Bệnh đặc hữu là gì? Khi nào COVID-19 có thể xem là bệnh đặc hữu?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020. Đến nay đã 2 năm trải qua đại dịch và nhiều nước bắt đầu xem COVID-19 như là bệnh đặc hữu.

Ở Việt Nam, tại phiên họp Chính phủ Phiên họp Chính phủ thường kỳ bàn về Dự thảo chương trình phòng, chống dịch năm 2022-2023 ngày 3/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc tới khái niệm bệnh đặc hữu, tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, bình thường hóa với dịch bệnh COVID-19.

Vậy bệnh đặc hữu là gì? Khi nào COVID-19 có thể xem là bệnh đặc hữu?

Bệnh đặc hữu là gì?

Hiện tại chưa có định nghĩa chính xác về bệnh đặc hữu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thường định nghĩa đại dịch là sự lây lan không kiểm soát được của virus trên toàn cầu, còn mức độ lây truyền ổn định không dẫn đến bùng phát rộng rãi thường được coi là bệnh đặc hữu.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa bệnh đặc hữu “là sự hiện diện thường xuyên của một căn bệnh hoặc tác nhân truyền nhiễm trong một cộng đồng tại một khu vực địa lý”.

Để giải thích rõ hơn về khái niệm này, chúng ta có thể tham khảo một số phát biểu về bệnh đặc hữu dưới đây:

Theo tiến sĩ James Lawler, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Nebraska (Nam Phi): “Bệnh đặc hữu nói chung là bệnh mà bạn mắc ở mức độ thường xuyên và có thể dự đoán được, đơn cử như bệnh cúm mùa. Những dịch bệnh đó nói chung là có thể dự đoán được và xảy ra trong phạm vi dự báo”.

Tiến sĩ Daniel McQuillen – Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, cho rằng một đại dịch sẽ chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu khi “ở trong tình huống bạn đã nắm được môi trường xung quanh hoặc nồng độ điển hình của dịch bệnh xuất hiện trong không khí, nước hoặc đất ở một khu vực cụ thể”. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả khi có một số người vẫn mắc bệnh, con số sẽ không quá lớn kèm theo hậu quả thảm khốc gây quá tải hệ thống bệnh viện.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Thành viên Tổ tư vấn chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM, bệnh đặc hữu được hiểu là bệnh có tính ổn định, không tạo ra làn sóng dịch và nắm được xu hướng của bệnh. Ngay cả khi tính ổn định duy trì ở số mắc cao, thiệt hại nhiều, tử vong lớn cũng không được chấp nhận.

Bệnh đặc hữu có ít nguy hiểm hơn không?

Bản chất đặc hữu của bệnh hoặc nhiễm trùng không có nghĩa là bệnh lành tính. Nó liên quan với tính chất lây lan của dịch và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế chứ không phải độc lực của tác nhân, cho nên nó vẫn nguy hiểm.

Một ví dụ điển hình là bệnh cúm ở Mỹ. Những năm gần đây bệnh cúm vẫn gây ra hàng trăm nghìn ca nhập viện và 12.000-52.000 ca tử vong mỗi năm.

Khi nào COVID-19 có thể xem là bệnh đặc hữu?

Giáo sư dược tại Đại học Alabama (Mỹ) Paul Goepfert cho rằng: “Không có quy tắc cứng nhắc cho thời điểm đại dịch trở thành bệnh đặc hữu”. Nếu không nắm rõ liệu còn biến thể xuất hiện trong tương lai và có mô hình dự đoán được về bệnh thì vẫn còn quá sớm để nhận định một quốc gia nào đó đã đạt đến giai đoạn bệnh đặc hữu hay chưa.

Natasha Chida – Giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, thì cho rằng: “Bệnh đặc hữu là khi bạn nhận thấy số ca duy trì ở mức thấp, hệ thống chăm sóc sức khỏe có năng lực xử lý và người dân được chăm sóc khi họ cần”.

Với các khái niệm về bệnh đặc hữu và thời điểm xem dịch bệnh là bệnh đặc hữu, cho thấy việc xem COVID-19 có phải là bệnh đặc hữu hay không không chỉ phụ thuộc vào chủng loại virus SARS-CoV-2 đang lưu hành, tình trạng tiêm vaccine phòng COVID-19, mà còn phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh, khả năng phòng ngừa và điều trị COVID-19 của quốc gia đó.

Thế nên, có thể ở Mỹ, ở Anh, hay ở Úc xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, còn ở Việt Nam thì chưa, và cũng ngược lại!

Với tình hình ở Việt Nam hiện nay, có thể xem COVID-19 là bệnh đặc hữu chưa?

Hiện tại vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này, chúng tôi đưa ra hai ý kiến nổi bật để bạn đọc tham khảo.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng thì hiện nay việc xem xét đánh giá Covid-19 là bệnh đặc hữu hay không là phù hợp. Tuy nhiên, đánh giá COVID-19 đã là bệnh đặc hữu thời điểm này chưa thì câu trả lời là chưa.

Ông lý giải các nguyên nhân:

  • Thứ nhất, miễn dịch của Covid-19 tại Việt Nam vẫn chưa bền vững, do đó sẽ có khuynh hướng tạo làn sóng dịch.
    Miễn dịch bền vững (từ người nhiễm bệnh) với Covid-19 hiện nay vẫn chưa đạt 100%, miễn dịch chủ yếu đến từ vaccine (không bền vững). Nói một cách dễ hiểu là nước ta vẫn chưa đạt miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, không loại trừ nguy cơ SARS-CoV-2 có thể tiếp tục xuất hiện biến thể mới.
    “Thời điểm này, TP. Hồ Chí Minh đang ở một làn sóng, có thể sẽ chấm dứt trong 3 tuần tới. Sau đó, tiếp tục có thêm 1 lần nữa, chưa chấm dứt được. Những tính toán của cá nhân tôi, trong 5-6 tháng tới, Covid-19 mới đạt sự ổn định”.
  • Câu hỏi tiếp theo là, chúng ta có thể duy trì sự ổn định của Covid-19? Câu trả lời vẫn là chưa.
    Để làm được yêu cầu trên, ngành y tế phải xây dựng hệ thống điều trị hiệu quả, có tính dự phòng, bảo vệ cho người nguy cơ cao, bệnh nền, lớn tuổi trước Covid-19. Mục tiêu là giảm ca nặng và tử vong, đảm bảo tính ổn định với thiệt hại thấp nhất.
    Nhìn sang nước Mỹ, họ vừa ban hành kế hoạch quốc gia ứng phó với Covid-19. Trong đó, nước Mỹ tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin, nếu không miễn dịch sẽ mất dần và tạo ra làn sóng mới.Người dân tiếp cận hiệu quả với điều trị Covid-19, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ cao. Ngoài ra, Mỹ vẫn khuyến khích người dân thực hiện 5K, cung cấp cho họ phương tiện xét nghiệm để tránh lây lan.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thì đây chính là thời điểm Việt Nam nên xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, tương tự các bệnh lý đường hô hấp do các virus khác gây nên.

Lý giải về vấn đề này, ông cho biết các lý do:

  • Thứ nhất là vai trò của vaccine.
    Việt Nam nằm trong top 6 nước bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Chúng ta đã tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
    Như vậy, với diện phủ vaccine lớn như hiện nay thì với tất cả các biến chủng, số lượng bệnh nhân chuyển nặng và tử vong sẽ giảm.
  • Thứ hai, biến thể Omicron đang giữ vai trò chủ đạo ở Việt Nam.
    Theo đó, khả năng lây nhiễm của biến thể này cao hơn rất nhiều so với biến thể Delta, nhưng số chuyển nặng và tử vong không cao. Có thể thấy, với biến thể này không một hệ thống y tế nào trên thế giới có đủ sức để ngăn chặn, kể cả các quốc gia có nền y tế và tiềm lực kinh tế hùng mạnh như Mỹ, Anh, Nhật Bản… Vì vậy, bắt buộc phải tính đến việc chuyển trạng thái để thích ứng an toàn.
  • Thứ ba, số ca nhiễm tăng quá nhanh, khi biến thể Omicron đang tấn công ồ ạt, chúng ta sẽ đối mặt với khủng hoảng khan hiếm nghiêm trọng về kit xét nghiệm, thuốc điều trị, khủng hoảng nguồn nhân lực lao động và hệ thống y tế sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi quá tải.
    Trên thực tế, số bệnh nhân nhiễm COVID-19 có thể cao gấp 4-5 lần con số công bố do người bệnh không khai báo y tế. Vì vậy, nên xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, trả COVID-19 về cho tuyến y tế điều trị. Theo đó, các bệnh viện đa khoa sẽ thành lập khoa COVID-19 hoặc ít nhất là đơn nguyên chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19. Công việc chẩn đoán và điều trị giao cho bác sĩ lâm sàng.
    Nếu chúng ta xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, đưa COVID-19 vào danh sách các bệnh lý đường hô hấp, cụ thể là do chủng virus SARS-CoV-2 gây nên thì ai có triệu chứng mới vào viện để điều trị, những trường hợp cần xét nghiệm mới xét nghiệm. Lúc bấy giờ tâm lý người dân sẽ ổn định và nhẹ nhàng đi qua đại dịch.
    Với những yếu tố quan trọng trên, đây chính là thời điểm chúng ta nên chuyển trạng thái, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu” – bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nhấn mạnh.

Tham khảo
  • Thủ tướng: Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu – Lê Bảo (suckhoedoisong.vn)
  • Omicron đang ‘hạ nhiệt’, nhưng chưa thể biết được khi nào đại dịch kết thúc – Hà Anh (suckhoedoisong.vn)
  • Lúc nào Việt Nam có thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu – Linh Giao (vietnamnet.vn)
  • Lý do có thể xem COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường – Thiều Trang (laodong.vn)
Xem thêm:

Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận được thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký tại Form nhận bản tin và theo dõi tại kênh Youtube

Tải thêm Kiến thức Y khoa