Những chia sẻ rất thực tế của BS Dương Minh Tuấn về những vấn đề trong công việc của một bác sĩ sau khi tốt nghiệp trường Y ở Việt Nam. Đọc để nhận ra và lựa chọn con đường đi phù hợp cho mình khi đã dấn thân vào con đường Y nghiệp…
Thư gửi em trai mới tốt nghiệp trường Y!
Tác giả: BS Dương Minh Tuấn
Nguồn: Facebook BS Dương Minh Tuấn
Chúc mừng em vừa trải qua 6 năm cam go và thật vui vì giờ có thể gọi em là đồng nghiệp.
Ngày này một năm trước, anh đã viết một bài chia sẻ cho một em gái mới thi trượt trường y, về những khốc liệt trong quá trình học tại một trường đại học y ở Việt Nam. Bài chia sẻ chỉ mang tính tham khảo về những khó khăn (có thật) mà hầu hết các sinh viên khi vào học tại trường đều có thể gặp phải. Năm nay anh xin chia sẻ tiếp câu chuyện ra trường.
Người ta bảo tốt nghiệp trường y ra trường có tấm bằng bác sĩ trong tay thì không sợ thiếu việc, vấn đề là việc ở đâu thôi. Làm tại trạm y tế xã cũng là việc, tại trung tâm y tế huyện cũng là việc, tại bệnh viện tỉnh hay trung ương cũng là việc,… nhưng ai chẳng mơ mộng được vào làm ở các bệnh viện lớn, có cơ hội tiếp cận với đủ loại kỹ thuật hiện đại và các bác sĩ đầu ngành có nền tảng kiến thức siêu việt để trau dồi thêm chuyên môn cho bản thân?.
Vấn đề cụ thể là:
– Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa ra trường coi như kết thúc một chặng đường để quay trở lại vạch số 0. Với những bạn giỏi hơn, xuất sắc hơn và đôi khi may mắn hơn, đỗ bác sĩ nội trú và học tiếp 3 năm lại là cả một quá trình rèn luyện kinh khủng. Sáng trưa chiều tối sấp mặt ở bệnh viện, nhiều khi ngẩng đầu lên không nhớ mình đã ăn uống gì chưa. Áp lực từ nhiều phía khiến bác sĩ nội trú bỗng dưng PHẢI LÀ NHỮNG NGƯỜI CỰC KỲ GIỎI, khiến các bác sĩ nội trú chỉ cắm đầu cắm cổ vào mà học và làm. Mà làm ra nhiều tiền thì đã tốt, đằng này gia đình vẫn phải cày lưng ra góp gạo cho mỗi tháng trong 3 năm tiếp theo đó. 28 tuổi đầu, có cha mẹ nào không mong con có thể tự lập, tự đứng vững trên đôi chân của mình, kiếm tiền nuôi sống bản thân và cả gia đình. Có cha mẹ nào không mong những ngày mồng một, giỗ lễ có con ở nhà lo lắng hương khói ban thờ, tết nhất biết về nhà sắn tay lên phụ giúp. Nhưng với những gia đình có con học y mà còn học bác sĩ nội trú, chắc cảnh duy nhất cha mẹ có thể nhìn thấy là cái mặt phờ phạc mỗi lần nó về nhà rồi nằm vật ra giường ngủ quên trời đất, hoặc thỉnh thoảng ở quê gọi lên thì nhận được câu thốt: “Ối giời ơi hôm nay đã 29 Tết rồi cơ ạ?”. Thở dài chưa!
– Với những bạn không học nội trú, dường như việc học tiếp định hướng chuyên khoa là lựa chọn (mà học phí cho một khoá không hề rẻ nhé), sau đó hoặc ngay trước đó các bạn đăng ký vào làm tại một bệnh viện hoặc cơ sở y tế nào đấy. Quá trình đi làm ở viện (nếu không phải viện tư nhân) thì đồng lương nhà nước cũng lại không đủ nuôi thân. Làm 18 tháng có được cái chứng chỉ hành nghề, hăm hở đăng ký học tiếp thạc sĩ hoặc chuyên khoa I. Mà muốn học là có phải đi học được ngay đâu? Nhiều khi “Em phải chờ các bác sĩ trong khoa đi học về hết đã nhé! Sau đó tới lượt em thi rồi học hihi!”. Thế là em tiếp tục chờ, nên thành ra có những người ra trường đến cả chục năm rồi mới bắt đầu được đi học thạc sĩ. Ôi mẹ ơi…
– Học bác sĩ ra trường rồi thì trong mắt gia đình nghiễm nhiên cái quái gì mày cũng phải biết chữa hết. Từ ung thư, đỡ đẻ, mổ xẻ, bó bột,… đến tiêm truyền, cho thuốc phải biết hết! Không bố mẹ bỏ tiền cho mày học 6 năm trời để làm gì?. Không biết chữa bách bệnh thì đúng là loại ngu dốt! Tiếp đến là dù có bận trăm công nghìn hai việc đến mấy thì mày phải có năng lực sắp xếp thế nào cho người nhà đi khám được nhanh nhất, không phải xếp hàng. Người nhà là bố mẹ, anh chị em ruột, họ hàng gần chẳng nói; đây còn cả hàng xóm láng giềng, bà con khu phố, thân bằng cố hữu gần xa của cả nhà cùng trông cậy vào khả năng cho đi khám nhanh của đứa con bác sĩ. Mày không làm được hả? Như thế là làm mất mặt dòng họ, tổ tiên; là phỉ báng đạo nghĩa làm người; là không giữ được cái tâm của người bác sĩ; hiểu chưa?.
– Tốt nghiệp bác sĩ ra trường, oai chứ! Bố mẹ tự hào! Bản thân cũng nên tự hào! Xong hăng hái đi làm, hết lòng vì người bệnh. Một ngày trực cấp cứu mấy chục ca mệt nhoài, ngồi giải thích cho người nhà bệnh nhân hết sức nhẹ nhàng, thế mà quên không cười một cái, ngày hôm sau được lên báo làm bác sĩ nổi tiếng vì thờ ơ, lạnh nhạt với bệnh nhân. Tiếp tục một ngày trực cấp cứu mệt nhoài, quên không cười một cái, thế là người nhà bệnh nhân lao vào đấm đá cho biết thế nào là đúng sai phải trái, thế là khỏi phải cười luôn. Thêm vào bạo hành y tế (BHYT) chúng ta còn có người bạn thân là BHYT (bảo hiểm y tế) vô cùng nguy hiểm, hở ra một cái để cậu bạn ý sờ gáy là đi toi mất mấy tháng lương. Bảo hiểm y tế ở Việt Nam là một thứ gì đó rất hữu ích nhưng cũng vô cùng đáng sợ, tính khí thay đổi theo ngày và hầu hết là lúc em bị cứa cổ rồi mới tá hoả ra là có những quy định trái ngang như thế. Và nhiều lúc câu chuyện sẽ là: “HẾT LÒNG VÌ NGƯỜI BỆNH – HẾT HỒN VÌ BẢO HIỂM!”.
– Hành nghề cả chục năm trời, chẳng có vấn đề gì xảy ra, nghĩ ôi hoá ra mình chọn cũng đúng nghề, tổ sư mấy thằng cứ mở miệng ra là chê nghề y này bạc bẽo, nhọc nhằn hihi, tao cứ làm đúng cái tâm của mình đến giờ vẫn sống ổn đấy thôi. Xong đùng cái tai biến xảy ra, bệnh nhân tử vong, quái lạ mình ra chỉ định đúng mà, cái gì mình làm cũng đúng hết sao tử vong được? À hoá ra lỗi là do đội khác, đếch phải do mình, hihi. Cười chưa hết miệng thì công an ập đến, lôi mình vào đồn, rồi bị truy tố, rồi mình ra toà, rồi ti tỉ thứ khủng hoảng ập đến mình chẳng kịp nhận ra. “Mày ra chỉ định dùng thuốc nên bệnh nhân mới chết!” – “Nhưng tôi không ra chỉ định lúc ấy thì bệnh nhân cũng sẽ chết ngay tức khắc!” – “Không có lắm mồm nhé! Chết là chết! Cái gì cũng phải đúng quy trình! Mày cũng là một phần của quy trình! Thế thì mày cũng phải chết!”. Ô kê thôi cơn đê mê…
Khó khăn còn nhiều lắm, chồng chất. Nói vậy chứ cũng nhiều bác sĩ đã trải qua hết các thăng trầm để trụ vững, và tự tin lo được tốt cho bản thân, gia đình mà vẫn chăm sóc được cho người bệnh. Có rất nhiều con đường sau khi ra trường để em lựa chọn và chắc chắn không có con đường nào là thật sự dễ dàng cả. Nên nếu em có đủ năng lực, bản lĩnh và thật nhiều niềm tin thì kiểu gì cũng vượt qua được hết cả thôi.
Trịnh Công Sơn từng viết rằng: “Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có, không không, đùa đùa, thật thật. Nó vô hình tướng nhưng làm rã tan hồn phách. Không có nó thì đời sống không biết sẽ tẻ nhạt đến dường nào. Thôi thì đành có nó vậy.”
Thật ra hồi đó ổng định viết là chấp nhận “hành nghề y” đó, yêu đương gì đâu.
Thôi thì anh chúc em nhiều sức khoẻ, thành công và bình an trên con đường sắp tới!
BS Dương Minh Tuấn
- Lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa
- Gửi các Bác sĩ “Cận lâm sàng” – chia sẻ từ Bác sĩ Phan Trúc
- Hồ sơ xin việc Bác sĩ, Điều dưỡng Bệnh viện công
- Hồ sơ tuyển dụng bao gồm những gì?
Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận được thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký tại Form nhận bản tin và theo dõi tại kênh Youtube