Thông tin từ Bộ Y tế cho biết ngày 07/05/2021 đã ghi nhận trường hợp đầu tiên ở Việt Nam tử vong sau tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19. Chúng tôi tóm lược lại các kết luận từ cơ quan chuyên môn trong trường hợp này và ý kiến của GS Nguyễn Văn Tuấn về “Vaccine AstraZeneca (Vaxzevria) và tử vong” để có thêm cái nhìn đa chiều về vaccine này và những ảnh hưởng của ca tử vong này đối với việc tiêm vaccine phòng COVID trong bối cảnh nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng trên toàn quốc.
Thông tin về ca tử vong sau tiêm vaccine phòng COVID-19
Theo BS Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế An Giang, ngày 7/5 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận một trường hợp tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca.
Người tử vong là nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu.
Trước khi tiêm vắc xin tại điểm tiêm ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu sáng 6/5, nữ nhân viên y tế này đã được khám sàng lọc và giải thích về các phản ứng sau tiêm. Sau khi tiêm, Bệnh nhân có phản ứng sốc và đã được Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu xử lý theo đúng phác đồ. Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu đã kết nối hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang và Bệnh viện Chợ Rẫy để kịp thời được tư vấn xử lý.
Ngay sau đó bệnh nhân được chuyển về tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cử các chuyên gia hồi sức tích cực đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang để hỗ trợ cấp cứu.
Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong ngày 7/5/2021.
Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn với non steroid (NSAIDs).
Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Như vậy kết luận chuyên môn của các chuyên gia y tế trong trường hợp này là: Sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn với non steroid (NSAIDs).
Ở Việt Nam đây là trường hợp đầu tiên tử vong liên quan đến việc tiêm vaccine phòng COVID-19, nguyên nhân do sốc phản vệ với non steroid. Tuy nhiên, trên thế giới đã có những báo cáo về các nguy cơ khác mà nghiêm trọng là nguy cơ đông máu ở một người tiêm vaccine AstraZeneca (Vaxzevria) dẫn đến tử vong ở Úc.
Thông tin về ca tử vong và gây đông máu này gây hoang mang cho nhiều người sắp được tiêm vaccine phòng COVID-19. Chúng tôi đăng bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn về nguy cơ đông máu, lợi và hại của tiêm vaccine AstraZeneca để chúng ta có cái nhìn khách quan.
Vaccine AstraZeneca (Vaxzevria) và tử vong
Hôm nay báo chí Úc đưa tin về một người phụ nữ được tiêm Vaxzevria và bị chứng đông máu (blood clot) sau đó. Ca này theo sau ca hôm qua cũng bị đông máu sau khi tiêm vaccine, nhưng đã qua đời. Thông tin về đông máu này gây hoang mang cho nhiều người sắp được tiêm vaccine phòng ngừa virus Vũ Hán. Cái note này sẽ phân tích nguy cơ đông máu, lợi và hại của tiêm vaccine để chúng ta có cái nhìn khách quan.
1. Mối liên hệ nhân quả?
Khi một biến cố xảy ra sau một can thiệp, chúng ta thường hay nghĩ do can thiệp, nhưng một cách khách quan thì không thể nói can thiệp là nguyên nhân của biến cố. Chẳng hạn như khi tôi về VN và ăn cháo lòng, rồi sau đó bị nhức đầu (ví dụ), tôi không thể nói cháo lòng là thủ phạm làm tôi nhức đầu. Cháo lòng diễn ra trước biến cố nhức đầu là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để kết luận nó là nguyên nhân.
Tương tự, khi người phụ nữ được tiêm Vaxzevria, rồi vài ngày sau đó bị hội chứng đông máu và qua đời, các giới chức y tế chưa thể nói Vaxzevria là nguyên nhân. Các bạn sẽ hỏi: nhưng hiện nay thì đã có 2 ca bị đông máu mà vẫn chưa kết luận được sao? Đúng, chưa kết luận được, vì có thể chỉ là tình cờ. Bởi vì chỉ có 2 ca trong số hơn 1.3 triệu liều vaccine đã tiêm, và chưa rõ bệnh lí của nạn nhân thì rất khó nói vaccine là nguyên nhân. Thành ra, các giới chức y tế chỉ dám nói là ‘có thể có liên quan’.
Để biết vaccine AZ là nguyên nhân hay không, các giới chức y tế phải phân tích nhiều dữ liệu về lâm sàng, bệnh lí, tiền sử gia đình, v.v. Người ta chết vì nhiều nguyên nhân, và mối tương tác giữa các nguyên nhân; nên nếu chỉ đơn giản xem xét hồ sơ thì vẫn chưa đủ chứng cớ khoa học để xác định một nguyên nhân. Hiện nay, chúng ta chỉ biết rằng người phụ nữ này là người trong ngành y, 48 tuổi, có bệnh tiểu đường. Và, bệnh tiểu đường tăng nguy cơ bị chứng đông máu.
2. Nguy cơ đông máu cao hay thấp?
Câu hỏi quan trọng cần đặt ra là nguy cơ (xác suất) mắc chứng đông máu sau khi tiêm vaccine là cao hay thấp? Số liệu của Úc (chỉ 2 ca) chưa đủ để trả lời câu hỏi này. Chúng ta phải xem xét dữ liệu của các nước ngoài Úc, những nơi mà số ca nhiều hơn, sẽ cung cấp một câu trả lời khả dĩ.
Ở Anh, tính đến cuối tháng 3/2021, có 79 bệnh nhân báo cáo chứng đông máu sau 20 triệu liều vaccine AstraZeneca. Các chuyên gia y tế Anh tính toàn rằng xác suất bị đông máu là 1 trên 250,000 người.
Ở Âu châu, tính đến ngày 4/4/2021, có 169 ca bị đông máu, sau khi hơn 30 triệu người ở Âu châu được tiêm vaccine. Cục Dược Phẩm (European Medicines Agency – EMA) ước tính rằng xác suất bị đông máu là 1 trên 100,000 người được tiêm Vaxzevria [1]. EMA cũng nói rằng có thể vaccine là nguyên nhân của chứng đông máu.
Xác suất đó (1 trên 100,000) cao hay thấp?
Chúng ta cần phải so sánh những xác suất đó với nguy cơ bị đông máu trong cộng đồng (không tiêm vaccine). Theo như một bài tổng quan trên Sem Hematol (2007) [2] thì tỉ lệ phát sinh của chứng đông máu là 1 trên 1000 người mỗi năm. Nhưng nghiên cứu khác thì cho thấy tỉ lệ đông máu trong cộng đồng hàng năm là khoảng 1 trên 2000 [3], hay 50 trên 100,000 người.
Như vậy, xác suất bị đông máu sau vaccine (1/100,000) chỉ bằng 2% xác suất trong cộng đồng. Nói cách khác cho dễ hiểu: xác suất bị đông máu sau vaccine thấp hơn xác suất đông máu trong cộng đồng 98%.
Cần nói thêm rằng bị nhiễm virus Vũ Hán cũng có thể làm tăng nguy cơ đông máu. Thật vậy, một bài trên Thromosis Research (https://doi.org/10.1016/j.thromres.2020.06.008) cho biết tỉ lệ bệnh nhân nhiễm Covid-19 bị đông máu dao động từ 5 đến 42%. Rất nhiều báo chí không hề đề cập đến thông tin này.
3. Vaccine: lợi và hại
Bất cứ can thiệp nào (thuốc, vaccine, phẫu thuật, hành vi) đều có lợi và hại. Ở trên, chúng ta chỉ bàn về tác hại của vaccine liên quan đến chứng đông máu, nhưng chưa bàn đến những lợi ích của vaccine.
Hiệu quả và cũng là lợi ích lớn nhứt của vaccine là giảm nguy cơ nhập viện và giảm nguy cơ tử vong. Cần nói thêm rằng vaccine có thể không ngăn ngừa nhiễm virus Vũ Hán, cũng chẳng ngăn chận lây nhiễm cho người khác. Lợi ích của nó là giúp chúng ta sống sót nếu bị nhiễm virus Vũ Hán.
Nếu không tiêm vaccine và nếu bị nhiễm virus Vũ Hán thì xác suất nhập viện là bao nhiêu? Trước đây, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 20% ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện (tức 80% hồi phục mà không cần điều trị) [4]. Khi đã nhập viện thì nguy cơ tử vong là bao nhiêu? Cũng đã có nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ tử vong trong bệnh viện dao động từ 5 đến 25% (hay thậm chí cao hơn ở vài nơi) [5-6]. Chúng ta hãy lấy số trung bình là 10% bệnh nhân nhập viện sẽ tử vong nếu không tiêm vaccine.
Còn nếu tiêm vaccine thì nguy cơ nhập viện sau khi bị nhiễm virus là bao nhiêu? Không ai biết. Nhưng chúng ta có thể suy luận từ nghiên cứu về hiệu quả của vaccine [7]. Hiệu quả của đa số vaccine là từ 90% đến 95% (Vaxzevria), và chúng ta có thể suy đoán rằng nếu bị nhiễm và được tiêm vaccine thì nguy cơ nhập viện giảm chừng 94%.
Do đó, chúng ta có thể so sánh như sau cho dễ hiểu:
- Nhóm không tiêm vaccine: cứ 100,000 người bị nhiễm virus, có 20,000 người nhập viện, và trong số này sẽ có 2,000 người chết (với giả định tỉ lệ tử vong trung bình là 10%). Và, 50 người bị chứng đông máu.
- Nhóm tiêm vaccine: cứ 100,000 người bị nhiễm virus, có 1,200 người nhập viện, và trong số này sẽ có 120 người chết. Và, 1 người bị chứng đông máu.
Có người so sánh nguy cơ đông máu ở người dùng thuốc ngừa thai là 1/1000 phụ nữ, tức cao gấp 100 lần so với nguy cơ ở người được tiêm vaccine.
Như vậy tiêm vaccine sẽ cứu sống 1,880 người (lợi ích) trên 100,000 người bị nhiễm. Tiêm vaccine cũng có thể giảm, chớ không tăng, nguy cơ đông máu ở bệnh nhân Covid-19 [8]. Nhìn như thế chúng ta sẽ thấy tiêm vaccine có lợi nhiều hơn hại. Đó chính là lí do mà chánh phủ nên tiếp tục chương trình tiêm vaccine ở qui mô cộng đồng, vì mục tiêu sau cùng là giảm tử vong và cứu người.
______
[1] https://www.theguardian.com/theobserver/commentisfree/2021/apr/11/how-big-are-the-blood-clot-risks-of-the-az-jab[2] https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S003719630700025X?via%3Dihub
[3] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12525804
[4] https://www.who.int/indonesia/news/detail/08-03-2020-knowing-the-risk-for-covid-19
[5] https://bmcinfectdis.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12879-020-05605-3
[6] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7920817
[7] https://7news.com.au/lifestyle/health-wellbeing/covid-vaccine-astra-zeneca-could-reduce-risk-of-hospital-admission-by-94-per-cent-c-2217822
[8] Cụ thể hơn, một nghiên cứu trên hơn 500,000 người bị nhiễm virus Vũ Hán, các tác giả ước tính rằng xác suất bị đông máu là 3.9 trên 100,000 người. Ref: Taquet et al. Cerebral venous thrombosis: a retrospective cohort study of 513,284 confirmed COVID-19 cases and a comparison with 489,871 people receiving a COVID-19 mRNA vaccine. Preprint https://osf.io/a9jdq
Kết luận
Với kết luận của chuyên gia y tế trong trường hợp tử vong sau tiêm vaccin phòng COVID-19 và những phân tích của GS Nguyễn Văn Tuấn, chúng ta có thể bớt hoang mang trong việc tiêm phòng COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng trên toàn quốc.
Sàng lọc nguy cơ đông máu trước khi tiêm, sàng lọc những người có tiền sử dị ứng để có kế hoạch theo dõi sát sao sau tiêm có thể là những biện pháp góp phần giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất.
Tiêm vaccine có lợi nhiều hơn hại, nên tiếp tục chương trình tiêm vaccine ở quy mô cộng đồng, vì mục tiêu sau cùng là giảm lây nhiễm, giảm tử vong.
Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận được thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký tại Form nhận bản tin và theo dõi tại kênh Youtube