Lối thoát cho ngành y

Những chia sẻ về một số định hướng của ngành Y của Bác sĩ Quan Thế Dân trong bối cảnh Y tế Việt Nam nhiều mảng u ám…

Lối thoát cho ngành Y

Tác giả: Bác sĩ Quan Thế Dân

Năm 2005, tôi được bổ nhiệm làm trưởng khoa trong bệnh viện lúc ngoài 40 tuổi.

Vị trí tôi giữ với đa số mọi người thường gần đến lúc nghỉ hưu mới được ngồi vào. Vì thế tôi cảm động lắm, lúc nào cũng sục sôi muốn đóng góp xây dựng bệnh viện.

Thời gian ấy, xã hội đang sôi nổi khí thế đổi mới nền kinh tế. Ngành y bao năm bị mang tiếng trì trệ, lương thấp, lạc hậu… cũng muốn hòa vào trào lưu đổi mới đó.

Ngành y tế TP HCM lúc bấy giờ có đề án cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân. Dư luận rất quan tâm. Giới y chúng tôi bàn tán sôi nổi. Nhiều người mong có luồng gió mới mẻ xua tan những trì trệ trong ngành.

Trong kỳ đại hội công nhân viên chức bệnh viện năm ấy, mang cảm hứng từ hy vọng đổi mới, tôi có bài tham luận nảy lửa kêu gọi đổi mới trong bệnh viện. Khỏi phải nói, anh chị em vỗ tay ủng hộ quá trời, 100% phiếu bầu tôi làm thanh tra nhân dân.

Sau này tôi mới biết, ban giám đốc hoảng hồn họp kín, gọi sự kiện hôm ấy là “làm loạn” mà tôi là người đầu têu.

Giữa năm 2007, chuyện cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân bị hủy bỏ. Nhiệt tình đổi mới quản lý ngành y bị dội thùng nước lạnh.

15 năm trôi qua, tôi đã về hưu. Các khuyết điểm đã được chỉ ra từ 15 năm trước vẫn y nguyên và ngày càng trầm trọng hơn. Ngành y hôm nay sa vào khủng hoảng, quan chức từ cấp bộ đến sở rồi tới bệnh viện bị bắt, tiền tham nhũng hối lộ tính bằng hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Giám đốc một bệnh viện cấp quận thôi mà cáo buộc chạy án lên đến 3,7 triệu USD (khoảng 90 tỷ đồng).

Ở thế kỷ 21, không còn ai tranh luận kinh tế thị trường tốt hay kinh tế kế hoạch hóa tốt nữa, mà vận dụng mặt mạnh của cả hai loại hình kinh tế này.

Dù mang nhiều chức năng cao đẹp, ngành y về cơ bản vẫn là một ngành dịch vụ, một ngành kinh tế. Vì thế y tế muốn phát triển vẫn phải tuân theo sự điều khiển vô hình của kinh tế thị trường. Thực tế này có thể nhìn thấy trong ngành y hiện nay: chuyên khoa nào người dân có nhu cầu cao thì trở nên “hot”, thu nhập cao, đông người theo học. Bệnh viện nào uy tín thì nhiều người đến, doanh thu cao.

Dù muốn dù không, vận hành bệnh viện phải theo các quy luật kinh tế. Phải hòa vốn để tồn tại. Phải có lãi để tăng trưởng.

Giá khám chữa bệnh hiện nay ở bệnh viện được thừa nhận là chưa bao gồm đủ các chi phí. Vậy tại sao hệ thống y tế không sụp đổ. Vì nó đang gắng gượng trụ được bằng các nguồn lực khác như sau: Một là nguồn kinh phí của nhà nước cấp để chi lương, chi đầu tư, hỗ trợ thuế… Thứ hai là chi phí mà người bệnh phải trả, mà phần ngầm có khi chiếm đến 50% tổng chi phí khám chữa bệnh, gồm tiền trả thêm cho các dịch vụ, tiền mua thuốc ngoài… Nguồn lực thứ ba là tệ nạn tham nhũng. Chính tham nhũng là một cách giải quyết tự phát những bất hợp lý của vận hành bệnh viện. Tôi không ủng hộ lấy một cái sai này để giải quyết một cái sai khác, nhưng hiện tượng tham nhũng diện rộng trong ngành y đang phản ánh một vấn đề có tính quy luật.

Như vậy, nếu cắt đi ba nguồn lực trên thì y tế hiện nay sẽ sụp đổ.

Vậy lối thoát của y tế Việt Nam là ở đâu. 15 năm trước, những người tâm huyết đã nhận ra, ngành y muốn phát triển lành mạnh cần phải đa dạng: y tế công, y tế tư, y tế từ thiện (phi lợi nhuận). Ý tưởng cổ phần hóa bệnh viện công là một bước đi dũng cảm.

Y tế tư nhân là con đẻ của kinh tế thị trường, từ khi mới ra đời đã nhận nhiều nghi kỵ, nhưng vẫn âm thầm phát triển. Đến nay y tế tư nhân đã trở thành bộ phận ngày càng quan trọng của y tế Việt Nam. Về nhiều mặt, chính y tế tư nhân đã buộc y tế công phải thay đổi, phải chuyển mình. Bệnh viện công phải tự hỏi chính mình: Tại sao bệnh viện tư phải tự bỏ tiền ra mua đất, tự bỏ tiền ra xây bệnh viện mua máy móc, trả lương cao cho nhân viên mà vẫn có tăng trưởng.

Có nhiều người lo ngại nếu chuyển tư nhân hóa bệnh viện sẽ dẫn đến tăng giá dịch vụ y tế. Theo tôi, giá dịch vụ y tế rẻ hiện nay của bệnh viện công là danh nghĩa, còn thực chất bệnh nhân phải chi ngoài nhiều và đang ăn vào vốn của nhà nước. Còn giá dịch vụ của y tế tư là công khai minh bạch, tính đúng tính đủ chi phí, và đang dần được xã hội chấp nhận. Giá của dịch vụ y tế tương lai sẽ do quy luật cạnh tranh, các cơ sở y tế sẽ phải thu hút khách hàng bằng chất lượng và giá cả. Song song với đó không thể thiếu vai trò điều tiết của Nhà nước thông qua đặt hàng của Bảo hiểm y tế, giá trần của các dịch vụ y tế.

Tôi hình dung ngành y Việt Nam sẽ bao gồm các thành phần như sau. Một là y tế công bao gồm y tế cơ sở, y tế dự phòng, các bệnh viện điều trị bệnh xã hội, bệnh viện người có công, bệnh viện của quân đội, công an. Hai là y tế tư nhân gồm bệnh viện công cổ phần hóa và bệnh viện tư. Thành phần thứ ba của nền y tế là y tế từ thiện, hoạt động phi lợi nhuận, do các tổ chức từ thiện tài trợ.

Cổ phần hóa các bệnh viện công nhà nước sẽ giảm được gánh nặng chi phí nuôi bộ máy y tế cồng kềnh tốn kém. Bệnh viện sẽ tiếp nhận cách quản lý mới, nguồn vốn đầu tư mới để thay đổi. Nhân viên y tế có cổ phần trong bệnh viện sẽ gắn bó xây dựng bệnh viện hơn. Các tiêu cực trong đấu thầu thuốc, máy móc, trong xây dựng cơ bản sẽ tự nhiên hạn chế. Bán cổ phần trong các bệnh viện công, nhà nước sẽ thu lại được nguồn lực khổng lồ, để đầu tư cho y tế cơ sở, nâng cấp cho các bệnh viện công còn lại.

Các ý kiến trên đây của tôi là cách thế giới đã làm từ rất lâu. Người trăn trở với nghề y ở Việt Nam cũng nói đến những điều này hàng chục năm qua. Nhưng tất cả trôi đi trong sự loay hoay lúng túng của quản lý.

Giáo dục và y tế miễn phí phản ánh bản chất tốt đẹp của một xã hội. Nhưng khi y tế miễn phí còn ở tương lai xa, việc thực hiện được y tế công bằng đã là rất tốt cho dân rồi.

Bác sĩ Quan Thế Dân (vnexpress.net)

Xem thêm:

Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận được thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký tại Form nhận bản tin và theo dõi tại kênh Youtube

Tải thêm Blog Y khoa

Check Also

Tính chuyên nghiệp trong thực hành Y khoa

Bài viết cung cấp các khái niệm, tầm quan trọng và các biểu hiện ra hành vi của tính chuyê…