Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần, VietMD và sách

HÌNH ẢNH Y KHOA – Giới thiệu bác sĩ Huỳnh Wynn Trần (Trần Huỳnh) – một người Việt đã thi đậu, học và thực hành Bác sĩ Y khoa ở Mỹ. Anh là người thành lập tổ chức VietMD (ban đầu có tên là VMGUS Vietnamese Medical Graduates to US). Ngoài công việc khám chữa bệnh, nghiên cứu và giảng dạy Y khoa, Bác sĩ Huỳnh cũng yêu thích vẽ và viết lách. Anh đã xuất bản 4 cuốn sách ở Việt Nam kể về quá trình học tập Y khoa và những câu chuyện nghề Y: Từ Kiến trúc sư thành Bác sĩ tại Hoa Kỳ, Trong phòng chờ với Bác sĩ Wynn, Chuyện ICU: Khi thiên thần nhiễm bệnh, Màu nhạt nắng.

Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần…

“Sẽ có những lúc bạn phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn về nghề nghiệp trong cuộc đời, nhất là trước ngã rẽ chuyển đổi qua một nghề mới hoàn toàn xa lạ. Hãy đi theo đam mê của mình. Vì nếu bạn dám chọn lựa, bạn sẽ dám thành công.”

BS Huỳnh Wynn Trần tên khai sinh ở Việt Nam là Trần Huỳnh, người Bạc Liêu. Anh học cấp 3 chuyên Toán Trường THPT Chuyên Bạc Liêu, sau đó học Đại học Kiến trúc TP.HCM. Nhưng đến năm thứ ba Huỳnh chấm dứt việc học để theo gia đình đi Mỹ, lúc đó là năm 1999.

Không giỏi tiếng Anh, Huỳnh phải đi học khóa tiếng Anh vỡ lòng trong vài tuần đầu, để trao đổi với người cùng làm những câu đơn giản khi anh vào xưởng phụ làm lắp ráp chân bàn. Vì đã lỡ nhịp học, vừa đi làm, Huỳnh vừa đi học nhưng thường phải lấy gấp đôi số lớp so với dân bản địa. Ban đầu, anh lấy các lớp toán, lý, hóa cho dễ học, rồi cứ học tiếng Anh thêm mãi đến lúc anh học được về văn chương là lớp cao nhất.

Sau 2 năm, anh học xong khóa học về tiếng Anh và nhiều kỹ năng mềm, cùng lúc anh được nhận học bổng để tiếp tục theo học ĐH Kiến trúc.

Tốt nghiệp ĐH Kiến trúc ở Mỹ, Huỳnh vào làm ở một công ty chuyên về thiết kế phòng khám và bệnh viện ở vùng tây Michigan, nhưng cơ duyên đưa anh đến với nghề y.

“Ngày đầu tiên tôi đến Mỹ lúc 11h đêm. Hai giờ sau, ba tôi lên cơn đau tim phải vào Bệnh viện Holland. Buổi sáng đầu tiên của tôi tại Mỹ là ở phòng cấp cứu bệnh viện. Tôi và gia đình không rành tiếng Anh và phải nhờ thông dịch viên để hỏi bệnh. Cảm kích sự giúp đỡ của các bác sĩ, sau này tôi đã quay lại đây làm tình nguyện viên và thông dịch viên. Làm kiến trúc một thời gian, khách hàng đã mời tôi đến thiết kế thêm một phòng mạch và tôi bắt đầu thấy thích ngành y” – bác sĩ Huỳnh chia sẻ.

Chỉ sau 2 năm tốt nghiệp kiến trúc, anh lại bỏ hết để bắt đầu một chặng đường mới của cuộc đời: theo học dự bị y khoa. Lúc này, anh cũng phải lấy gấp đôi, thậm chí gấp 2,5 lần số tín chỉ của một sinh viên bình thường.

Sau một năm, anh có bằng đại học thứ hai và nộp đơn vào y khoa, nhưng không may ở năm đầu tiên. Không bỏ cuộc, Huỳnh xin làm nhà hàng để sống, ban đêm làm thêm bằng trực điện thoại và thi lại. Năm sau (2007), Huỳnh được 6 đại học Y ở Mỹ nhận, và anh chọn học một trường ở NewYork.

Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần

Một chặng đường thật dài từ một người nhập cư không rành tiếng Anh thành một bác sĩ – ngành học được xem là khó nhất và tốt nhất tại Mỹ. Hơn 13 năm học y, làm bác sĩ, rồi vừa giảng dạy sinh viên y khoa ở Mỹ, vừa quản lý điều hành phòng khám bệnh tư vấn, tổ chức VietMD, nhưng dường như bầu nhiệt huyết của bác sĩ Wynn Trần chỉ có tăng thêm chứ chưa từng giảm. Ngoài sáng lập Tổ chức VietMD, anh còn mở Wynn Medical Center – nơi nhận sinh viên y khoa và sinh viên điều dưỡng khám bệnh đến thực tập, thường ưu tiên những bạn sinh viên người Mỹ gốc Việt.

…và sự ra đời của VietMD

Năm 2007, khi đó Trần Huỳnh đang theo học chương trình Bác sĩ Y khoa tại Trường Y đại học New York. Trong một lần trao đổi với bác sĩ hướng dẫn của mình là người Ấn Độ, anh được biết nhiều bác sĩ Ấn Độ tốt nghiệp Y khoa tại quê nhà, sau đó theo học bác sĩ nội trú ở Mỹ. Trong đầu vị bác sĩ trẻ bật ra suy nghĩ “người Ấn làm được sao người Việt không làm được?”. Thế là Huỳnh tìm hiểu tất cả mọi thứ về các chương trình đó.

“Tôi đã tìm hiểu về việc học bác sĩ nội trú ở Mỹ và sáng lập ra VietMD. Tôi hi vọng VietMD sẽ tiếp tục phát triển, là tổ chức chuyên dạy tiếng Anh chuyên ngành và hỗ trợ chuyên môn cho các bác sĩ Việt Nam ở khắp nơi. Tôi luôn nghĩ mình là người Việt và muốn làm gì đó cho quê hương mình” – Huỳnh chia sẻ.

VietMD ban đầu có tên là VMGUS (Vietnamese Medical Graduates to US) – với mục tiêu là hỗ trợ các bác sĩ và sinh viên Y khoa Việt Nam thi nội trú ở Mỹ.
Xem thêm: Chương trình nội trú tại Mỹ dành cho Bác sĩ Việt Nam

Cũng trong một lần về Việt Nam nói chuyện với các bạn sinh viên, Trần Huỳnh phát hiện tiếng Anh chuyên ngành là điểm yếu của sinh viên Y Việt Nam. Tài liệu y khoa trên mạng Internet hơn 90% là tiếng Anh, thiếu tiếng Anh thì khó mà tự học từ nguồn tài liệu nước ngoài.

“Tại sao mình không làm cầu nối để các bác sĩ trong nước và nước ngoài có thể trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, chia sẻ tài liệu, thậm chí sang Mỹ học chuyên ngành? Nếu không làm được tất cả những điều ấy thì ít ra mình cũng phải hướng dẫn tiếng Anh chuyên ngành cho bác sĩ trẻ, sinh viên ngành y” – Trần Huỳnh nhủ thầm.

Với những trăn trở đó, Huỳnh đã cùng những người bạn chính thức bắt tay xây dựng VietMD và trang web vietmd.net chính thức ra đời năm 2007. Đây trở thành điểm hẹn của nhiều bác sĩ, sinh viên y khoa Việt Nam. Không chỉ cung cấp nguồn tài liệu tiếng Anh cho ngành y, mỗi tuần Huỳnh cùng bạn bè chia nhau online để trao đổi tiếng Anh, kiến thức y khoa chuyên sâu, về USMLE (kỳ thi cho bằng hành nghề y khoa tại Mỹ)… Từ vietmd.net, một số website, trang mạng xã hội khác về tiếng Anh chuyên ngành y, về cách luyện và thi USMLE cũng ra đời để giúp các y bác sĩ Việt trẻ…

Trang web VietMD.net

Hiện nay, VietMD phát triển thành một tổ chức phi lợi nhuận của tiểu bang và liên bang, tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám bệnh miễn phí cho người Việt tại Mỹ; Giảng dạy Medical English (tiếng Anh y khoa) cho các bác sĩ và sinh viên Việt Nam (đã mở lớp dạy cho Đại học Y Dược Sài Gòn, Đại học Y Dược Cần Thơ, Khoa Y Đại học Quốc gia); Chia sẻ thông tin về các kỳ thi bằng hành nghề bác sĩ tại Mỹ, các kỳ thi USMLE, với trên 3.000 thành viên.

Các kênh thông tin của VietMD.net

Trần Huỳnh (giữa) cùng các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trong lớp trao đổi tiếng Anh chuyên ngành với các bác sĩ ở Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM và sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM.

Bác sĩ viết văn…

Trần Huỳnh là một bác sĩ đa tài – không chỉ với kiến trúc và những bức vẽ minh họa giải phẫu và bệnh lý hết sức sống động – anh còn có nhiều tập văn hay.

BS Huỳnh đã xuất bản 4 cuốn sách ở Việt Nam kể về quá trình học tập Y khoa và những câu chuyện nghề Y: Từ Kiến trúc sư trở thành Bác sĩ tại Hoa Kỳ, Trong phòng chờ với Bác sĩ Wynn, Chuyện ICU: Khi thiên thần nhiễm bệnh, Màu nhạt nắng.

Từ Kiến trúc sư thành Bác sĩ tại Hoa Kỳ

Quyển sách kể về hành trình cậu sinh viên chuyên Toán trường THPT Chuyên Bạc Liêu theo học Kiến trúc tại Việt Nam và tại Mỹ, đến khi quyết định từ bỏ Kiến trúc để theo đuổi con đường Y khoa – ngành học được xem là khó nhất và tốt nhất tại Mỹ. Và sau chục năm học hành miệt mài, đến nay đã trở thành một Bác sĩ ít nhiều có tiếng tăm trong cộng đồng.

Những chia sẻ từ góc nhìn của người trong cuộc sẽ giúp bạn đọc phần nào hiểu được quá trình thực tế cũng như những khó khăn, nỗi niềm vui buồn trong nghề. Qua đó, hy vọng sẽ tiếp thêm động lực trên hành trình theo đuổi nghề nghiệp cho bạn.

“Dám lựa chọn, hết mình vì lựa chọn của bản thân, thành công sẽ đến.”

Trong phòng chờ với Bác sĩ Wynn

Sách là tập hợp những bài viết về kiến thức sức khỏe của BS Huỳnh Wynn Trần trong nhiều năm, với mong muốn sẽ giải đáp được phần nào những thắc mắc quý vị độc giả thường gặp dựa trên các khuyến cáo khoa học, bài nghiên cứu và phương pháp chữa trị mới nhất từ Hoa Kỳ.

“Đừng dễ dàng tin vào những lời đồn đoán vô căn cứ, với sức khỏe, có kiến thức là cách tốt nhất quý vị bảo vệ chính mình.”

Chuyện ICU: Khi thiên thần nhiễm bệnh

ICU (Khoa chăm sóc đặc biệt) là khoa điều trị các bệnh nặng, nguy hiểm nhất đến tính mạng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai nạn giao thông, nhiễm trùng toàn thân hay suy hô hô hấp cấp tính.

Đây là nơi có tỉ lệ tử vong cao nhất bệnh viện. Tất cả bệnh nhân vào ICU sau khi được chữa trị chỉ có hai hướng: lên các tầng trên khi bệnh đã thuyên giảm hoặc đi xuống nhà xác tầng hầm. Trung bình, mười bệnh nhân vào ICU, ba người sẽ theo thang máy xuống dưới.

Quyển sách là tập truyện ngắn được BS Huỳnh viết về những tháng ngày làm việc tại đây, chứng kiến nhiều cái chết, nhiều sự ra đi đầy nuối tiếc. Hãy cùng trải nghiệm những cung bậc của sức chịu đựng, sự đau đớn, lòng vị tha, sự tử tế và tình yêu.

Màu nhạt nắng

“Màu nhạt nắng” là tuyển tập gồm nhiều truyện ngắn kể về tuổi thơ giản dị, mộc mạc của vùng đất nơi mà tác giả đã sinh ra và lớn lên – quê nhà Bạc Liêu. Bằng ngòi bút chân thành, hài hước, câu văn đơn giản súc tích nhưng mang nhiều tình cảm, Bác sĩ Huỳnh đã kể về Bạc Liêu có ấp Cái Dầy, có bầy cá lia thia đồng mỗi chiều đi bắt cùng chúng bạn, có chiếc cần xé bánh mì rao bên lề đường buổi tối.

Bao câu chuyện đầy ắp kỷ niệm trong suốt nhiều năm tháng lớn lên tại Việt Nam hiện lên sinh động trên trang sách chính là hành trang lớn nhất mà Bác sĩ  Huỳnh Wynn Trần mang theo đến Mỹ, để rồi hôm nay khi đã thành công ở một đất nước khác, anh vẫn kể về mảng màu tươi đẹp ấy một cách đầy say mê.

Tạm gác lại những bộn bề cuộc sống, mời bạn đọc theo chân tác giả đi từ quê nhà Bạc Liêu đến California để như thấy cả tuổi thơ của mình hiện lên qua cuốn sách: “Màu nhạt nắng”.

Nguồn tham khảo:

  • Bác sĩ ở Mỹ “mang thế giới” về cho đồng nghiệp Việt Nam (Báo Tuổi trẻ)
  • Người Bạc Liêu thành danh ở Mỹ – Con đường không trải hoa hồng (Báo Bạc Liêu)
  • Trần Huỳnh và Vietmd.net (Báo Tuổi trẻ)

Xem thêm:

Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận được thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký tại Form nhận bản tin và theo dõi tại kênh Youtube

Tải thêm Blog Y khoa

Check Also

Tính chuyên nghiệp trong thực hành Y khoa

Bài viết cung cấp các khái niệm, tầm quan trọng và các biểu hiện ra hành vi của tính chuyê…