Những chia sẻ rất thực tế của BS Nguyễn Thái Duy về việc lập nghiệp ở TP HCM. Việc lựa chọn đi hay ở, ở hay về với các bác sĩ ngoại tỉnh là việc hết sức khó khăn, không ai muốn rời xa gia đình đi xa lập nghiệp. Đọc để chuẩn bị và có những lựa chọn phù hợp trên con đường Y nghiệp…
Một số vấn đề về lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh
Tác giả: BS. Nguyễn Thái Duy
Nguồn: Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam
Mới hôm rồi ghé qua BV ĐH Y Dược ngồi tâm sự với người bạn. Khi xưa ở Buôn Ma Thuột thì mình và bạn trực chung tua trực, giờ thì mình đã ổn định tại TP.Hồ Chí Minh, bạn thì đang băn khoăn suy nghĩ….
Cách đó 1 tuần, hỏi thăm một anh bạn là giảng viên trường ĐH về tình hình ở trường giờ ra sao. Lúc ấy mới bất ngờ biết bạn đã vào đây làm cho bệnh viện tư nhân.
Hôm thứ 6 rồi ghé bệnh viện Hồng Đức, lại gặp một anh bác sĩ cùng khoa. Hỏi ra mới biết vợ chồng anh đã chuyển vào Sài Gòn được khá lâu.
Cũng mới sáng hôm qua thôi, lại gặp một người bạn cùng khoa đi trực tại một bệnh viện tư nhân trong này…
Và cũng rất rất nhiều lần tâm sự với các em của mình về việc ở lại đất Sài thành lập nghiệp…
Điều đầu tiên khẳng định, không ai muốn rời xa gia đình mà đi xa lập nghiệp. Có chăng thì lập nghiệp là một cuộc đánh đổi, kết quả thì phải thời gian mới kiểm chứng được mà thôi. Với những bạn mà “sự đã rồi” như mình thì không bàn nữa, nhưng tới đây hàng ngàn sinh viên y lại tiếp tục ra trường và bước vào cuộc đua mới thì mình có vài điều chia sẻ…
1. Bác sĩ xin việc ở TP.Hồ Chí Minh dễ hay khó?
Không khó như ở một số tỉnh. Ở một số tỉnh thành, để có một công việc “ưng ý” rất là khó. Khoảng thời gian 2012 mình sau khi tốt nghiệp tại ĐHYD TP.HCM và về lại Đăk Lăk để làm việc, mình được nhận ngay. Lý do không phải giỏi, không phải dễ mà là mình xin vào bệnh viện tư nhân và đúng đợt có nhu cầu. Coi như là may mắn. Nhưng cũng cùng thời điểm ấy, để xin vào khoa ngoại, thì theo các thông tin ngoài lề mình phải tốn khoản tiền “không nhỏ”. Và nhiều bạn mình cũng về tỉnh, cũng không dễ để xin được việc. Có cái ngược đời là tỉnh càng xa trung tâm lớn (HCM) thì càng khó xin việc!
Ở HCM thì khác, cơ hội nghề nghiệp rất nhiều. Bệnh viện tư, bệnh viện công thì nhan nhản. Xin việc chỉ cần hồ sơ, có quen biết thì dễ hơn “xíu”, tốn kém thì chắc là có (mà chắc chắn là có) nếu như một số bệnh viện lớn và khoa VIP.
Với cơ chế trọng nhân lực, tuyển rộng đầu vào để hoàn thiện nhân lực và đào tạo thì so với các tỉnh thành khác HCM là nơi đến lý tưởng với các bạn ở các tỉnh thành. Ở một số bệnh viện tuyến quận thì vẫn bài hát “đến làm gì, để rồi nay anh ra đi” vẫn hát đi hát lại. Nói đùa, có nghĩa là người mới ra trường xin việc, làm ổn đi học và đi luôn. Sự luân chuyển như vậy xảy ra thường xuyên, và hiển nhiên lãnh đạo một số bệnh viện thừa biết chuyện ấy nhưng cơ chế vẫn không khắt khe như ở tỉnh lẻ. Ở tỉnh có một số nơi giam bằng, giữ bằng, ký hợp đồng thỏa thuận… nhưng ở đây hầu như không.
Tất cả những lý do trên thì kết luận là xin việc ở HCM dễ.
2. Cơ hội học hành ở HCM dễ hay khó?
Lại nói về cơ quan cũ, khi làm thì lương cũng được (lúc 2012 lương mình khoảng trung bình 9-10 triệu/chưa có chứng chỉ hành nghề). Tuy nhiên, có một số đợt đi học, đi hội nghị thì mình bỏ tiền túi ra và xin ngày nghỉ phép để đi. Cơ hội học hành thế thì cũng hơi khó khăn, mỗi lần đi lại bị giảm thu nhập do nghỉ phép (trừ công), nghỉ mổ (không có tiền phụ cấp), phí ăn ở đi lại tự lo (do không được cử đi học)…Còn riêng việc đi học khóa dài hạn thì nhiêu khê lắm, hy vọng sẽ được chia sẻ vào một bài viết khác với các bạn.
Ở TP lớn, học tập ngay sát bên, hội nghị hội thảo quá trời. Có nhiều khóa học còn được các hãng thuốc và dụng cụ tài trợ cho đi học, chỉ việc siêng học. Đó là khóa 1-2 ngày.
3. Còn khóa kéo dài, khóa học chuyên khoa thì sao?
Vẫn phải theo sự điều tiết của bệnh viện tuy nhiên có điểm khác so với ở tỉnh. Ở TP HCM, vì người học có thể trở về bệnh viện để trực gác và khám bệnh, nếu khoa thu xếp được thì vấn đề đi học sẽ rất đơn giản. Chỉ cần cam kết thì bệnh viện sẽ thu xếp cho đi học.
Cơ chế cần chứng chỉ hành nghề, cần người làm được nên chủ trương một số bệnh viện là cử đi học sơ bộ sớm (nhiều trường hợp là ngay sau khi ký hợp đồng làm việc). Ở tỉnh thì suất học dài hạn thường phải “xếp hàng”.
Một số bạn chọn cách đi làm, và tới khi cần thì nghỉ việc tự đi học. Cũng là vì cơ chế thị trường, nên tự đi học cũng dễ. Vì sau khi làm ở cơ quan nhà nước được đủ 18 tháng, có trong tay chứng chỉ hành nghề bạn có thể xin làm ở phòng khám, đi khám sức khỏe…tự trang trải khi đi học. Và do đã quen với môi trường năng động tại HCM, thì các bạn cũng dễ sống hơn với các bạn ở tỉnh ra để đi học chuyên khoa. Do đó, dù có cực nhưng cũng đỡ áp lực hơn.
4. Cuộc sống ở TP. HCM năng động và…tốn kém
Thật không dễ để có thể sống thảnh thơi ở HCM. Có nghĩa là bạn phải thật năng động, làm lụng thật nhiều mới có khái niệm đủ sống.
Đừng thấy bạn của bạn (là bác sĩ) chải chuốt, cà phê cà pháo nhiều mà ganh tị. Có thể ở một xóm trọ nào đó quá chật chội không đủ không gian sinh hoạt mà họ làm biếng về. Cũng đừng thấy bạn của bạn đi làm suốt gọi không được mà giận, có thể rằng khi bạn đã vào “guồng” giống họ thì cũng vậy thôi. Ở HCM không có khái niệm ăn hàng, ngồi không cho các bạn trẻ mới vào đời như mình. Khác xa với ở tỉnh sau giờ làm thì chỉ nghỉ ngơi, không trực gác thêm, không làm ngoài giờ.
Tiền nhà, tiền sinh hoạt, ăn uống và quan hệ xã hội nhiều khi vượt quá khả năng bệnh viện chi trả trên lương 1 tháng của một sinh viên mới ra trường. Nhưng vì sao chúng ta vẫn sống? Vì chúng ta vẫn đang gồng mà thôi. Nhưng dạo quanh một vòng các trang của một số thầy, các thầy vẫn khuyên là sống với nghề thì phải vậy. Mới ra trường đừng đòi hỏi nhiều… Ý thầy nói, cuộc sống hiển là khó khăn, mà ở HCM lại khó khăn gấp bội, nhưng thời gian sẽ bớt [không ai dám nói nhưng theo thời gian sẽ giàu đâu nhé!].
Muốn có cuộc sống thảnh thơi, bớt suy nghĩ về tiền tài, nhà cửa thì tốt hết đừng chọn TP HCM. Còn ở đây bắt buộc bạn phải suy nghĩ thôi, vì nó là phần thiết yếu của cuộc sống.
Giữa và cuối năm nay lại có biết bao nhiêu bạn bắt đầu cuộc bôn ba mới với tâm thế là “người đã có bằng đại học”. Lựa chọn đi hay ở, ở hay về thật là việc hết sức khó khăn. Chỉ mong bạn ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng vững tay chèo mà lái. Con thuyền chở ước mơ hoài bão mong rằng sẽ gặp nhiều cơ quyên và may mắn giúp bạn sớm ổn định và thành công.
Thân chúc các bạn nhiều sức khỏe và thành công nhé!
BS. Nguyễn Thái Duy
- Lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa
- Bác sĩ – Chông chênh tuổi 24
- Gửi các Bác sĩ “Cận lâm sàng” – chia sẻ từ Bác sĩ Phan Trúc
- Hồ sơ xin việc Bác sĩ, Điều dưỡng Bệnh viện công
- Hồ sơ tuyển dụng bao gồm những gì?
Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận được thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký tại Form nhận bản tin và theo dõi tại kênh Youtube