[CME] Nhận diện và quản lý thai kỳ nguy cơ cao

Giới thiệu

Mang thai là một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ. Mặc dù mang thai là một hiện tượng sinh lý tự nhiên bình thường nhưng khoảng 20% các trường hợp sẽ là nhóm thai kì nguy cơ cao, có thể xảy ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ hay thậm chí có nguy cơ gây tử vong mẹ hoặc/và thai.

Dù lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tiền sản trong thế kỷ 21 đã đạt nhiều tiến bộ trong sàng lọc và dự phòng các biến chứng liên quan đến thai kì, giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong mẹ và bé nhưng vẫn còn những biến chứng không thể tiên đoán hay can thiệp được.

Vậy làm sao để nhận diện các thai kì nguy cơ cao và hướng quản lý, can thiệp như thế nào để có kết cục tốt nhất cho cả mẹ và bé? Đó chính là nội dung của chuỗi livestream “NHẬN DIỆN VÀ QUẢN LÝ THAI KỲ NGUY CƠ CAO” do VSUM phối hợp với hãng máy siêu âm Samsung Medison tổ chức với các báo cáo viên là các chuyên gia đầu ngành nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sàng lọc, chẩn đoán và can thiệp trước sinh.

– Báo cáo viên:

  • ThS.BS. Hà Tố Nguyên, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Từ Dũ, Phó Chủ tịch Chi Hội Siêu Âm Việt Nam, Đại sứ ISUOG tại Châu Á với hơn 20 năm kinh nghiệm trong sàng lọc và chẩn đoán thai kì nguy cơ cao trước sinh.
  • ThS.BS. Ngô Thị Kim Loan, Phó trưởng khoa CĐHA Bệnh viện Từ Dũ với gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sàng lọc và chẩn đoán thai kì nguy cơ cao trước sinh.
  • ThS.BS. Trịnh Nhựt Thư Hương, Phó trưởng khoa Chăm sóc trước sinh Bệnh viện Từ Dũ với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý thai kì nguy cơ cao và can thiệp bào thai.
  • TS.BS. Trần Nhật Thăng, Trưởng khoa phụ sản Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM với gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý thai kì nguy cơ cao và can thiệp bào thai.

– Thời gian: gồm 4 buổi, từ 15h00 – 17h00 các ngày 20/03, 27/03, 03/04 và 10/04/2021.

– Nội dung chương trình:

  1. Rối loạn tăng trưởng thai nhi: thai nhỏ – chậm tăng trưởng, thai to – Báo cáo viên: ThS Hà Tố Nguyên, TS Trần Nhật Thăng
  2. Tiếp cận chẩn đoán và xử trí nhiễm trùng bào thai – Báo cáo viên: ThS Ngô Thị Kim Loan, ThS Trịnh Nhựt Thư Hương
  3. Chẩn đoán và xử trí các biến chứng của song thai một bánh nhau – Báo cáo viên: ThS Hà Tố Nguyên, ThS Trịnh Nhựt Thư Hương
  4. Sàng lọc và dự phòng tiền sản giật, dọa sinh non – Báo cáo viên: ThS Hà Tố Nguyên, TS Trần Nhật Thăng

Video chương trình CME Nhận diện và quản lý thai kỳ nguy cơ cao

Kỳ 1 – Rối loạn tăng trưởng thai nhi – ThS Hà Tố Nguyên, TS Trần Nhật Thăng

Rối loạn tăng trưởng thai là một biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và thai. Việc nhận diện các thai bị rối loạn tăng trưởng là rất quan trọng trong chăm sóc trước sinh vì sẽ giúp tối ưu hóa việc quản lý và xử trí các thai kì nguy cơ cao này. Và siêu âm giữ vai trò chính trong việc này.

Các vấn đề xung quanh việc chẩn đoán và xử trí các rối loạn tăng trưởng thai được trình bày bởi hai chuyên gia đầu ngành và có nhiều kinh nghiệm trong số đầu tiên của chuỗi livestream “Nhận diện và quản lý thai kì nguy cơ cao” do VSUM phối hơp với Samsung- Medison vào lúc 15.00-16.40 thứ 7 ngày 20/03/2021.

Siêu âm đánh giá sinh trắc học và sự tăng trưởng thai, ThS.BS Hà Tố Nguyên

Thai to “sinh lý” và hội chứng overgrowth, TS.BS Trần Nhật Thăng & Phần hỏi đáp

Kỳ 2 – Tiếp cận chẩn đoán và xử trí nhiễm trùng bào thai – ThS Ngô Thị Kim Loan, ThS Trịnh Nhựt Thư Hương

Nhiễm trùng bào thai có thể gây sẩy thai, sinh non, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, bất thường cấu trúc, nhiễm trùng sơ sinh. Với tần suất khoảng 0.1-0.3/1000 trẻ sinh sống nên nhiễm trùng bào thai là một trong những nguyên nhân quan trọng của tử vong và bệnh tật chu sinh, đặc biệt là các di chứng về phát triển tâm thần và vận động.

Siêu âm là chìa khóa quan trọng trong chẩn đoán và xử trí nhiễm trùng bào thai. Xét nghiệm huyết thanh mẹ và dịch ối là phương pháp giúp chẩn đoán xác định nhiễm trùng bào thai. Siêu âm tiền sản có những dấu hiệu gì gợi ý nhiễm trùng bào thai? Thai phụ cần được tư vấn làm thêm xét nghiệm gì để chẩn đoán xác định và chỉ định điều trị như thế nào để có thể ngăn ngừa sự lây nhiễm cho con?

Những vẫn đề trên sẽ được hai chuyên gia đầu ngành và có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam chia sẻ trong buổi Livestream thứ 2 của chuỗi livestream “Nhận diện và quản lý thai kì nguy cơ cao” do VSUM phối hơp với Samsung- Medison vào lúc 15.00-16.45 thứ 7 ngày 27/03/2021.

Vai trò của siêu âm trong nhiễm trùng bào thai bẩm sinh, ThS.BS Ngô Thị Kim Loan

Hướng tiếp cận chẩn đoán và xử trí nhiễm trùng bào thai, ThS.BS Trịnh Nhựt Thư Hương & Phần hỏi đáp

Kỳ 3 – Chẩn đoán và xử trí các biến chứng của song thai một bánh nhau – ThS Hà Tố Nguyên, ThS Trịnh Nhựt Thư Hương

Song thai là một thai kì nguy cơ cao vì nguy cơ bệnh tật và tử vong chu sinh tăng gấp 2-3 lần so với đơn thai. Tần suất song thai khoảng 3% và ngày càng tăng do sự phổ biến của cả phương pháp hỗ trợ sinh sản trong điều trị hiếm muộn và tuổi mẹ mang thai ngày càng cao.

Khoảng 1/3 các trường hợp song thai là song thai một bánh nhau. Gần như tất cả các trường hợp song thai một bánh nhau đều có sự thông nối tuần hoàn giữa hai thai và vì vậy có nguy cơ xảy ra các biến chứng đặc thù của song thai một bánh nhau như hội chứng truyền máu trong song thai, thai chậm tăng trưởng trong tử cung có chọn lọc, hội chứng thiếu máu đa hồng cầu, thai chết…

Vậy người làm siêu âm tiền sản cần nhận diện sớm các biến chứng đặc thù của song thai một bánh nhau để chuyển bệnh nhân đến các trung tâm tiền sản theo dõi và can thiệp điều trị khi có chỉ định sẽ giúp cải thiện được kết cục các thai kì nguy cơ cao này.

Những vấn đề xung quanh việc chẩn đoán và xử trí các biến chứng của song thai một bánh nhau sẽ được hai chuyên gia đầu ngành có nhiều kinh nghiệm: ThS.BS Hà Tố Nguyên, trưởng khoa CĐHA và ThS.BS Trịnh Nhựt Thư Hương, Phó TK Chăm sóc trước sinh của Bệnh viện Từ Dũ chia sẽ trong livestream lần 3 của chuỗi livestream “Nhận diện và quản lý thai kì nguy cơ cao” do VSUM phối hợp với hãng máy Samsung Medison tổ chức vào thứ 7 ngày 03/04/2021 từ 15.00-16.45.

Vai trò của siêu âm trong đánh giá song thai một bánh nhau, ThS.BS Hà Tố Nguyên

Can thiệp điều trị các biến chứng của song thai một bánh nhau, ThS.BS Trịnh Nhựt Thư Hương & Phần hỏi đáp

Kỳ 4 – Sàng lọc và dự phòng tiền sản giật, dọa sinh non – ThS Hà Tố Nguyên, TS Trần Nhật Thăng

Sinh non là nguyên nhân của hơn 50% tử vong sơ sinh và trẻ nhỏ. Với tần suất sinh non >10%, hàng năm có hơn 15 triệu ca sinh non với hơn 1 triệu ca tử vong. Hơn 85% sinh non ở thai phụ không có tiền căn sinh non.

Tiền sản giật ảnh hưởng 2-5% thai kì và là nguyên nhân quan trọng của tử vong mẹ và thai.

Làm sao để nhận diện các thai kì nguy cơ cao này? Có phương pháp can thiệp điều trị hay dự phòng nào có thể ngăn ngừa các biến chứng này xảy ra?

Những vấn đề trên sẽ được hai chuyên gia đầu ngành và có nhiều kinh nghiệm, ThS.BS Hà Tố Nguyên, trưởng khoa chần đoán hình ảnh BV Từ Dũ và TS.BS Trần Nhật Thăng, trưởng khoa Phụ sản BV Đại học Y Dược TP HCM chia sẻ trong livestream cuối cùng của chuỗi livestream “Nhận diện và quản lý thai kì nguy cơ cao” vào lúc 15.00-16.45 thứ 7 ngày 10/04/2021.

Vai trò của siêu âm trong sàng lọc tiền sản giật và sinh non, ThS.BS Hà Tố Nguyên

Dự phòng và can thiệp điều trị tiền sản giật và dọa sinh non, TS.BS Trần Nhật Thăng & Phần hỏi đáp

Nguồn: Chi hội siêu âm Việt Nam và Samsung Healthcare Vietnam

Xem thêm:
Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận được thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký tại Form nhận bản tin và theo dõi tại kênh Youtube

Tải thêm Video Siêu âm Sản phụ khoa

Check Also

[CME] Nâng cao năng lực chẩn đoán hình ảnh cho bác sĩ đột quỵ

Chuỗi hội thảo "Nâng cao năng lực chẩn đoán hình ảnh cho bác sĩ đột quỵ" trong chương trì…