằm ở bên phải thai (Hình 6.1 và 6.3).
Sieu-am-tim-thai-chuong-6-situs-thai-hinh-6.1
Hình 6.1

Hình 6.1: Sơ đồ hình vẽ mặt cắt ngang bụng cao đánh giá situs ổ bụng. Đường dọc giữa chia bụng thành hai bên phải và trái. Các cấu trúc bên phải bao gồm túi mật, xoang cửa, phần lớn gan, tĩnh mạch chủ dưới (IVC). Các cấu trúc bên trái bao gồm động mạch chủ xuống, dạ dày và lách. Hình 6.3 là mặt phẳng siêu âm tương ứng.

Sieu-am-tim-thai-chuong-6-situs-thai-hinh-6.2
Hình 6.2

Hình 6.2: Xác định situs của thai ở tư thế nằm dọc: Ở hình A, thai nhi ngôi đầu với cột sống thai nhi gần thành trái tử cung, kết quả là bên phải ở phía trước và bên trái ở phía sau. Hình B, thai nhi ngôi đầu với cột sống thai nằm gần thành phải tử cung, kết quả là bên trái nằm ở phía trước và bên phải nằm ở phía sau. Hình C, thai nhi ngôi mông với cột sống thai nằm gần thành trái tử cung, kết quả là bên trái nằm ở phía trước và bên phải nằm ở phía sau. Hình D, thai nhi ngôi mông với cột sống thai nằm gần thành phải tử cung, kết quả là bên phải nằm ở phía trước và bên trái nằm ở phía sau. Lưu ý mặt phẳng siêu âm cắt ngang tương ứng của ngực và bụng. Mũi tên xanh chỉ dạ dày, mũi tên đỏ chỉ đỉnh tim, và mũi tên vàng chỉ động mạch chủ xuống. Xem văn bản để biết chi tiết.

Sieu-am-tim-thai-chuong-6-situs-thai-hinh-6.3
Hình 6.3

Hình 6.3: Mặt cắt ngang bụng ở thai situs solitus. Lưu ý vị trí của gan, xoang cửa (PS), tĩnh mạch chủ dưới (IVC) ở bên phải (R); dạ dày (St) và động mạch chủ xuống (Ao) nằm ở bên trái (L). Tĩnh mạch rốn (UV) nằm ở giữa. So sánh với Hình 6.1.

Sieu-am-tim-thai-chuong-6-situs-thai-hinh-6.4
Hình 6.4

Hình 6.4: Sơ đồ hình vẽ mặt cắt ngang lồng ngực ngang mức bốn buồng tim ở thai situs solitus. Lưu ý vị trí tim ở bên trái lồng ngực với trục tim bình thường 45 độ. Xem văn bản để biết chi tiết.

Một số phương pháp xác định situs thai trên siêu âm đã được mô tả. Cordes và cộng sự (6) mô tả kỹ thuật liên quan đến việc chuẩn hóa định hướng đầu dò sao cho đầu thai ở bên phải màn hình trên mặt cắt dọc giữa thai làm điểm khởi đầu và sau đó xoay đầu dò 90 độ theo chiều kim đồng hồ để được mặt cắt ngang đầu chân. Một phương pháp khác được báo cáo bởi Bronshtein và cộng sự (7) được gọi là quy tắc bàn tay phải trên siêu âm đường bụng và quy tắc bàn tay trái trên siêu âm ngã âm đạo (Hình 6.5). Lòng bàn tay tương ứng với mặt thai nhi và người làm siêu âm giữ bàn tay theo mặt của thai, khi đó tim và dạ dày thai được thể hiện bằng ngón cái người thực hiện.

Sieu-am-tim-thai-chuong-6-situs-thai-hinh-6.5
Hình 6.5

Hình 6.5: Xác định sotus thai nhi: Sơ đồ biểu diễn thai với lưng ở vị trí phía sau (1 và 3) và lưng ở phía trước (2 và 4). Ở siêu âm qua đường bụng, chùm tia siêu âm (S) đi từ trên xuống dưới. Lòng bàn tay phải đại diện cho mặt của thai, tim thai và dạ dày ở cùng bên với ngón tay cái người thực hiện siêu âm.

Situs Solitus, Situs Inversus, Situs Ambiguous

Có ba loại situs nội tạng: situs solitus, situs đảo ngược (inversus), situs mơ hồ (ambiguous) (Bảng 6.2).

a) Situs solitus đề cập đến sự sắp xếp bình thường của các mạch máu và cơ quan trong cơ thể (Hình 6.1).

b) Situs đảo ngược, với tỷ lệ khoảng 0.01% dân số, đề cập đến hình ảnh soi gương của các mạch máu và cơ quan so với situs solitus.

Situs đảo ngược liên quan với sự gia tăng nhẹ tỷ lệ mắc bệnh tim bẩm sinh (CHD) phức tạp, từ 0.3% đến 5% (8), và có hội chứng Kartagener trong khoảng 20% trường hợp (9). Hội chứng Kartagener là hội chứng di truyền gen lặn, chủ yếu liên quan với rối loạn chức năng đường mật, nhiễm trùng phổi tái diễn, và giảm khả năng sinh sản.

c) Situs mơ hồ (heterotaxy), đề cập đến sai lệch vị trí và sai hình dạng cơ quan nội tạng so với situs solitus hoặc inversus, thường liên quan với các bệnh tim bẩm sinh phức tạp, bất thường hồi lưu tĩnh mạch, tắc nghẽn và ruột xoay bất toàn, các bất thường ở lách, đường mật, cây phế quản. Tỷ lệ situs mơ hồ trong khoảng 1/10.000 trẻ em (10). Có hai loại heterotaxy là dạng đồng phân phải và đồng phân trái. Trong dạng đồng phân phải (còn gọi là không lách) cả hai bên cơ thể đều có hình thái bên phải; trong dạng đồng phân trái (còn gọi là đa lách) cả hai bên cơ thể đều có hình thái bên trái. Chương 30 trình bày chi tiết về heterotaxy và dạng đồng phân của thai.

Bảng 6.2. Các loại situs nội tạng

SitusDấu hiệu Bên phảiDấu hiệu Bên trái
Solitus
(bình thường)
Hình thái tâm nhĩ phải
Thùy gan chính
Tĩnh mạch chủ dưới
Phổi có ba thùy
Phế quản thượng mạch ngắn
Hình thái tâm nhĩ trái
Dạ dày
Động mạch chủ xuống
Phổi có hai thùy
Phế quản hạ mạch dài
Đảo ngược
(inversus)
Hình thai tâm nhĩ trái
Dạ dày
Động mạch chủ xuống
Phổi hai thùy
Phế quản hạ mạch dài
Hình thái tâm nhĩ phải
Thùy gan chính
Tĩnh mạch chủ dưới
Phổi có ba thùy
Phế quản thượng mạch ngắn
Mơ hồ (heterotaxy)Thay đổiThay đổi

Situs và giải phẫu ngực thai

Lồng ngực là một khoang được giới hạn phía trước bởi xương ức, phía sau bởi cột sống và hai bên là xương sườn. Giới hạn trên của lồng ngực là xương đòn, xương sườn đầu tiên, thân đốt sống thứ nhất, giới hạn dưới là cơ hoành.

Trái tim được bao phủ phía trước bởi 2/3 dưới xương ức và các sụn sườn thứ hai đến thứ sáu. Tim được bao bọc xung quanh và phía sau bởi phổi và phía dưới bởi cơ hoành. Động mạch chủ ngực đoạn xuống và thực quản nằm sau tim. Tuyến ức nằm ở trung thất trước trên, giữa xương ức phía trước và các mạch máu lớn phía sau. Tim thai nhi nằm ngang trong lồng ngực và mặt cắt bốn buồng tim có được tương tự mặt cắt ngang lồng ngực ngang mức xương sườn thứ tư (Xem chương 7). Phổi phải và trái chiếm phần lớn khoang lồng ngực với tim nằm ở giữa. Phổi phải bao gồm 3 thùy trên, giữa, dưới, với phế quản chính thượng mạch ngắn. Phổi trái bao gồm hai thùy trên và dưới, với phế quản chính hạ mạch dài.

Tim trong khoang ngực được mô tả trên siêu âm theo trục tim và vị trí tim (Hình 6.4). Tim chiếm phần trung tâm khoang ngực trong trung thất giữa. 2/3 quả tim bao gồm đỉnh tim nằm ở bên trái và 1/3 quả tim bao gồm đáy nằm ở bên phải (Hình 6.4), với trục tim hướng về bên trái. Các phần sau của chương này mô tả trục tim thai và vị trí tim thai chi tiết.

Trục tim thai

Trên siêu âm trục tim thai có thể xác định bằng mặt cắt ngang lồng ngực ngang mức bốn buồng tim. Một đường thẳng vẽ từ cột sống ra phía trước thành ngực sẽ chia lồng ngực thành hai nửa bằng nhau. Trục tim là góc tạo bởi vách liên thất và đường thẳng này (Hình 6.4). Trục tim bình thường không phụ thuộc vào tuổi thai, thường nằm ở góc 45 độ lệch về bên trái so với đường giữa (11) (Hình 6.4, 6.6 và 6.7A).
Các nghiên cứu có khác nhau một chút về định nghĩa của trục tim thai bất thường, các tác giả cho rằng trục tim lớn hơn 65 độ hoặc nhỏ hơn 25 độ là bất thường. Hầu hết bất thường trục tim thai là lệch trái (12). Trong một nghiên cứu với định nghĩa trục tim bất thường khi nhỏ hơn 28 độ hoặc lớn hơn 59 độ cho độ nhạy phát hiện bệnh tim bẩm sinh hoặc bất thường trong lồng ngực là 79% (13). Bất thường tim xảy ra ở thai với trục tim thai nhỏ hoặc lớn (13). Một nghiên cứu với xác định lệch trục sang trái khi lớn hơn 75 độ đã ghi nhận bất thường tim là 76% (12). Các bệnh tim phổ biến gây trục tim lệch trái là tứ chứng Fallot (Hình 6.7C), thân chung động mạch (Hình 6.7B), hẹp động mạch chủ, bất thường Ebstein (Hình 6.7D). Các bệnh gây trục tim lệch phải phổ biến là thất phải hai đường ra, kênh chung nhĩ thất, tâm nhĩ chung (11, 13, 14). Trục tim bất thường cũng được ghi nhận ở thai có khiếm khuyết thành bụng, như thoát vị rốn (59% có sai lệch trục tim) và hở thành bụng (14% có sai lệch trục tim) (15). Hình 6.7B đến 6.7D cho thấy ba thai với trục tim bất thường gần 90 độ. Sự kiện chính xác trong thời kỳ phôi thai dẫn đến trục tim bất thường ở thai có bất thường tim vẫn chưa được biết; tuy nhiên cơ chế cơ bản được đề xuất là do xoay quá nhiều vòng lặp củ thất trong quá trình tạo phôi sớm (11, 13, 15). Trong những trường hợp hiếm liên quan với bệnh tim bẩm sinh phức tạp có thể không xác định được đỉnh tim. Trục tim bất thường có liên quan đáng kể trong hình ảnh tim thai ở thai kỳ sớm (16), điều này sẽ được thảo luận chi tiết hơn trong chương 16.

Sieu-am-tim-thai-chuong-6-situs-thai-hinh-6.6
Hình 6.6

Hình 6.6: Mặt cắt ngang ngực thai ngang mức bốn buồng tim, thể hiện cách đo trục tim. Lưu ý trục tim được đo giữa một đường thẳng chia đôi lồng ngực làm hai nửa (đường màu vàng) và đường thẳng dọc theo trục dài của tim (đường màu đỏ).

Sieu-am-tim-thai-chuong-6-situs-thai-hinh-6.7
Hình 6.7

Hình 6.7: Mặt cắt ngang ngực thai ngang mức bốn buồng tim, cho thấy trục tim bình thường ở hình A, và ở ba thai có trục tim bất thường (lệch trái). Thai ở hình B có thân chung động mạch, thai ở hình C có tứ chứng Fallot, và thai ở hình D có bất thường Ebstein.

Vị trí tim

Vị trí tim đề cập tới vị trí của tim trong lồng ngực và độc lập với trục tim thai. Dextrocardia là thuật ngữ dùng để mô tả tim nằm vị trí bên phải lồng ngực (Hình 6.8 đến 6.10), mesocardia đề cập tới vị trí trung tâm của tim trong lồng ngực (Hình 6.11), và levocardia đề cập tới vị trí bên trái của tim (Hình 6.7). Ectopia dùng để chỉ trái tim bên ngoài lồng ngực. Những thuật ngữ này mô tả vị trí tim trong lồng ngực và không mang thông tin nào liên quan đến situs thai, trục tim, giải phẫu tim, hoặc tổ chức buồng tim. Bất thường vị trí và trục tim có thể xảy ra độc lập và vì thế nên được báo cáo riêng (3).

Ngược lại với sự đồng thuận chung trong việc định nghĩa trục tim bình thường hoặc bất thường, vẫn còn những tranh luận đang diễn ra về mô tả chính xác vị trí tim, đặc biệt là những trường hợp có tim ở ngực phải. Những thuật ngữ như dextrocardia, dextroposition, hoặc dextroversion vẫn được sử dụng thay thế cho nhau trong y văn mà không có đồng thuận chung. Các tác giả khuyến nghị thuật ngữ dextrocardia để mô tả vị trí tim ở ngực phải không kể trục của nó. Tỷ lệ dextrocardia ở các trung tâm chuyên khoa từ 0.22% đến 0.84% và phần lớn các trường hợp liên quan với bệnh tim bẩm sinh (17, 18). Dextroposition mô tả vị trí tim ở ngực phải với trục tim hướng về bên trái, và vì vậy dextroposition là một dạng của dextrocardia. Do đó dextroposition có thể là một vị trí tạm thời của tim ở ngực phải, có khả năng về lại khi nguyên nhân cơ bản gây nên sự thay đổi được giải quyết. Khi tim nằm ở ngực phải với trục tim hướng về bên phải, thuật ngữ dextroversion được dùng (Hình 6.10). Dextroversion cũng là một dạng của dextrocardia, thấy ở situs đảo ngược và situs mơ hồ và thường liên quan với bệnh tim bẩm sinh mà chủ yếu là bất tương hợp nhĩ thất (Hình 6.10) (19).

Sieu-am-tim-thai-chuong-6-situs-thai-hinh-6.8
Hình 6.8

Hình 6.8: Mặt cắt ngang ngực thai ngang mức bốn buồng tim, ở ba thai với tim nằm ở bên phải lồng ngực (dextrocardia) và trục tim hướng sang trái, hậu quả từ khối choán chỗ ở phổi trái; tràn dịch màng phổi trái ở hình A (dấu *), thoát vị hoành trái bẩm sinh với dạ dày (St) trong lồng ngực ở hình B, dị dạng nang tuyến phổi bẩm sinh bên trái ở hình C.

Sieu-am-tim-thai-chuong-6-situs-thai-hinh-6.9
Hình 6.9

Hình 6.9: Mặt cắt ngang ngực thai ngang mức bốn buồng tim, ở hai thai với tim ở bên phải lồng ngực (dextrocardia) và trục tim hướng dang trái hoặc trung gian, do hai bệnh cảnh hiếm gặp: bất sản phổi phải ở hình A (dấu *) và thiểu sản phổi phải trong hội chứng Scimitar ở hình B.

Sieu-am-tim-thai-chuong-6-situs-thai-hinh-6.10
Hình 6.10

Hình 6.10: Mặt cắt ngang ngực thai ngang mức bốn buồng tim, ở ba thai với tim nằm bên phải lồng ngực (dextrocardia) và trục tim nằm bên phải. Tình trạng này thường liên quan với bất thường tim. Hình A thể hiện thai có situs đảo ngược với tâm thất nằm phía trước là thất phải (RV) (hình ảnh soi gương) và động mạch chủ ngực nằm bên phải. Hình B thể hiện thai xoay phải với thất trái (LV) nằm ở phía trước và động mạch chủ ngực ở bên trái. Hình C là thai mắc tâm thất độc nhất dạng đồng phân phải với động mạch chủ ngực nằm ở giữa.

Sieu-am-tim-thai-chuong-6-situs-thai-hinh-6.11
Hình 6.11

Hình 6.11: Mặt cắt ngang ngực thai ngang mức bốn buồng tim, ở hai thai với mesocardia (tim nằm ở vị trí trung tâm lồng ngực). Hình A thể hiện một thai với mesocardia đơn độc không có bất thường tim. Hình B thể hiện một thai teo thanh quản với chèn ép tim do phổi dãn lớn.

Điều quan trọng cần lưu ý là những định nghĩa của vị trí tim khác nhau cung cấp ở đây không thường được làm theo bởi những người khác (4) và một số sách giáo khoa tim mạch trẻ em tránh sử dụng những thuật ngữ này (1, 3). Edwards và Maleszewski (3) đề xuất một trình tự mô tả của (1) vị trí của tim và (2) hướng của trục tim, từ đó tránh sử dụng những thuật ngữ này. Ưu điểm của cách tiếp cận này là dễ hiểu và dễ báo cáo. Vì thế, khi tim được ghi nhận nằm ở ngực phải trên siêu âm, người làm siêu âm nên đánh giá trục tim và báo cáo trục của nó cho dù hướng về trái hay phải.

Tim bên phải lồng ngực (Dextrocardia) và trục tim hướng sang trái

Tình huống này thường xuất phát từ yếu tố bên ngoài dẫn đến sự di chuyển của tim sang phải. Nó có thể do khối choán chỗ ở lồng ngực trái (thoát vị hoành [Hình 6.8B], khối ở phổi trái [Hình 6.8C], tràn dịch màng phổi [Hình 6.8A], hoặc do bất sản hoặc thiểu sản của phổi phải [Hình 6.9A] [như trong hội chứng Scimitar, Hình 6.9B]). Kiểm tra theo dõi có thể thấy tim nằm giữa hoặc ở ngực trái với trục bình thường trong các nguyên nhân này, vì một số tổn thương ở phổi và tràn dịch màng phổi đã được báo cáo thoái triển khi thai phát triển.

Tim nằm bên phải lồng ngực (Dextrocardia) và trục tim hướng sang phải

Tình huống này thường liên quan với bất thường tim và đánh giá tim thai chi tiết cần được thực hiện. Vị trí và trục tim này cũng thường được ghi nhận ở situs đảo ngược (độc lập với vị trí dạ dày) và ở chuyển vị có sửa chữa bẩm sinh như là biểu hiện của vòng lặp bất thường trong quá trình phát triển phôi. Khi thấy bất thường tim dạng tâm thất độc nhất kết hợp với dextrocardia và trục tim sang phải, cần thực hiện đánh giá đồng phân (thường là đồng phân phải). Trong bối cảnh dextrocardia với trục tim sang phải, điều quan trọng là mô tả hình thái của tâm thất nằm phía trước vì nó cung cấp thông tin về việc có hay không hình ảnh soi gương hoặc tim xoay sang phải (tâm thất phải nằm ở phía trước ý nói đến vị trí hình ảnh soi gương và tâm thất trái nằm trước ý nói tim xoay phải). Kết nối nhĩ thất cũng cần được mô tả để nhận dạng sự tương hợp hoặc bất tương hợp.

Tim nằm ở giữa ngực (Mesocardia)

Tình huống này cho thấy một vị trí không rõ ràng của tim với đỉnh tim hướng về đường giữa lồng ngực (Hình 6.11). Mesocardia có liên quan với bệnh tim bẩm sinh mà chủ yếu là bất thường kết nối nhĩ thất như chuyển vị đại động mạch và thất phải hai đường ra. Tăng thể tích cả hai phổi như trong teo thanh quản cũng liên quan với mesocardia (Hình 6.11B).

Tim ở ngực trái (Levocardia)

Levocardia là thuật ngữ biểu thị vị trí bình thường của tim trong ngực trái và nó thường bị bỏ qua khi mô tả trừ phi có một số dấu hiệu nghi ngờ được tìm thấy, đặc biệt là bất thường situs nội tạng. Situs đảo ngược với levocardia được mô tả như situs đảo ngược một phần của các cơ quan trong ổ bụng kèm situs ngực bình thường. Levocardia cũng có thể thấy trong dạng đồng phân với situs mơ hồ được ghi nhận ở cả đồng phân phải và trái (xem Chương 30). Trục tim cũng có thể xoay quá mức sang trái như một số báo cáo về trục tim ở phần trước. Tim thai cũng có thể bị dịch chuyển vào ngực trái dạng levoposition trong trường hợp tổn thương chiếm chỗ bên phải như thoát vị hoành phải, khối phổi phải hoặc tràn dịch màng phổi (Hình 6.12), hay bất sản hoặc thiểu sản phổi trái (như trong hội chứng Scimitar). Tuy nhiên, tình huống tim trở về vị trí trái bình thường cực kỳ hiếm so với tổn thương bên phải ngoại trừ thoát vị hoành phải.

Sieu-am-tim-thai-chuong-6-situs-thai-hinh-6.12
Hình 6.12

Hình 6.12: Mặt cắt ngang ngực thai ngang mức bốn buồng tim, ở hai thai với tim nằm bên trái (levocardia) và trục tim dịch chuyển sang trái do tổn thương ở phổi phải. Hình A cho thấy thai với thoát vị hoành phải. Hình B cho thấy dị dạng nang tuyến phổi bẩm sinh ở phổi phải (mũi tên) ở thai 22 tuần và Hình C cùng thai ở hình B tại tuần 31, cho thấy vị trí và trục tim trở về bình thường và khối ở phổi thoái triển.


Các điểm chính – Situs thai

  • Bước đầu tiên trong siêu âm đánh giá thai là xác định situs nội tạng.
  • Trong cách tiếp cận tuần tự từng phần, hệ tim mạch được chia nhỏ thành các phần và trong mỗi phần cần mô tả về giải phẫu, vị trí, sự kết nối với các phần tiếp theo.
  • Đã có đồng thuận chung về việc vị trí động mạch chủ và tĩnh mạch chủ dưới cơ hoành là tiêu chí đáng tin cậy hơn vị trí của dạ dày trong ổ bụng trong việc xác định đồng phân phải hoặc trái.
  • Situs đảo ngược có liên quan với hội chứng Kartagener trong khoảng 20% trường hợp.
  • Situs mơ hồ thường liên quan với bệnh tim bẩm sinh phức tạp, bất thường hồi lưu tĩnh mạch, ruột xoay bất toàn và tắc ruột, bất thường lách, đường mật, cây phế quản.
  • Tim nằm ngang trong lồng ngực, mặt cắt bốn buồng tim cũng là mặt cắt ngang lồng ngực ngang mức xương sườn thứ tư.
  • Trục tim bình thường không phụ thuộc tuổi thai và nằm ở góc 45 độ bên trái đường giữa; trục tim bất thường được một số tác giả đề xuất khi trục tim lớn hơn 65 độ hoặc nhỏ hơn 25 độ.
  • Tổn thương tim thường gặp nhất ở trục tim lệch trái là tứ chứng Fallot, thân chung động mạch, hẹp động mạch chủ, bất thường Ebstein.
  • Tổn thương tim thường gặp nhất ở trục tim lệch phải là thất phải hai đường ra, kênh nhĩ thất và tâm nhĩ chung.
  • Dextrocardia là thuật ngữ dùng để mô tả tim nằm ở ngực phải, mesocardia đề cập đến vị trí trung tâm của tim trong lồng ngực, và levocardia đề cập đến vị trí bên trái của tim.
  • Dextropostion, một dạng của dextrocardia, mô tả tim nằm ở ngực phải với đỉnh tim nằm trung gian hoặc ở bên trái.
  • Dextroversion mô tả tim nằm ở ngực phải với trục tim hướng sang phải.
  • Mesocardia cho thấy vị trí không rõ ràng của tim với đỉnh tinh hướng về đường giữa lồng ngực.
  • Levocardia là thuật ngữ chỉ vị trí bình thường của tim, thường được dùng khi phát hiện situs nội tạng bất thường.
  • Levoposition đề cập đến tình trạng tim bị dịch chuyển xa hơn về phía ngực trái, thường liên quan với tổn thương chiếm chỗ trong lồng ngực.

Bản gốc:
– A Practical Guide to Fetal Echocardiography: Normal and Abnormal Hearts, 3rd edition 2016
– Chapter 6: Fetal Situs
– Tác giả: Alfred Abuhamad, Rabih Chaoui
Bản dịch:
[Sách dịch] Hướng dẫn thực hành siêu âm tim thai (A Practical Guide to Fetal Echocardiography)
– Chương 6 – Situs Thai
– Người dịch: BS Sơn Lâm, Hiệu chỉnh: BS Nguyễn Văn Thụy

Xem thêm:

Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký Nhận bài viết mới và theo dõi Kênh Youtube

SÁCH SIÊU ÂM TỔNG QUÁT PHẠM MINH THÔNG

Tải thêm Sách tiếng Việt

Check Also

Siêu âm chẩn đoán Rumack (chia theo cơ quan dễ tra cứu)

Sách Siêu âm chẩn đoán được dịch từ cuốn Diagnostic Ultrasound của tác giả Carol M. Rumack…