![](https://hinhanhykhoa.com/wp-content/uploads/2020/12/nhung-dieu-bac-si-khong-nen-dang-tren-mang-xa-hoi-01-850x491.jpg)
Mạng xã hội đang bùng nổ và phổ biến với tất cả mọi người trong những năm gần đây. Điều này đem đến những cơ hội thú vị với các nhân viên y tế cùng với những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng mạng xã hội. Bài viết về những điều bác sĩ nên tránh đăng lên mạng xã hội thảo luận trong forum.facmedicine.com và được BS Đoàn Nguyễn Trà My lược dịch.
NĂM ĐIỀU BÁC SĨ NÊN TRÁNH ĐĂNG TẢI LÊN MẠNG XÃ HỘI
Nguồn: forum.facmedicine.com
Lược dịch: Đoàn Nguyễn Trà My (HMU English Club, bacsinoitru.vn)
Mạng xã hội đang bùng nổ rộng khắp trong những năm gần đây với 31,24% tổng lưu lượng truy cập các trang web đến từ hạ tầng mạng xã hội. Theo thời báo New York, tháng 4 năm 2015, dẫn đầu các trang mạng xã hội là Facebook với con số ấn tượng 1,44 tỉ người dùng.
Sự phổ biến rộng rãi này đã đem đến cho cán bộ y tế những cơ hội thú vị nhằm cải thiện sự tương tác với bệnh nhân và hồ sơ cá nhân của họ.
Bác sĩ có thể sử dụng mạng xã hội theo các hướng hiệu quả nhất, bao gồm:
- Có mối quan hệ tốt hơn với bệnh nhân. Trả lời các câu hỏi chung, trả lời phản hồi và chia sẻ những kiến thức y học hữu ích.
- Thúc đẩy dịch vụ y tế.
- Tạo dựng hồ sơ cá nhân tốt hơn trong cộng đồng địa phương.
- Phổ biến những thông tin quan trọng về bệnh tật, phương pháp điều trị mới và các kết quả nghiên cứu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhận thức được các nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng mạng xã hội.
Dưới đây là 5 điều bác sĩ nên tránh đăng tải lên mạng xã hội
1. Các thông tin y học KHÔNG chính xác
Khi sử dụng mạng xã hội, người dùng thường nhìn thấy hàng loạt các tiêu đề về y học mỗi ngày. Tuy nhiên những bài báo liên quan lại chứa đầy các thông tin y khoa sai lệch và không chính xác. Do đó, các nhân viên y tế nên tránh việc nhắc lại, chia sẻ, ấn “like” (trên Facebook) hay “retweet” (trên Twtitter) các tin tức về bệnh tật hay phương pháp điều trị,… khi chưa đọc kĩ và kiểm chứng độ tin cậy của các thông tin đó. Nếu ai đó phát hiện các thông tin y học không chính xác trên trang mạng xã hội cá nhân, nó sẽ phản ánh rất xấu về bạn, cũng như trình độ chuyên môn của bạn. Công việc của ngành y phụ thuộc vào sự phân bổ các thông tin chính xác.
Các bác sĩ cần hiểu rằng có hàng triệu người sử dụng Internet để tìm hiểu về tình trạng sức khỏe của họ. Trung tâm nghiên cứu Pew ước tính hơn một phần ba dân số nước Mỹ đã sử dụng Internet để tra cứu các vấn đề sức khỏe mà họ hoặc người thân có thể mắc phải. Do vậy, rất có thể các bệnh nhân hiện tại hay tiềm năng trong tương lai sẽ tìm thấy các thông tin trên trang cá nhân của bạn và họ sẽ đánh giá nội dung cũng như tính chính xác của các thông tin đó.
2. Không đăng tải bất cứ điều gì vi phạm quyền bảo mật của người bệnh
Hội Y khoa Hoa Kỳ (The American College of Physicians) khuyến nghị các bác sĩ nên đặc biệt nhận thức được những ảnh hưởng lên quyền bảo mật của bệnh nhân khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Đã có những trường hợp bác sĩ bị tước bằng hành nghề sau khi đăng tải một bức ảnh vi phạm sự riêng tư của người bệnh lên mạng xã hội. Thậm chí việc đăng một bức hình với các vết ban đỏ trên da cũng được cho là vi phạm quyền bảo mật của bệnh nhân, do đó cần hết sức cẩn thận. Cần luôn luôn có sự đồng ý của bệnh nhân bằng văn bản nếu bạn muốn sử dụng một hình ảnh có bất kì bộ phận nào trên cơ thể họ. Tránh nhắc đến một người bệnh cụ thể trên tất cả các phương tiện xã hội nếu không được sự cho phép. Kể cả khi người bệnh không có khả năng được nhận diện dựa vào những gì bạn viết trên mạng xã hội, nhưng đó là sự không chuyên nghiệp khi thảo luận các thông tin cụ thể về tình trạng của họ.
Hãy cẩn thận khi chụp ảnh trong quá trình làm việc. Đã có những trường hợp bác sĩ vô tình làm hình ảnh bệnh nhân xuất hiện trong bức ảnh “selfie” của mình. Phải chắc chắn rằng không có hồ sơ bệnh án hay hình ảnh của bệnh nhân có mặt trong bức hình của bạn khi chưa được sự đồng ý của họ. Tất cả nhân viên y tế nên nhớ kĩ về quyền bảo mật của bệnh nhân khi sử dụng mạng xã hội.
3. Thông tin cá nhân của bạn
Bạn không nên công khai bất kì thông tin cá nhân nào lên các trang mạng xã hội liên quan đến chuyên môn của mình. Việc đăng tải một bình luận, hình ảnh hay video không chính xác có thể hủy hoại danh tiếng của bạn. Nó cũng là một nguy cơ làm tổn thương mối quan hệ giữa bác sĩ và người bệnh nếu người bệnh biết quá nhiều về đời sống riêng tư của bác sĩ. Chẳng hạn, khi bạn đang nói chuyện với một bệnh nhân đến khám, có bao giờ bạn kể với họ rằng mình đã uống say vào buổi tối hôm trước và cảm thấy rất thoải mái?
Hội Y khoa Hoa Kỳ (The American College of Physicians) và Liên đoàn Y tế Liên bang Hoa Kỳ (the Federation of State Medical Boards) khuyến nghị rằng các bác sĩ nên lập tài khoản mạng xã hội riêng biệt cho chuyên môn và cho cuộc sống cá nhân. 2 tổ chức này cũng cho rằng các trang chuyên môn nên được công khai hơn các trang tin cá nhân.
Các bác sĩ nên đánh giá xem các thông tin đưa lên trang mạng xã hội của mình có phù hợp với nhu cầu của đối tượng khách hàng hay không. Rõ ràng nếu bạn là một bác sĩ đa khoa thì những thông tin về đời sống cá nhân của bạn sẽ khó mang lại lợi ích cho người bệnh. Vì vậy, nên nghĩ đến các loại thông tin mà người bệnh và cộng đồng quan tâm tới. Những nhân viên khác trong hệ thống y tế như nhân viên lễ tân cũng nên cẩn trọng về nguồn dữ liệu trên mạng xã hội của mình.
4. Ý kiến về những vấn đề gây tranh cãi
Khi sử dụng mạng Internet, nhiều người cảm thấy tự do và có thái độ cứng rắn hơn trong việc thể hiện quan điểm cá nhân. Họ tin rằng thế giới ảo không có liên quan đến thực tế. Nhưng đáng tiếc là những gì bạn nói trong thế giới mạng ảo chắc chắn sẽ tác động, ảnh hưởng trở lại đời sống thực tiễn.
Bởi vậy các chủ đề gây tranh cãi hay các chủ đề “nóng” nên được tránh một cách tối đa, bao gồm mọi vấn đề liên quan đến tôn giáo, chính trị, phân biệt chủng tộc, phá thai hay kiểm soát súng đạn.
Bạn có thể phải chứng kiến bệnh nhân rời bỏ mình, bị phản đối bởi chính những bệnh nhân hiện tại, hoặc họ sẽ khuyên ngăn mọi người không tìm đến bạn khi mắc bệnh nếu họ phát hiện ra bạn đứng ở phía hoàn toàn đối lập với họ trong một vấn đề đang gây tranh cãi.
5. Phàn nàn hoặc to tiếng
Sẽ là thiếu chuyên nghiệp nếu bạn sử dụng mạng xã hội để phàn nàn về tình trạng của mình, ngay cả khi bạn đã có một ngày cực kì tồi tệ. Kể cả bạn gặp phải những bệnh nhân khó tính hay cảm thấy tức giận với đồng nghiệp cũng đừng sử dụng mạng xã hội như một cách để giải tỏa. Một ngày nào đó, những gì bạn chia sẻ trên mạng xã hội có thể tác động ngược trở lại, gây ảnh hưởng xấu đến bạn.
Nếu bạn phàn nàn về sếp của mình, lần tới khi bạn chuyển công tác, nhà tuyển dụng có thể tìm thấy những dòng bình luận đó trên mạng. Một bệnh nhân cũng có thể phát hiện ra bạn đang than phiền về họ trên mạng xã hội!
“Hãy nhớ những nguyên tắc vàng khi sử dụng mạng xã hội đối với một bác sĩ – chỉ đăng tải những thông tin mà người bệnh và cộng đồng cảm thấy hữu ích. Hãy thể hiện sự chuyên nghiệp và nhớ rằng các bài viết trên mạng xã hội có những tác động thực tế đến cuộc sống.”
Lược dịch: Đoàn Nguyễn Trà My
HMU English Club
- Lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa
- Gửi các Bác sĩ “Cận lâm sàng” – chia sẻ từ Bác sĩ Phan Trúc
- Hồ sơ xin việc Bác sĩ, Điều dưỡng Bệnh viện công
- Hồ sơ tuyển dụng bao gồm những gì?
Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận được thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký tại Form nhận bản tin và theo dõi tại kênh Youtube