Bản gốc
– Tiêu đề: Volvulus of the Gastrointestinal Tract: Appearances at Multimodality Imaging
– Tác giả: Christine M. Peterson, John S. Anderson, Amy K. Hara, Jeffrey W. Carenza, Christine O. Menias
– Nguồn: RadioGraphics 2009 29:5, 1281-1293. DOI:10.1148/rg.295095011
Bản dịch
– Tiêu đề: Xoắn đường tiêu hóa: các biểu hiện hình ảnh học
– Người dịch: BS.CK2. Cao Thiên Tượng – Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Chợ Rẫy
(*) Phần Teaching Point được thể hiện với màu đỏ.
Bài viết trong series DẤU HIỆU CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH trình bày các dấu hiệu hình ảnh gợi ý hoặc đặc hiệu trên XQ, CT, MRI, Siêu âm.
XOẮN ĐƯỜNG TIÊU HÓA: CÁC BIỂU HIỆN HÌNH ẢNH HỌC
Xoắn đường tiêu hóa, một nguyên nhân quan trọng trên lâm sàng của đau bụng cấp hoặc tái phát ở người lớn, vẫn còn gặp khó khăn trong chẩn đoán đối với các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh trong nhiều trường hợp. Các triệu chứng lâm sàng liên quan với xoắn ruột thường không đặc hiệu, gồm đau, buồn nôn, nôn mửa. Tuy nhiên nếu các bác sĩ lâm sàng không dựa và hình ảnh để chẩn đoán thì xoắn đường tiêu hóa hiếm khi được chẩn đoán trên lâm sàng. X quang quy ước, soi trên màn hình và CT là các phương pháp hình ảnh thường được sử dụng để chẩn đoán. Cần phải chẩn đoán kịp thời để tránh những biến chứng đe dọa tính mạng như thiếu máu và nhồi máu ruột. Vì vậy, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh cần có hiểu biết về các biểu hiện hình ảnh khác nhau của xoắn đường tiêu hóa.
Mở đầu
Xoắn đường tiêu hóa, một nguyên nhân quan trọng trên lâm sàng của đau bụng cấp hoặc tái phát ở người lớn, vẫn còn gặp khó khăn trong chẩn đoán đối với các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh trong nhiều trường hợp. Các triệu chứng lâm sàng liên quan với xoắn đường tiêu hóa thường không đặc hiệu, gồm đau, buồn nôn, nôn mửa. Vì hiếm khi được chẩn đoán trên lâm sàng nên các thầy thuốc lâm sàng cần nhờ X quang chẩn đoán; X quang quy ước, soi và CT là các phương pháp thường được sử dụng. Cần phải chẩn đoán kịp thời để tránh những biến chứng đe dọa tính mạng như thiếu máu và nhồi máu ruột. Bài này nhấn mạnh đến các đặc điểm lâm sàng khác nhau và các dấu hiệu hình ảnh thường gặp của xoắn đường tiêu hóa.
Xoắn dạ dày
Dạ dày là vị trí tương đối ít bị xoắn. Bệnh nhân bị xoắn dạ dày cấp thường có đau thượng vị, buồn nôn và nôn mửa. Tam chứng lâm sàng hữu ích để nhận ra xoắn dạ dày, tam chứng Borchardt gồm đau thượng vị đột ngột, nôn khan không dứt và không thể đưa ống sonde từ mũi qua dạ dày được.
Xoắn dạ dày thường được chia thành hai phân nhóm chính: trục tạng (ganoaxial) và trục mạc treo (mesenteroaxial). Xoắn trục tạng thường gặp hơn xoắn trục mạc treo và chiếm khoảng hai phần ba trường hợp xoắn dạ dày. Cả hai đều là cấp cứu ngoại khoa và cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xoắn trục tạng xảy ra khi dạ dày xoay dọc theo trục dài và bị tắc, với bờ cong lớn bị đẩy lên trên và bờ cong bé nằm xuống dưới hơn trong ổ bụng. Hang vị xoay về phía trước trên và phình vị xoay về phía sau dưới. Ở người lớn, xoắn trục tạng thường xảy ra nhất trong trường hợp thoát vị sau chấn thương hoặc thoát vị cạnh thực quản làm cho dạ dày di chuyển bất thường dọc theo trục dài. Nếu xoắn nặng hoặc hoàn toàn – tức là xoắn hơn 180 độ – lỗ ra dạ dày bị tắc và dạ dày dãn, lấp đầy dịch. Nếu uống thuốc tương phản dương, thuốc bị đọng lại trong dạ dày. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bị ít nặng hơn, xoắn không hoàn toàn hay một phần-xoay dưới 180 độ. Trong các trường hợp này, thuốc cản quang uống vào có thể đi qua dạ dày và vào tá tràng. Bệnh nhân bị thoát vị cạnh thực quản quá mức dẫn đến tạo ra sự xoay thứ phát dạ dày dọc theo trục dài. Các bệnh nhân này thường không có triệu chứng lâm sàng tắc nghẽn và không có bằng chứng tắc trên hình ảnh. trong các trường hợp này, chính xác hơn là mô tả dạ dày có vị trí trục tạng hơn là lồng trục tạng, mặc dù vị trị trục tạng dẫn đến xoắn về sau. Người ta không rõ là các bệnh nhân không triệu chứng có cần điều trị hay là theo dõi trên lâm sàng. Nói chung, độ kịch liệt và độ nặng của triệu chứng quyết định việc xử trí. Ở trẻ em, thoát vị Bochdalek lớn là yếu tố dự báo xoắn dạ dày (Hình 1).
Hình 1. Xoắn trục tạng. Sơ đồ chỉ ra sự xoay của dạ dày dọc theo trục dài. GC = bờ cong lớn. LC = bờ cong bé.
Xoắn trục mạc treo ít gặp hơn nhiều so với xoắn trục tạng. Nó xảy ra khi dạ dày xoay dọc theo trục ngắn với sự đẩy lệch hang vị lên trên chỗ nối thực quản-dạ dày. Thường xoay một phần (dưới 180 độ) và thường không liên quan với khuyết cơ hoành (Hình 2). Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể có xoắn dạ dày phức tạp, với cả hai thành phần trục tạng và trục mạc treo.
Hình 2. Xoắn trục mạc treo. Sơ đồ chỉ ra dạ dày xoắn dọc theo trục ngắn. A = hang vị, EJ = chỗ nối thực quản dạ dày.
Các dấu hiệu X quang của xoắn dạ dày gồm thoát vị một phần lớn dạ dày lên trên cơ hoành, thường kèm các mức khí-dịch khác nhau. Chụp đường tiêu hóa trên có thể được thực hiện để đánh giá xoay dạ dày, cũng như phát hiện sự lưu thông của thuốc cản quang đường uống qua tá tràng. CT đa lát cắt thường được thực hiện trong trường hợp đau thượng vị và nôn, có thể giúp khẳng định sự xoay của dạ dày bị thoát vị và điểm chuyến tiếp (Hình 3-5).
Hình 3. Xoắn trục tạng. (a) Hình chụp đường tiêu hóa trên thấy xoay hướng lên của dạ dày dọc theo trục dài, dẫn đến đảo ngược bờ cong lớn (GC) lên trên bờ cong bé (LC). Mũi tên = môn vị. (b) CT thấy dạ dày nằm ngang, thoát vị vào ngực. Mũi tên = môn vị.
Hình 4. Xoắn trục tạng nguyên phát ở trẻ sơ sinh. Hình chụp đường tiêu hóa trên cho thấy đảo ngược bờ cong lớn (GC) và bờ cong bé (LC) dạ dày.
Hình 5. Xoắn trục mạc treo. Hình chụp đường tiêu hóa trên trước –sau cho thấy đẩy lệch hang vị (A) lên trên chỗ nối thực quản dạ dày (mũi tên). Cũng thấy thân vị (B) và môn vị (P).
Nếu được chẩn đoán và phẫu thuật phục hồi ngay sau khi khởi đầu triệu chứng, có thể tránh được thiếu máu dạ dày. Tuy nhiên nếu có sự chậm trễ trong nhập viện, chẩn oán hoặc can thiệp, có thể gây thiếu máu dạ dày, dẫn đến hoại tử, thủng hoặc viêm trung thất và viêm phúc mạc (Hình 6).
Hình 6. Xoắn dạ dày thủng ở bệnh nhân nam 73 tuổi đau bụng. Hình X quang định vị (a) và hình CT coronal (b) thấy dạ dày chướng và hơi ổ bụng (mũi tên ở a) do xoắn dạ dày thủng, được xác nhận lúc phẫu thuật. Thủng xoắn dạ dày là biến chứng không thông thường do thiếu máu dạ dày. GC = bờ cong lớn. LC = bờ cong bé.
Xoắn ruột giữa
Xoắn ruột giữa là một nhóm lâm sàng khác nhau và thường gặp nhất ở trẻ em; 60-80% các bệnh nhân có nôn ra mật trong tháng đầu đời. Tuy nhiên, vì việc sử dụng CT trong cấp cứu tăng lên, xoắn ruột giữa ngày càng được ghi nhận nhiều ở người lớn.
Kém xoay ruột non là yếu tố dự báo chính cho xoắn ruột giữa. Trong kém xoay, có sự dính bất thường của mạc treo ruột non, dẫn đến rễ mạc treo ngắn bất thường. Điều này làm cho ruột non xoắn xung quanh mạc treo, gây tắc và có thể thiếu máu ruột. Xoắn ruột giữa thường xảy ra sớm trong cuộc đời, và trong các trường hợp này, phẫu thuật được thực hiện để sửa chữa sự kém xoay. Tuy nhiên, xoắn cũng có thể xảy ra ở người lớn và trong một số trường hợp có thể biểu hiện là đau bụng từng đợt mạn tính, giảm khi xoắn giảm tự phát. Nếu không giảm tự phát, bệnh nhân ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể có đau bụng, buồn nôn và nôn mửa.
X quang quy ước thường cho các dấu hiệu không đặc hiệu và hiếm khi giúp được ra chẩn đoán. Mặt khác, khảo sát ruột non và đường tiêu hóa trên bằng cách soi có thể thấy vị trí bất thường đặc trưng của hầu hết ruột non ở bụng bên phải và vị trí bất thường của dây chằng Treitz. Đây thường là khảo sát hình ảnh thích hợp khi nghi ngờ xoắn ruột giữa. Trên các hình ảnh chụp đường tiêu hóa trên, bình thường dây chằng Treitz nằm ở cuống sống L1 trái hoặc bên trái cuống sống L1 trái. Ở bệnh bị kém xoay, dây chằng Treitz ở vị trí bất thường, thường ở dưới và bên phải cuống sống L1 trái. Khi có xoắn ruột giữa, đoạn bị xoắn (thường là đoạn gần) của ruột non có hình ảnh cái vặn nút chai đặc trưng trên hình soi (Hình 7).
Hình 7. Xoắn ruột giữa ở trẻ nhỏ. (a) hình ảnh đường tiêu hóa trên thấy ruột non nằm bên phải ổ bụng và không vượt qua đường giữa. (b) hình nghiêng thấy hình ảnh cái vặn nút chai xoắn điển hình của xoắn hổng tràng đoạn gần. (c) Hình nghiêng chụp ở bệnh nhân khác thấy hình ảnh cái vặn nút chai kinh điển.
Đôi khi siêu âm có thể giúp đánh giá mối quan hệ vị trị bất thường giữa động và tĩnh hạch mạc treo tràng trên, với tĩnh mạch nằm ở bên trái động mạch, ngược với hướng thông thường của nó. Tuy nhiên, siêu âm không cho thấy vị trí bất thường của ruột và hiếm khi dùng trong trường hợp này.
Hiểu biết các dấu hiệu CT của lồng ruột giữa là quan trọng, vì nhiều bệnh nhân có triệu chứng không đặc hiệu và hình ảnh cắt lớp được đánh giá đầu tiên. Trên CT, một sự xoáy của các mạch máu trong rễ mạc treo có thể thấy ở vị trí xoắn. Cũng có thể thấy mối quan hệ bất thường của động và tĩnh mạch mác treo tràng trên, vị trí lạc chỗ của phần lớn các quai ruột và vị trí bất thường của dây chằng Treitz (được mô tả ở trên) (Hình 8).
Hình 8. Xoắn ruột giữa ở bệnh nhân bị trụy tim mạch. Hình CT (lát cắt b ở ngay phía dưới a) chụp cấp cứu cho thấy dãn và tăng đậm độ niêm mạc ruột, dấu hiệu chứng tỏ thiếu máu toàn bộ ruột non. Có xoắn ở rễ mạc treo ruột non và thấy có mối quan hệ bất thường giữa động mạch mạc treo tràng trên (mũi tên dài) với tĩnh mạch mạc treo tràng trên (mũi tên ngắn).
Xoắn đại tràng
Manh tràng
Xoắn manh tràng chiếm 25-40% các trường hợp xoắn đại tràng. Thường hiện diện các bất thường bẩm sinh của sự cố định đại tràng bao gồm cố định bất thường của đại tràng phải vào sau phúc mạc và vận động bất thường của đại tràng phải. Các yếu tố dẫn đến dãn đại tràng phải như có thai và vừa mới nội soi đại tràng ít gặp hơn và cũng có thể gây xoắn manh tràng.
Ngược với xoắn ở các vị trí khác, xoắn đại tràng thường có hình ảnh đặc trưng trên X quang qui ước, có thể đủ để chẩn đoán ở phần lớn bệnh nhân. Tạng dãn chứa đầy hơi, thường nằm lạc chỗ ở phần tư trên trái hoặc bụng giữa, là một đặc điểm X quang của xoắn manh tràng. Tuy nhiên, điều quan trọng để ghi nhận ra rằng, manh tràng có thể bị đẩy lệch ở bất kỳ nơi nào trong ổ bụng. Có thể có hoặc không có tắc gần, phụ thuộc vào độ trầm trọng của xoắn (Hình 9, 10).
Hình 9. Xoắn manh tràng ở bệnh nhân nữ đau bụng. X quang quy ước thấy manh tràng dãn chứa đầy hơi (mũi tên) ở phần tư trên trái.
Hình 10. Xoắn manh tràng ở bệnh nhân nữ già bị đau bụng. (a) Hình tái tạo coronal thấy manh tràng dãn (mũi tên) ở phần tư trên trái ổ bụng. Manh tràng đẩy dạ dày chứa đầy thuốc cản quang lên trên và có tắc ruột non. (b) Axial CT thấy quai đại tràng dãn (mũi tên) bị xoắn vào mạc treo và nằm lạc chỗ ở bụng trên.
Chẩn đoán xoắn manh tràng thường được khẳng định bằng chụp bơm cản quang đại tràng hoặc CT. Trong khảo sát cản quang đại tràng, đại tràng đoạn xa thường được giải ép, và có dạng hình mỏ chim ở ngang mức xoắn. Thường không thể đưa nhiều thuốc cản quang qua chỗ xoắn vào đoạn đại tràng gần bị dãn và đoạn cuối hồi tràng. Đối với các bệnh nhân nghi ngờ xoắn manh tràng trên X quang qui ước, khảo sát đại tràng cản quang có thể giúp khẳng định chẩn đoán. Tuy nhiên, vì CT đã phổ biến rộng rãi và chụp tương đối nhanh so với chụp đại tràng cản quang, nên hầu hết các bệnh nhân nghi ngờ xoắn manh tràng nên tiếp tục chụp CT nếu cần. Trên CT manh tràng có vị trí bất thường thường xuất hiện ở bụng trái trên và giữa trên và có thể truy nguyên đến mức xoắn, là vùng xoáy của ruột và mạc treo, dấu hiệu này được gọi là dấu hiệu “gió cuốn” (whirl sign) (Hình 11-16).
Hình 11. Xoắn manh tràng. Hình CT cản quang thấy manh tràng dãn lấp đầy dịch và khí ở đường giữa thấp. Cũng thấy khí thành manh tràng (mũi tên). Chẩn đoán được khẳng định lúc phẫu thuật thám sát.
Hình 12. Xoắn manh tràng ở bệnh nhân già bị chuột rút. (a) CT thấy manh tràng dãn đầy dịch ở bụng dưới. Ruột non đoạn gần cũng bị dãn. (b) Hình đại tràng bơm thuốc cản quang thấy hình ảnh mỏ chim điển hình của ruột ở chỗ xoắn (mũi tên).
Hình 13. Xoắn manh tràng. (a) Hình CT định vị thấy ruột dãn chứa đầy hơi ở đường giữa (mũi tên) và tắc ruột non. (b) CT cản quang thấy sự đẩy lệch của manh tràng bị dãn chứa đầy dịch ở phần tư trên phải (mũi tên), kèm tắc ruột non.
Hình 14. Dấu hiệu gió cuốn của xoắn manh tràng. (a) CT cản quang thấy manh tràng dãn, đầy phân ở phân tư trên trái ổ bụng (mũi tên). (b) Hình CT cản quang cho thấy xoắn liên quan với hồi tràng, nằm ở phần tư dưới phải (mũi tên). Ghi nhận hình ảnh vòng xoắn của các mạnh máu mạc treo bên trong chỗ xoắn. Cũng thấy thâm nhiễm và phù mạc treo.
Hình 15. Xoắn manh tràng có nhồi máu ở bệnh nhân nữ 20 tuổi. CT cản quang thấy manh tràng dãn nằm cao ở đường giữa. Ghi nhận vòng khí ở trong thành manh tràng (mũi tên), dấu hiệu gợi ý tụ khí thành ruột. Chẩn đoán xoắn manh tràng nhồi máu được khẳng định lúc phẫu thuật thám sát.
Hình 16. Xoắn manh tràng. Hình axial (a) và hình tái tạo coronal (b) cho thấy manh tràng chướng ở phần tư trên trái ổ bụng (* ở a). Xoắn mạc treo, trong trường hợp này là lien quan đoạn cuối hồi tràng, dễ nhìn thấy nhất trong vùng khoanh tròn ở b.
Manh tràng nâng cao (cecal bascule), được mô tả lần đầu tiên vào đầu những năm 1900, xem như là manh tràng dãn nằm ở vị trí bất thường, trong vùng bụng giữa và do sự gấp lên của bản thân manh tràng mà không liên quan với xoắn. Manh tràng nâng cao xảy ra khi manh tràng bám long lẻo với mạc treo. Một số tác giả chỉ rõ rằng manh tràng nâng cao là một dạng tắc manh tràng bất động, có thể dẫn đến thủng phụ thuộc vào thời gian kéo dài của triệu chứng.
Đại tràng ngang
Đại tràng ngang là vị trí xoắn đại tràng hiếm gặp nhất (<5-10% trường hợp), nhưng liên quan với tỉ lệ tử vong cao nhất. Nó xảy ra trong trường hợp cố định bất thường của đại tràng ngang dài. X quang qui ước hiếm khi giúp chẩn đoán nhóm này. Như trong các trường hợp xoắn manh tràng, chụp đại tràng cản quang cho thấy hình ảnh mỏ chim của đại tràng ngang mức xoắn. Tuy nhiên, xoắn đại tràng ngang hiếm gặp và thường không đoán trước được, chẩn đoán thường được thực hiện trên CT, cho thấy tắc ruột và xoắn mạc treo điển hình (Hình 17).
Hình 17. Xoắn đại tràng ngang ở bệnh nhân nữ 57 tuổi có bệnh sử đau bụng từng đợt trong 7 năm và bệnh sử 30 năm dùng thuốc nhận tràng. Hình CT (a, b) (b lắt cắt ngay phía dưới a) cho thấy dấu hiệu gió cuốn cạnh đại tràng ngang (mũi tên). (c) Hình chụp đại tràng cản quang thấy hẹp đại tràng ngang hình mỏ chim điển hình ở chỗ xoắn (mũi tên).
Đại tràng sigma
Đại tràng sigma là vị trí xoắn đại tràng thường gặp nhất và chiếm 60- 70% các trường hợp xoắn đại tràng. Nói chung nó được xem như là bệnh mắc phải vì tần suất mắc bệnh tăng lên trong trường hợp táo bón mạn tính và thừa đại tràng sigma do chế độ ăn giàu chất xơ , có thai, nằm viện hoặc bệnh Chagas. Ở những nước phát triển, xoắn đại tràng sigma là nguyên nhân thường gặp nhất của tắc ruột già trong trường hợp không có u và bệnh lý túi thừa. Tuy nhiên, ở những nước đang phát triển, xoắn đại tràng sigma gây ra phần lớn tắc ruột và có lẽ là do chế độ ăn tương đối giàu chất xơ. Nó cũng là nguyên nhân tắc ruột thường gặp nhất trong thời kỳ mang thai. Vì bệnh nhân thường có đau bụng không đặc hiệu và các triệu chứng tắc ruột, X quang qui ước thường được sử dụng đầu tiên. Các dấu hiệu X quang qui ước có thể chẩn đoán xoắn đại tràng sigma gồm quai ruột lớn chứa đầy hơi ở đại tràng sigma, xuất phát từ vùng chậu và lan xa lên trên ở mức đại tràng ngang (dấu hiệu “hướng bắc”) (Hình 18-23). Các đặc điểm X quang qui ước hữu ích khác gồm dấu hiệu “hạt cà phê”, là hình dáng đại tràng sigma dãn giống hình hạt cà phê. Tương tự, các dấu hiện “quai kín” và “đường ba” hoặc dấu hiệu “dải trắng” cho thấy đại tràng có hình ảnh quai kín hình dáng chữ U, do đại tràng bị dãn giữa hai điểm tắc ở vị trí xoắn; và các đường trắng dọc hướng chếch biểu hiện thành đối diện của quai ruột bị dãn (đường trung tâm) và thành ngoài của quai ruột ở phía khác.
Hình 18. Dấu hiệu “hướng Bắc” ở bệnh nhân nam 52 tuổi đau bụng. X quang bụng đứng cho thấy đẩy lệch đại tràng sigma (mũi tên) trên đại tràng ngang (Tr). Dấu hiệu này được quan sát trước hết khi sự lan của đỉnh đại tràng sigma về phía trên đến đại tràng ngang ở thế chụp nằm ngửa.
Hình 19. Xoắn đại tràng sigma. (a) Hình X quang bụng nằm cho thấy đại tràng sigma xuất phát từ vùng chậu với đỉnh ở bụng trên trái. Các quai ruột chèn vào giữa tạo ra dấu hiệu dải trắng (mũi tên). (b) Hình chụp đại tràng cản quang cho thấy điểm kết thúc đột ngột của cột thuốc cản quang ở điểm giống mỏ chim.
Hình 20. Xoắn đại tràng sigma ở bệnh nhân nữ 46 tuổi đau bụng. (a) Hình X quang quy ước thấy đại tràng dãn, chứa đầy hơi (mũi tên) xuất phát từ vùng chậu. (b) Hình CT coronal thấy dấu hiệu gió cuốn ở mạc treo đại tràng sigma (mũi tên). Chụp đại tràng cản quang giúp khẳng định chẩn đoán.
Hình 21. Hình CT coronal ở cửa sổ mô mềm (a) và cửa sổ phổi (b) cho thấy dấu hiệu gió cuốn (mũi tên ở a) và dấu hiệu mỏ chim (mũi tên ở b) ngang mức xoắn. Chẩn đoán được xác nhận lúc nội soi.
Hình 22. Xoắn đại tràng sigma. (a) Hình X quang qui ước cho thấy đại tràng sigma dãn xuất từ vùng chậu với đỉnh nằm ở phần tư trên phải (mũi tên). (b) Coronal CT cho thấy dấu hiệu gió cuốn đặc trưng ở ngang mức xoắn (mũi tên).
Hình 23. Xoắn đại tràng sigma. (a) Hình X quang qui ước cho thấy đại tràng sigma dãn xuất phát từ vùng chậu lên phía trên đại tràng ngang. (b) Hình CT cho thấy vị trí xoắn (mũi tên).
Trong các trường hợp không rõ, có thể chụp đại tràng với thuốc cản quang tan trong nước hoặc CT. Trong chụp đại tràng cản quang, vùng có hình dáng mỏ chim thường thấy ở ngang mức phía xa của chỗ xoắn đại tràng sigma, ở phía bên mà thuốc cản quang không đi qua được. Ngoài việc cung cấp thông tin chẩn đoán, chụp đại tràng cản quang có thể giúp làm giảm xoắn. Trên CT, nhìn thấy được vị trí bất thường của đại tràng sigma và mạc treo cuộn lại ngang mức chỗ xoắn . Khi các trường hợp xoắn liên quan đến các vị trí khác trên đường tiêu hoá, hình tái tạo coronal và sagittal có thể giúp định vị chỗ mạc treo cuốn lại và đánh giá hướng đoạn ruột bị xoay.
Tóm lại
Xoắn có thể liên quan đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hoá từ dạ dày đến đại tràng và là một nguyên nhân quan trọng của đau bụng cấp hặc tái phát. Vì chẩn đoán chậm trễ có thể gây hậu quả nghiêm trọng, gồm thiếu máu và nhồi máu ruột, nên cần phải có chẩn đoán kịp thời. Các triệu chứng lâm sàng của xoắn thường không đặc hiệu và các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thường được mời hội chẩn để đánh giá chẩn đoán. Bài này nêu lên những hình ảnh khác nhau của xoắn đường tiêu hoá, nhấn mạnh chiến lược để đạt được chẩn đoán chính xác.
Tải bản gốc
- Bản gốc PDF: Volvulus of the Gastrointestinal Tract: Appearances at Multimodality Imaging → Tải về
- Tác giả: Christine M. Peterson, John S. Anderson, Amy K. Hara, Jeffrey W. Carenza, Christine O. Menias
- Nguồn: RadioGraphics 2009 29:5, 1281-1293. DOI:10.1148/rg.295095011
Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký Nhận bài viết mới và theo dõi Kênh Youtube