Tính chuyên nghiệp trong thực hành Y khoa

Tác giả: Phạm Thị Vân Anh, Phạm Văn Linh – Trường Đại học Y Dược Hải Phòng
Nguồn: Tạp chí Khoa học sức khỏe, Tập 1, Số 2, 2023

Tóm tắt

Cùng với sự phát triển đi lên của đời sống xã hội, sự phát triển của các loại hình dịch vụ xã hội, ngày càng có nhiều bằng chứng về sự suy giảm niềm tin của công chúng với ngành Y và sự đe doạ đối với các giá trị nghề nghiệp của người thầy thuốc. Điều này thúc đẩy mạnh mẽ sự nhìn nhận lại về tầm quan trọng và sự quan tâm tới đào tạo tính chuyên nghiệp cho sinh viên khối ngành sức khoẻ.

Bài viết này nhằm cung cấp khái niệm, tầm quan trọng và các biểu hiện ra hành vi của tính chuyên nghiệp trong thực hành Y khoa. Các khái niệm, tầm quan trọng và các thuộc tính của tính chuyên nghiệp được tiếp cận từ các Hiệp hội Y khoa trên thế giới, Bộ Y tế và từ kết quả làm việc của Nhóm Kỹ thuật về tính chuyên nghiệp của 5 trường Đại học Y Dược – Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên và Huế.

1. Khái niệm tính chuyên nghiệp trong y khoa

Theo Hiệp hội các Trường Y Hoa Kỳ (Association of American Medical Colleges), tính chuyên nghiệp “là khả năng hiểu bản chất và thể hiện hành vi ứng xử có đạo đức và chuyên nghiệp trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ. Điều này bao gồm sự tôn trọng, trách nhiệm giải trình, sự xuất sắc và học thuật, sự chính trực, lòng vị tha, năng lực văn hoá, lãnh đạo, sự quan tâm và lòng trắc ẩn, tính bảo mật” [1].

Theo Hội đồng Chuyên khoa Y tế Hoa Kỳ (American Board of Medical Specialties), “tính chuyên nghiệp trong y khoa là một hệ thống niềm tin trong đó các thành viên tuyên bố với nhau và với cộng đồng những tiêu chuẩn và giá trị đạo đức mà họ cam kết tuân thủ trong công việc và những gì mà cộng đồng và mỗi người bệnh có thể mong đợi từ cán bộ y tế” [2] Năm 2006, Trường Y Hoàng Gia ở Anh định nghĩa tính chuyên nghiệp là “tập hợp những giá trị, hành vi và mối quan hệ làm nền tảng cho sự tin tưởng của công chúng vào thầy thuốc” [3].

2. Tầm quan trọng của tính chuyên nghiệp trong thực hành y khoa

Đã có những bằng chứng cho thấy hành vi không chuyên nghiệp của nhân viên y tế có liên quan đến tỷ lệ các sai sót y khoa, tỷ lệ tử vong và các tác dụng không mong muốn trên người bệnh. [4]

Tính chuyên nghiệp cung cấp nền tảng cho thực hành chăm sóc sức khỏe an toàn, hiệu quả và có đạo đức. Vai trò chính của thầy thuốc là cứu chữa. Khi tiếp xúc với một người bệnh, chúng ta xem xét hành động chữa lành đúng và tốt cho người bệnh đó trong hoàn cảnh cụ thể của họ. Một hành động chữa lành đúng được cung cấp thông qua các bằng chứng khoa học và lâm sàng. Trong khi đó, một hành động tốt quan tâm đến ý kiến của người bệnh và dựa vào ưa thích của họ để cân nhắc và thích ứng với nhận định lâm sàng. Như vậy chúng ta không chỉ quan tâm đến việc “người bệnh có vấn đề gì không?” (qua xem xét bệnh sử, tiền sử, khám thực thể, kết quả xét nghiệm và dữ liệu khác) và “có thể làm gì cho người bệnh?” (qua bằng chứng khoa học và bao gồm các phương pháp điều trị ) mà chúng ta còn cần đặt 1 câu hỏi thận trọng “Nên làm gì cho người bệnh này?” để có thể đưa ra sự lựa chọn tốt nhất cho họ [5]. Để làm được điều này, chuyên gia y tế không chỉ đơn thuần có năng lực chuyên môn tốt mà còn cần trau dồi nhiều kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp, hợp tác, làm việc nhóm, vận động cho người bệnh, nghiên cứu và kỹ năng lãnh đạo.

Tính chuyên nghiệp ưu tiên đặt lợi ích và sức khỏe của người bệnh vào trung tâm trong tất cả các quyết định và hành động lâm sàng. Đó là một khái niệm thay đổi năng động dựa trên các giá trị nghề nghiệp và vai trò đức tính tôn trọng bản thân và người khác, lòng trắc ẩn, tự nhận thức, trung thực, liêm chính, trách nhiệm và cam kết cải tiến liên tục và tự điều chỉnh.

Mỗi nghề nghiệp yêu cầu sự tập hợp và ứng dụng của một khối kiến thức và kỹ năng. Các cá nhân trong một nghề nghiệp được liên kết với nhau bởi cam kết chung. Trong ngành Y, các bác sĩ tự quản lý bản thân thông qua các hội đồng chuyên môn của ngành, của bệnh viện và trong tương lai có thể là Hội đồng Y khoa quốc gia và các nhóm đánh giá thuộc các ban ngành liên quan. Cũng như các nghề nghiệp khác, nghề Y cũng đáp ứng theo kỳ vọng của xã hội đối với Y học là: các dịch vụ y tế có năng lực được đảm bảo, có tính vị tha, chính trực, đạo đức, trách nhiệm giải trình, minh bạch, đưa ra các khuyến nghị khách quan và thúc đẩy lợi ích công cộng. Việc thừa nhận những kỳ vọng này là rất quan trọng vì chúng là cơ sở của một loạt các nghĩa vụ cần thiết để duy trì nghề y như một nghề.

3. Chuẩn năng lực của tính chuyên nghiệp qua những hành vi cụ thể

Theo quy định của các Hiệp hội Y khoa thế giới

Năm 1999, “Hội đồng kiểm định các chương trình giáo dục Y khoa sau đại học Hoa Kỳ” (Accreditation Council for Graduate Medical Education) đã đưa ra các năng lực chung, áp dụng cho mọi chuyên ngành, cần phải đạt được khi tốt nghiệp. Một trong sáu năng lực này là tính chuyên nghiệp [6].

Sinh viên y khoa thực hành chuyên môn trong bệnh viện phải thể hiện cam kết thực hiện những trách nhiệm nghề nghiệp, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và nhạy cảm với quần thể người bệnh đa dạng. Sinh viên được mong đợi sẽ: (1) Thể hiện sự tôn trọng, lòng trắc ẩn và sự liêm chính; đáp ứng được nhu cầu của người bệnh và xã hội; có trách nhiệm giải trình với người bệnh, xã hội và nghề nghiệp; cam kết về sự xuất sắc và sự phát triển liên tục về chuyên môn: (2) Thể hiện cam kết về các nguyên tắc đạo đức liên quan đến việc cung cấp hoặc từ chối chăm sóc lâm sàng, bảo mật thông tin của người bệnh, sự đồng ý của người bệnh và thực hành nghề nghiệp; (3) Thể hiện sự nhạy cảm và đáp ứng với người bệnh phù hợp với văn hóa, tuổi, giới tính và tình trạng khuyết tật.

Năm 2002, Hiến chương thầy thuốc đã được ra đời bao gồm những tính chuyên nghiệp Y khoa trong thiên niên kỷ mới [7] . Hiến chương được xây dựng bởi Hội đồng Nội khoa Hoa Kỳ (American Board of Internal Medicine, Hiệp hội Bác sĩ Hoa Kỳ (American College of Physicians) và Liên đoàn Nội khoa Châu Âu (European Federation of Internal Medicine), sau đó đã được chấp nhận bởi nhiều tổ chức ngành Y khác. Hiến chương xác định ba nguyên tắc cơ bản của tính chuyên nghiệp: Thứ nhất, (1) Đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết. Nguyên tắc này tập trung vào lòng vị tha, niềm tin và quyền lợi của người bệnh. Điều lệ quy định rằng các yếu tố thị trường, áp lực xã hội và các vấn đề hành chính không được cản trở nguyên tắc này. Nguyên tắc thứ hai, (2) Tôn trọng quyền tự quyết của người bệnh. Nguyên tắc này kết hợp sự trung thực với người bệnh và nhu cầu giáo dục và trao quyền cho bệnh nhân đưa ra quyết định y tế phù hợp. Nguyên tắc thứ ba, (3) Công bằng xã hội. Nguyên tắc này đề cập đến cam kết xã hội của thầy thuốc và công bằng trong phân phối các nguồn lực chăm sóc. Bác sĩ cần xem xét các nguồn lực sẵn có và nhu cầu của tất cả bệnh nhân trong khi chăm sóc từng bệnh nhân

Hiến chương cũng liệt kê 10 cam kết trách nhiệm nghề nghiệp về tính chuyên nghiệp, gồm:

  • Cam kết năng lực chuyên môn
  • Cam kết trung thực với người bệnh
  • Cam kết bảo mật bảo mật thông tin cho người bệnh
  • Cam kết duy trì mối quan hệ phù hợp với người bệnh
  • Cam kết nâng cao chất lượng chăm sóc
  • Cam kết cải thiện tiếp cận với dịch vụ chăm sóc
  • Cam kết phân phối công bằng các nguồn lực hữu hạn
  • Cam kết kiến thức khoa học
  • Cam kết duy trì lòng tin bằng cách quản lý xung đột lợi ích
  • Cam kết trách nhiệm nghề nghiệp

Chuẩn năng lực tính chuyên nghiệp cho sinh viên Y khoa tại Việt Nam

Năm 2015, Bộ Y tế ban hành chuẩn năng lực của Bác sĩ đa khoa (1854/QĐ-BYT) [8], bao gồm 3 lĩnh vực lớn, trong đó có Năng lực hành nghề chuyên nghiệp với 4 tiêu chuẩn và 22 tiêu chí như sau:

Tiêu chuẩn 1. Hành nghề phù hợp với bối cảnh văn hóa xã hội và điều kiện thực tế.

Tiêu chí 1. Tôn trọng về điều kiện kinh tế, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa của mỗi vùng và của mỗi cá nhân.

Tiêu chí 2. Sẵn sàng thực hiện độc lập và phối hợp các hoạt động chăm sóc sức khỏe liên ngành, đa ngành, cam kết làm việc dựa trên quy tắc đạo đức và pháp lý và chịu trách nhiệm về các quyết định xử trí chuyên môn của mình.

Tiêu chí 3. Thể hiện được tâm huyết với quyết định lựa chọn nghề nghiệpcủabản thân bằng cam kết làm việc theo các tiêu chuẩn thực hành tốt và duy trì chuẩn mực chuyên môn, đạo đức, văn hóa ở mức độ cao nhất.

Tiêu chí 4. Tiếp cận người bệnh và những vấn đề sức khỏe cộng đồng một cách khoa học, thấu đáo, trung thực, trách nhiệm, thông cảm, vị tha và yêu thương.

Tiêu chí 5. Ủng hộ nguyên tắc mọi thành phần trong xã hội được quyền tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt.

Tiêu chí 6. Coi trọng việc kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền.

Tiêu chí 7. Phát huy vai trò và hình ảnh của người bác sĩ, giá trị nghề bác sĩ trong ngành y tế và xã hội qua năng lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, thực hiện trách nhiệm xã hội với tác phong chuyên nghiệp, lối sống lành mạnh và văn hóa giao tiếp, ứng xử tốt

Tiêu chuẩn 2. Hành nghề theo tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp

Tiêu chí 1. Chịu trách nhiệm cá nhân đối với việc ra quyết định và can thiệp chăm sóc sức khỏe người bệnh, cộng đồng.

Tiêu chí 2. Luôn đặt sự an toàn, quyền lợi của người bệnh làm trung tâm. Nhận biết các nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của người bệnh trong chăm sóc người bệnh.

Tiêu chí 3. Thực hành nghề y trong phạm vi chuyên môn được cấp phép, tuân thủ các quy định nghề nghiệp và phù hợp với điều kiện sức khỏe.

Tiêu chí 4. Giữ bí mật tình trạng bệnh của người bệnh, những thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án. Chỉ được phép công bố thông tin khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị với những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.

Tiêu chí 5. Nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc về đạo đức trong nghiên cứu y học.

Tiêu chuẩn 3. Hành nghề theo quy định của pháp luật

Tiêu chí 1. Hành nghề theo các quy định pháp lý của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia

Tiêu chí 2. Tuân thủ quy định, quy tắc, văn hóa giao tiếp ứng xử của nơi làm việc.

Tiêu chí 3. Báo cáo các hành vi vi phạm trong chuyên môn, hành nghề với cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân với những báo cáo đó.

Tiêu chí 4. Áp dụng cách tiếp cận dựa trên tính pháp lý và đạo đức trong việc sử dụng thích hợp các nguồn lực chăm sóc y tế.

Tiêu chuẩn 4. Học tập suốt đời cho phát triển cá nhân và nghề nghiệp

Tiêu chí 1. Tự đánh giá và sử dụng các nguồn thông tin phản hồi về công việc của bản thân một cách hệ thống, thường xuyên, có cơ sở khoa học. Xác định rõ nhu cầu thực tế công việc, mục tiêu, nguyện vọng phát triển nghề nghiệp, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.

Tiêu chí 2. Lập kế hoạch và tham gia các hoạt động học tập, phát triển nghề nghiệp sử dụng các nguồn lực hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, sáng tạo.

Tiêu chí 3. Sẵn sàng tham gia các hoạt động đào tạo phù hợp với năng lực khi được yêu cầu. Hỗ trợ nâng cao trình độ và phát triển nghề nghiệp cho đồng nghiệp.

Tiêu chí 4. Có khả năng sử dụng tiếng Anh và/hoặc các ngôn ngữ khác trong học tập, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp.

Tiêu chí 5. Thu thập, đánh giá và sử dụng được các thông tin y học giá trị và đáng tin cậy trong nước và nước ngoài trong cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tiêu chí 6. Tiếp cận các lưu trữ và hồi cứu các thông tin lâm sàng trong hồ sơ bệnh án (giấy và điện tử), thư viện, các nguồn thông tin trực tuyến một cách phù hợp, đầy đủ, chính xác đảm bảo tính bảo mật và tính pháp lý.

Từ tháng 8 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021, nhóm chuyên gia kỹ thuật của 5 Trường Đại học Y Dược (Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Huế) đã làm việc và đưa ra đồng thuận về 13 thuộc tính của tính chuyên nghiệp cần được giảng dạy tại Việt Nam bao gồm: Tôn trọng, trung thực/liêm chính, lòng vị tha, trách nhiệm/chịu trách nhiệm, sự xuất sắc và học thuật, thấu cảm, bảo mật, giao tiếp cho và nhận phản hồi, tư duy phản biện, tự phản ánh, quản lý thời gian, cân bằng cuộc sống, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề [9]. Ngoài ra, các Trường Đại học Y Dược Hải Phòng và Huế đề xuất thêm kỹ năng lãnh đạo và năng lực văn hoá. Trường Đại học Y Dược Hải Phòng và Thái Nguyên đề xuất thêm kỹ năng giải quyết vấn đề.

Hành vi mong đợi và không mong đợi của từng thuộc tính cũng được mô tả để thuận tiện cho việc quan sát và lượng giá sinh viên y khoa như bảng dưới đây:

Thuộc tínhHành vi mong đợiHành vi không mong đợi
1. Tôn trọng– Tuân thủ đúng qui định của ngành: trang phục phù hợp theo quy định của trường và nơi thực tập; tuân thủ giờ giấc & thời gian (tại nơi học & môi trường nghề nghiệp).
– Chấp nhận sự khác biệt văn hóa, giới tính, sắc tộc, tôn giáo, điều kiện kinh tế của bệnh nhân, bạn học.
– Lắng nghe tích cực bạn học, đồng nghiệp, người bệnh & gia đình người bệnh.
– Tôn trọng nhân phẩm & quyền tự quyết của người bệnh.
– Thể hiện lòng trắc ẩn, đồng cảm, thấu cảm với người bệnh.
– Có lời nói và hành vi quấy rối tình dục (bệnh nhân, bạn học).
– Có lời nói và hành vi phân biệt giới tính, sắc tộc, văn hóa, tôn giáo, điều kiện kinh tế.
– Có lời nói thô lỗ, hành vi bạo lực trong môi trường học tập và nghềnghiệp.
2. Trung thực, liêm chính– Trung thực vềdanh tính & vai trò của bản thân.
– Báo cáo đúng tình trạng của người bệnh, đúng nội dung đã khai thác được.
– Công khai với người bệnh những gì liên quan đến công tác chuyên môn phù hợp vị trí việc làm.
– Lắng nghe (bạn học, đồng nghiệp) & chấp nhận sai sót để học hỏi, thay đổi.
– Báo cáo trung thực những sai sót chuyên môn & sự cố y khoa của đồng nghiệp, bạn học & bản thân.
– Nhận tiền của người bệnh trước & trong điều trị.
– Gian lận trong học tập, thi cử (điểm danh dùm bạn, quay cóp, viết bệnh án không trung thực, đạo văn…).
– Đổ lỗi & trốn tránh trách nhiệm, nhiệm vụ được giao.
– Thông tin sai lệch có chủđích cho người bệnh và đồng nghiệp, bạn học.
3. Lòng vị tha– Đặt sự an toàn, quyền lợi của người bệnh là trung tâm và trên hết.
– Nhận biết giới hạn của bản thân và tìm trợ giúp khi cần (trong học tập, công việc, chăm sóc bệnh nhân).
– Nhận diện, mô tảđược cảm xúc, mong muốn, lo lắng của bệnh nhân và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
– Nhận diện những khó khăn của đồng nghiệp và hỗ trợ họ tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc khắc phục.

– Mưu cầu lợi ích cho bản thân (học tập, làm bệnh án, thực hiện thủ thuật…) bất chấp an toàn và lợi ích của bệnh nhân.
– Thực hiện thủ thuật vượt quá qui định của ngành và khả năng mà không có giám sát hoặc hỗ trợ.
4. Trách nhiệm, chịu trách nhiệm– Giữđược hình ảnh sinh viên y khoa (trang phục, tác phong, giao tiếp).
– Báo cáo các hành vi có thể gây hại đến sức khỏe người bệnh.
– Hoàn thành tốt các công việc được giao trong học tập, trong nhóm học tập, trong thực hành lâm sàng.
– Thừa nhận những sai sót của bản thân và có kế hoạch cải thiện.
– Liên tục tự phản ánh và nhận ra điểm yếu của bản thân trong học tập và có kế hoạch hoàn thiện.
– Có những hành vi gây ảnh hưởng đến hình ảnh người NVYT (lời nói, hành vi thô bạo, uống rượu bia, hút thuốc tại trường, đăng tải lên mạng xã hội những thông tin, hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật).
– Tựý rời bỏ vị trí được phân công trong học tập, trong thực hành, trực gác mà không xin phép.
5. Sự vượt trội, xuất sắc– Có mục tiêu học tập rõ ràng dành cho bản thân.
– Đọc, tìm tòi, thực hành để đạt kết quả tốt hơn mức yêu cầu tối thiểu.
– Tự phản ánh để phát triển cá nhân và nghề nghiệp theo thời gian & suốt đời.
– Tiếp cận, phân tích và sử dụng được tài liệu y học dựa trên chứng cứ trong học tập và thực hành lâm sàng.
– Tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, hoạt động hỗ trợ cộng đồng và nghiên cứu.
– Không chuẩn bịbài trước khi vào lớp học.
– Không cập nhật các kiến thức mới.
6. Thấu cảm (quan tâm và trắc ẩn)– Quan tâm đến yếu tố con người trong thực hành lâm sàng, biểu hiện qua: chú ý khía cạnh kinh tế, hoàn cảnh gia đình, nỗi lo lắng…của người bệnh khi đưa ra quyết định về kế hoạch chăm sóc, điều trị.
– Lắng nghe người bệnh và ra quyết định chăm sóc dựa trên lợi ích của người bệnh.
– Quan tâm khía cạnh văn hoá, xã hội trong giao tiếp với người bệnh.
– Không phán xét người bệnh và thân nhân.
– Phản ứng quá mức (bằng lời nói, hành động) bởi cảm xúc, thái độ, hành vi tiêu cực của người bệnh/thân nhân.
7. Bảo mật– Tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin cho người bệnh theo Điều 8, Luật khám chữa bệnh.
– Xử lý đúng những thông tin của người bệnh khi cần chia sẻ với mục đích nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân (trình bệnh, hội chẩn…)
– Tự ý thu thập thông tin của người bệnh mà không có sự đồng ý của người bệnh.
– Tiết lộ thông tin của người bệnh không vì mục đích chuyên môn, bao gồm cả các phương tiện truyền thông kỹ thuật số.
8. Giao tiếp, cho và nhận phản hồi– Tuân thủ các bước trong giao tiếp, truyền đạt chính xác thông tin.
– Ứng xử phù hợp trong giao tiếp với người bệnh/thân nhân & đồng nghiệp bao gồm cả các tình huống có khả năng dẫn đến xung đột.
– Thực hiện đúng các bước phản hồi.
– Chấp nhận các phản hồi về bản thân và lên kế hoạch cải thiện.
– Phản hồi sai dẫn đến xung đột.
– Không kiểm soát được cảm xúc trước các tình huống có khả năng dẫn đến xung đột.
9. Tư duy phản biện– Giải thích các giả thuyết/vấn đề một cách cặn kẽ, dưới những góc nhìn khác nhau & có dẫn chứng khoa học.
– Đặt được câu hỏi suy luận về một giả thuyết/vấn đề cụ thể.
– Phân tích và đánh giá rõ ràng, chính xác, khách quan các thông tin quan trọng/các quan điểm khác nhau.
– Rút ra được kết luận hợp lý từ một vấn đề cụ thể.
– Không nhận diện được những hạn chế trong quan điểm của bản thân.
10. Tự phản ánh– Quan sát, mô tả, phân tích, lập kế hoạch cải thiện đối với những sự việc xảy ra với bản thân và xảy ra xung quanh mình một cách khách quan.– Không chấp nhận thiếu sót & không cải thiện.
11. Quản lý thời gian– Nhận diện được những khoảng thời gian bị lãng phí.
– Xếp hạng ưu tiên công việc dựa trên mục tiêu.
– Sắp xếp thời gian thực hiện công việc hiệu quả để đạt được mục tiêu.
– Đi trễ.
– Không hoàn thành công việc được giao đúng thời hạn.
12. Cân bằng cuộc sống– Nhận diện sớm các yếu tố nguy cơ và các dấu hiệu cảnh báo sự mất cân bằng trong cuộc sống của bản thân, bạn học & đồng nghiệp.
– Phân tích được các nguyên nhân đưa đến mất cân bằng và đưa ra kế hoạch giải quyết phù hợp.
– Nêu được các địa chỉ liên lạc để nhận được hỗ trợ.
– Tham gia vào một hay nhiều hoạt động văn thể mỹ.
13. Làm việc nhóm– Xây dựng được mục tiêu hoạt động chung cho nhóm.
– Phân công & chấp nhận phân công trong nhóm.
– Nhận diện vai trò của từng thành viên trong nhóm.
– Hợp tác hiệu quả giữa các thành viên trong nhóm để đạt được mục tiêu của nhóm.
– Vận dụng được các công cụ hỗ trợ trong hoạt động nhóm y khoa (AIDET, ISBAR…).
– Có hành vi gây rối, gây mất đoàn kết trong nhóm.
– Đặt mục tiêu bản thân cao hơn mục tiêu của nhóm.

4. Kết luận

Tính chuyên nghiệp là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định cho thực hành y khoa tốt. Vai trò đa chức năng của chuyên gia y tế đòi hỏi sự chuyên sâu và đặc thù đối với tính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp là một thành phần quan trọng trong giao ước mặc định của cộng đồng chuyên môn đối với xã hội. Yêu cầu này đòi hỏi cán bộ y tế không chỉ cần đưa ra được các quyết định tốt cho bệnh nhân của mình dựa trên bằng chứng mà chúng ta cần áp dụng những quyết định đó theo cách chuyên nghiệp và giúp ích được nhiều nhất cho người bệnh.

Trong tư cách là chủ tịch Hiệp hội các Trường Y khoa Hoa Kỳ, Jordan Cohen, đã phát biểu: “Người thầy thuốc chuyên nghiệp được xác định không chỉ bởi những gì họ phải biết và làm, mà quan trọng nhất là bởi ý thức sâu sắc về những gì liên quan tới nghề nghiệp và bản thân người thầy thuốc”[10].

Các thuộc tính và biểu hiện của tính chuyên nghiệp cần được phổ cập rộng rãi đến những người thực hành nghề và cần được thiết kế giảng dạy ở tất cả các cấp đào tạo khác nhau trong giáo dục y khoa tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo
  1. Association of American Medical Colleges. Recomendations for Clinical Skills Curricula for Undergraduate Medical Education, 2008. Available at https://store.aamc.org/downloadable/downl oad/sample/sample_id/174/; accessed April 18, 20232.
  2. ABFM (American Board of Family Medicine). Guidelines for professionalism, licensure, and personal conduct. 2012. [September 14, 2013]. https://www.theabfm.org/about/policy.aspx.
  3. The Royal College of Physicians of London. Doctor in society. Medical Professionalism in a changing world. 2005. Available at: https://hinhanhykhoa.com/wp-content/litespeed/localres/aHR0cHM6Ly9jZG4uc2hvcGlmeS5jb20vcy8=files/1/0924/4392/files/doctors_in_society_reportweb.pdf?15745311214883953343, accessed April 10, 2023
  4. Rosenstein AH, O’Daniel M. A survey of the impact of disruptive behaviors and communication defects on patient safety. Jt Comm J Qual Patient Saf. 2008
    Aug;34(8):464-71. doi: 10.1016/s1553-7250(08)34058-6. PMID: 18714748.
  5. Kirk LM. Professionalism in medicine: definitions and considerations for teaching. Proc (Bayl Univ Med Cent). 2007 Jan;20(1):13-6. doi: 10.1080/08998280.2007.11928225. PMID:17256035; PMCID: PMC1769526.
  6. Accreditation Council for Graduate Medical Education. General competencies. Chicago: ACGME, 1999.
  7. American Board of Internal Medicine Foundation, American College of Physicians–American Society of Internal Medicine Foundation, European Federation of Internal Medicine. Medical professionalism in the new millennium: a physician charter. Ann Intern Med 2002;136(3):243–246.
  8. Bộ Y tế (2015). Chuẩn năng lực cơ bản của Bác sĩ đa khoa, Quyết định số 1854/QĐ-BYT ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Hà Nội.
  9. Trần Văn Thống, Phạm Thị Vân Anh, Nguyễn An Nghĩa, Hồ Anh Hiền, Phạm Thị Nga, Hạc Văn Vinh, Barbara Rose Gottlieb. Sáng kiến nhóm kỹ thuật liên trường để xây dựng chương trình tính chuyên nghiệp theo bối cảnh Việt Nam của 5 Trường Đại học Y Dược. Poster Hội Nghị Giáo Dục Y Khoa lần thứ 5, 2021.
  10. Cohen JJ. “The work ahead”: AAMC’s president address, November 6, 2005.

Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký Nhận bài viết mới và theo dõi Kênh Youtube

  • Ai chua benh cho bac si

    Ai chữa bệnh cho bác sĩ?

    Một bác sĩ trẻ đã tự kết liễu đời mình và để lại một bức thư tuyệt mệnh vạch trần những áp…
  • bac si dinh cong

    Bác sĩ đình công

    Những suy nghĩ của BS Quan Thế Dân về cuộc đình công diễn ra trong giới y khoa ở Hàn Quốc …
  • Cái giá của một đêm trực

    Tác giả: BS Nguyễn Bảo TrungNguồn: Sức khỏe & Đời sống . Em sinh viên Y4 hỏi: Một đêm …
Tải thêm Blog Y khoa

Check Also

Ai chữa bệnh cho bác sĩ?

Một bác sĩ trẻ đã tự kết liễu đời mình và để lại một bức thư tuyệt mệnh vạch trần những áp…