Bài viết được biên tập từ sách X quang cắt lớp điện toán: chẩn đoán phân biệt (Differential Diagnosis in Computed Tomography), dịch bởi BS Phí Ích Nghị.
Sách trình bày theo từng cơ quan (sọ não, đầu cổ, ngực, bụng chậu…), đi từ các hình ảnh bình thường đến các biến thể và các dấu hiệu bất thường. Sách được chú giải hết sức đầy đủ kèm rất nhiều hình ảnh minh họa cho mỗi dấu hiệu. Nội dung và định dạng sách song ngữ nên rất phù hợp để học, tham khảo tiếng Anh và đối chiếu.
Sách gốc Tiếng Anh phiên bản đầu tiên năm 1996 và được dịch sang Tiếng Việt phát hành vào năm 1998, đến nay vẫn còn nguyên giá trị nhưng không còn tái bản.
Từ viết tắt: XQCLĐT = X quang cắt lớp điện toán (Cắt lớp vi tính, CT); CHT = Cộng hưởng từ (MRI); DNT = Dịch não tủy
CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT TRÊN CẮT LỚP VI TÍNH
TỔN THƯƠNG XƯƠNG KHU TRÚ
Đại cương
Hầu hết các tổn thương xương đều được đánh giá trước tiên bằng X quang quy ước, tuy độ nhạy cảm trung bình nhưng chuyên biệt cao. XQCLĐT không thể thay thế X quang quy ước trong việc chẩn đoán một tổn thương xương khu trú nhưng nó có ưu điểm hơn trong việc đánh giá độ xâm lấn vào mô mềm và xương lân cận.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, XQCLĐT cho chẩn đoán xác định đặc hiệu. Nhờ độ phân giải tương phản cao, XQCLĐT cho phép phân biệt tổn thương nang và xơ và cho thấy rõ thành phần mỡ trong tổn thương (như u mỡ trong xương, H. 12.1).
Thấy được nhân sáng bên trong một vùng xơ cứng xương gợi ý nhiều tới u xương dạng xương (H. 12.2), nhưng cũng có thể là áp xe vỏ. Một hình thấu quang dạng thẳng chạy thẳng góc với vỏ kèm dày xương khu trú gợi ý tới gãy xương mỏi. Khí trong xương thấy trong hoại tử xương, nhiễm trùng tạo khí (H. 12.3) và đôi khi là những nang khí (H. 12.4).
Mức dịch trong xương rất thường đi kèm với nang xương đơn giản hoặc nang xương phình mạch, nhưng cũng có thể gặp trong u nguyên bào sụn và u tế bào khổng lồ, trong khi mức dịch-mỡ là dấu hiệu của viêm xương tủy.
H. 12.1. U mỡ trong xương. Một tổn thương xơ cứng chứa mỡ nằm ngay gần đường liên mấu chuyển của đầu trên xương đùi trái. Một tổn thương tương tự không chứa mỡ là đặc trưng của loạn sản xơ.
H. 12.2. U xương dạng xương. Một nhân sáng thấu quang kèm xơ cứng xương xung quanh (mũi tên) là tính chất đặc trưng của u xương dạng xương.
H. 12.3. Viêm xương tủy tạo khí. Tích tụ khí trong xương ở đầu gần của xương đùi. Lưu ý thêm khí tụ trong cả mô mềm.
H. 12.4. Nang khí. Khí trong một nang dưới sụn (mũi tên) thường gặp trong bệnh thoái hóa khớp chậu-thiêng với hiện tượng chân không, cả hai cùng hiện diện trong trường hợp này.
Dễ dàng nhận ra xương mục (H. 12.5) trên XQCLĐT dưới dạng một ổ xương đậm đặc và là đấu hiệu của viêm xương tủy mãn tính, nhưng cũng có thể gặp trong u như sarcoma xơ. Một nhân u xương dạng xương bị vôi hóa bán phần cũng có thể cho hình ảnh giống xương mục. Trường hợp gãy xương đang lành, đôi khi khó phân biệt những mảnh xương rời hoại tử với xương mục của viêm xương tủy mãn gây biến chứng gãy.
Một ổ đậm đặc bên trong một tổn thương hủy xương ở vòm sọ được gọi là xương mục dạng nút (H. 12.6). Gặp xương mục dạng nút trong u hạt chứa eosin, di căn (nhất là từ ung thư vú), u dạng biểu bì, viêm xương tủy (kể cả lao và giang mai), hoại tử do tia xạ, những vạt xương đã trải qua hoại tử vô trùng.
Bảng 12.1 trình bày chẩn đoán phân biệt của các tổn thương xương khu trú.
H. 12.5. Viêm xương tủy với xương mục. Một tổn thương bị hủy xương kèm mảnh xương mục (mũi tên) nằm ở vòm khẩu cứng.
H. 12.6. U hạt ức eocin kèm xương mục đốm. Mảnh xương mục dạng nút (mũi tên) nằm trong một tổn thương hủy xương lớn ở vòm sọ.
Chẩn đoán phân biệt các tổn thương xương khu trú trên cắt lớp vi tính
Nang dưới sụn (H. 12.7)
Dấu hiệu XQCTĐT:
– Hình khuyết hủy xương đơn độc hoặc lượng nhiều có đường kính lên tới 3cm với đường bờ xơ cứng. Thường nhận ra được thông thương với khớp kế cận.
Chú giải:
– Đi kèm viêm xương khớp (nguyên phát hoặc sau chấn thương), viêm khớp dạng thấp, hoại tử vô trùng và giả gút.
H. 12.7. Nang dưới sụn. Nang dưới sụn với xơ cứng xung quanh nằm ở chỏm ổ cối háng phải trong bệnh viêm xương khớp tiến triển.
Hạch trong xương (H. 12.8, 12.9)
Dấu hiệu XQCTĐT:
– Tổn thương hủy xương ở đầu xương, giới hạn rõ, nhiều hoặc một múi, thường có bờ xơ cứng. Nó thường kết hợp với một cấu trúc khác ngoài xương có mật độ gần như nước hoặc mô mềm (hạch mô mềm).
– Những vị trí thường xảy ra là mắt cá trong, đầu xương đùi, ổ cối, xương cổ tay. Một điểm đặc trưng là tổn thương không thông thương với khớp.
Chú giải:
– Hốc thoát vị (H. 12.10) là một hình khuyết thấu quang giới hạn rõ có kích thước thường dưới 1cm với bờ xơ cứng nằm ở mé trên ngoài của cổ xương đùi, tạo nên bởi màng hoạt dịch thoát vị.
H. 12.8. Hạch trong xương. Tổn thương dạng nang ở xương thuyền
H. 12.9. Hạch trong xương. Một tổn thương tròn với bờ mỏng xơ cứng nằm ở xương thiêng. Xác định chẩn đoán bằng sinh thiết qua da dưới hướng dẫn của XQCLĐT.
H. 12.10. Hốc thoát vị. Một hình khuyết nhỏ ở mé trên ngoài đầu xương đùi.
Nang xương đơn giản (H. 12.11)
Dấu hiệu XQCTĐT:
– Tổn thương hủy xương làm mỏng vỏ, vị trí trung tâm, bành trướng nhẹ, mật độ trung tâm gần như nước. Thường nằm ở đầu thân xương của xương ống dài (nhất là xương cánh tay và xương đùi). Hiếm, có thể có khí (nang khí) hoặc mực khí-dịch.
Chú giải:
– Thường được chẩn đoán trước tuổi 20. Sau tuổi trên, nang xương có khuynh hướng xuất hiện ở xương gót và xương vô danh.
– Nhiễm Echinococcus, trong 1% gây ra tổn thương nang có thớ đơn độc hoặc lượng nhiều. hinhanhykhoa.com
H. 12.11. Nang xương đơn giản. Tổn thương bành trướng nhẹ gây hủy xương có mật độ nước nằm ở xương gót.
Nang xương phình mạch (H. 12.12, 12.13)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương hủy xương, có vỏ bao mỏng, vị trí lệch tâm có thể kèm một thành phần mô mềm ngoài xương, nằm ở đầu thân xương của xương ống. Nơi màng xương bị tổn thương đội lên có hiện tượng xơ cứng. Thớ mảnh và mực dịch-dịch có thể gặp.
– Những vị trí thường gặp khác là thành phần sau của đốt sống và xương vô danh, tại đó một thành phần mô mềm ngoài xương có thể tương tự như tổn thương ác tính.
Chú giải:
– Tổn thương nguyên phát xảy ra dưới 40 tuổi, hơi thiên về nữ giới. Chúng có thẻ phát sinh từ tổn thương xương có sẵn như u tế bào khổng lồ, u nguyên cốt bào, u nguyên bào sụn, saccom xương, giãn mao mạch, di căn, loạn sản xơ và bệnh Paget.
H. 12.12. Nang xương phình mạch. Tổn thương bành trướng gây hủy xương với những thớ mảnh và vỏ bao mỏng nằm ở xương chậu.
H. 12.13. Nang xương phình mạch trong bệnh Paget. Một tổn thương dạng nang (mũi tên) phát sinh từ thân xương đùi, vỏ xương dầy lên do bệnh Paget.
Nang dạng biểu bì (H. 12.14, 12.15)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương trong xương dưới dạng tổn thương hủy xương có bờ xơ cứng xảy ra ở đốt ngón xa của bàn tay và ở vòm sọ. Tổn thương bành trướng làm mỏng hoặc hủy vỏ xương. Thành phần trong nang là chất sáp dày giàu cholesterol có mật độ từ 5 đến 20 HU.
Chú giải:
– Thường gặp trong độ tuổi 20 – 40 có tiền sử chấn thương chứng tỏ mô ngoại bì ghép trong xương. Nang được lót bởi một lớp biểu bì gai xếp thành tầng, tróc keratin rồi phân hủy thành cholesterol.
H. 12.14. Nang dạng biểu bì. Một tổn thương vòm sọ, hủy xương không đều đi kèm với một thành phần mô mềm mật độ thấp. a cửa sổ mô mềm; b cửa sổ xương.
H. 12.15. Dạng biểu bì. Tổn thương bành trướng, hủy xương không đều ảnh hưởng vòm khẩu cứng và phần trước đáy xoang hàm bên phải (mũi tên).
U cuộn mạch (H. 12.16)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương hủy xương bắt chất cản quang rõ, xảy ra ở các đốt ngón xa của bàn tay và xương thái dương.
Chú giải:
– Trên hình X quang quy ước, không phân biệt được với nang ngầm dạng biểu bì.
H. 12.16. U cuộn mạch. Tổn thương lớn hủy xương ở xương đá (mũi tên).
U mỡ (H. 12.17)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương hủy xương giới hạn rõ, thường có bờ xơ cứng. Có thể chứa một nhân vôi hóa trung tâm (nhất là ở xương gót). Chẩn đoán nhờ mật độ thấp của mỡ.
Chú giải:
– Thoái hóa mỡ sau nhồi máu và tổn thương chứa mô bào với các xoang bào mỡ cũng cho mật độ HU âm tính. Saccom mỡ hiếm thấy ở xương.
H. 12.17. U mỡ. Tổn thương xơ cứng ngay gần đường liên mấu chuyển, chứa mỡ và đóng vôi nhỏ trung tâm rất đặc trưng.
U mạch (H. 12.18)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Cột sống: các bè thẳng đứng, thô (“sọc vải nhung”). Các bè dầy đều nhau. (PB: đa u tủy, di căn, bệnh Paget). Hiếm lan ra thành phần sau của đốt sống, mô mềm cận cột sống và ống sống.
– Hộp sọ: tổn thương bành trướng nhẹ gây hủy xương có dạng “tia mặt trời” hoặc mắt cáo.
Chú giải:
– Thường gặp ở bệnh nhân trên 40 tuổi, hơi thiên về nữ giới. Đôi khi, lymphom không Hodgkin (nhất là loại mô bào) và di căn (nhất là ung thư vú) có thể cho hình ảnh giống như u mạch.
– Bệnh u mạch dạng nang (H. 12.19): Tổn thương dạng nang đều khắp và thường kèm ảnh hưởng nội tạng.
H. 12.18. U mạch. Điểm đặc trưng là các bè xương thẳng đứng có độ dày đều nhau bên trong thân đốt sống
H. 12.19. Bệnh u mạch dạng nang. Nhiều tổn thương hủy xương giới hạn rõ có kích thước thay đổi kèm bờ xơ cứng hoặc không ở xương chậu và xương thiêng.
U xương sụn (H. 12.20)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Lồi xương phát sinh từ mặt ngoài của xương và chứa xương xốp lẫn vỏ xương nối tiếp với vỏ xương chính. U xương sụn thường xảy ra ở đầu thân xương và phát triển theo hướng xa dần khớp. Ngoại vi của tổn thương được phủ bằng một mũ sụn hyalin. Một mũ sụn dầy trên 1 cm và vôi hóa vô tổ chức gợi ý biến đổi ác tính.
Chú giải:
– Biểu hiện dưới dạng một khối không đau ở trẻ em và thiếu niên. U xương sụn ngưng tăng trưởng khi sụn tiếp hợp đã kết dính.
– Hiếm, u xương sụn có thể phát triển ở người lớn sau chấn thương hoặc vết thương.
– Đa lồi xương di truyền (H. 12.21) với nhiều u xương sụn ở bộ xương thân và các xương ống dài.
H. 12.20. U xương sụn. Một u xương sụn lớn có cuống phát sinh từ một thân đốt sống cổ. Không thấy mũ sụn chứng tỏ tổn thương lành tính.
H. 12.21. Đa lồi xương di truyền. Đầu gần của xương chày và xương mác hai bên bị biến dạng kèm nhiều u xương sụn.
U nội sụn (H. 12.22)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương giới hạn rõ với mấp mô màng trong tủy tạo bởi sụn loại hyalin và đóng vôi mức độ khác nhau. Vị trí thường gặp là đầu thân xương của xương ống dài và thân xương của xương ngắn bàn tay và bàn chân. Ở xương ống dài, tổn thương lớn với chất tủy không vôi hóa gợi ý khả năng biến đổi ác tính hoặc saccom sụn độ thấp.
Chú giải:
– Thường được phát hiện trong độ tuổi 30 – 50 một cách tình cờ hoặc sưng không đau. Hiện diện đau khiến nghĩ tới biến đổi ác tính.
– Bệnh u nội sụng (bệnh Ollier) gồm nhiều u nội sụn phân không đối xứng và không làm biến dạng xương ống hoặc xương chậu.
H. 12.22. U nội sụn. Một tổn thương với những đóng vôi không đều ở đầu xa xương đùi.
U sụn màng xương
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Khối mô mềm vôi hóa làm mòn vỏ xương lân cận và phản ứng màng xương với mức độ thay đổi. Đầu thân xương của xương dài và bàn tay thường bị ảnh hưởng nhất.
Chú giải:
– Ở mọi tuổi, thường được chẩn đoán sớm dưới 30 tuổi. Hơi thiên về nam giới.
U nguyên bào sụn (H. 12.23)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương hủy xương giới hạn rõ ở đầu xương kèm bờ xơ cứng và đóng vôi bên trong hoặc không. Phản ứng màng xương cứng với đầu thân và thân xương phì đại có thể xảy ra do phù tủy xương lân cận tổn thương.
Chú giải:
– Tổn thương sụn lành tính không thường gặp xảy ra trong độ tuổi 2 – 5, thiên nhẹ về nam giới.
H. 12.23. U nguyên bào sụn. Tổn thương hủy xương không đều ở đầu xương cánh tay. Một vài đốm vôi dạng chấm hiện diện bên trong tổn thương nhưng khó nhận ra với cửa sổ hiển thị trên.
U xơ sụn nhầy
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương đầu thân xương vị trí lệch tâm, với bành trướng vùng vỏ, các bè thô, phình màng trong tủy và xơ cứng. Ở tổn thương lớn, hình khuyết vỏ (“vết cắn”) không có phản ứng màng xương được coi là rất đặc trưng.
Chú giải:
– Chẩn đoán trong khoảng 20 – 40 tuổi, ảnh hưởng chính ở đầu thân xương của xương ống dài.
U xơ màng xương
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Hình khuyết dạng đĩa ở mé sau trong vỏ thân xương đùi phần xa, thường kết hợp xơ cứng lân cận, viêm màng xương và sưng mô mềm.
Chú giải:
– Xảy ra trong khoảng tuổi 15 – 20. Được coi là di chứng của chấn thương tại nơi bám của cơ áp đùi lớn.
U xơ không tạo cốt
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương đầu thân xương vị trí lệch tâm, hủy xương với bờ xơ cứng hoặc không, ảnh hưởng chủ yếu xương dài. Tổn thương lớn có dạng kéo dài và đa thùy. Mỏng vỏ xương, phình nhẹ. Theo thời gian, tổn thương có thể tự nhiên biến mất hoặc trở nên xơ cứng.
Chú giải:
– Thường là phát hiện tình cờ ở bệnh nhân dưới 20 tuổi. Tổn thương nhỏ còn mang tên khuyết vỏ dạng xơ lành tính.
– U mô bào xơ (u xơ hạt vàng) về mô học tương tự nhu u xơ không cốt hóa nhưng xảy ra ở bệnh nhân trên 20 tuổi và không có vị trí đặc biệt nào.
U xơ tạo sợi dính
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Vị trí trung tâm, có thớ (dạng tổ ong) hủy xương, ở đầu thân xương của xương dài, xương hàm dưới và xương chậu. Bành trướng nhẹ làm mòn màng trong tủy, phản ứng màng xương hạn chế.
Chú giải:
– Tân sinh lành tính hiếm thấy, xảy ra trong khoảng tuổi 20 – 40.
Đảo xương (lồi trong xương) (H. 12.24)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Một hoặc nhiều ở xương đậm đặc đồng nhất bên trong xương thường gặp ở xương chậu và cột sống. Gai tua từ ngoại vi tổn thương rất đặc trưng. Kích thước thay đổi từ vài mm đến vài cm.
Chú giải:
– Sau nhiều năm, tổn thương có thể lớn chậm hoặc giảm kích thước. Nhấp nháy đồ xương âm tính (PB: di căn nguyên cốt bào).
– Bệnh xương đặc đốm (H. 12.25): nhiều ổ xơ cứng nhỏ phân bố rải rác quanh khớp.
H. 12.24. Đảo xương (lồi trong xương). Ổ xơ cứng xương lớn bên trong xương chậu bên phải.
H. 12.25. Bệnh xương đặc đốm. Nhiều ổ xơ cứng nhỏ phân bố đối xứng trong cả hai đầu xương đùi.
U xương (H. 12.26)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Khối xương đặc đồng nhất hoặc xương xốp kém đặc hơn lồi từ vòm sọ hoặc xương mặt (nhất là các xoang mặt).
Chú giải:
– Hội chứng Gardner: đa u xương, đa polyp đại tràng, u mô mềm.
H. 12.26. U xương. Một khối xương lồi ra từ vòm sọ.
U xương dạng xương (H. 12.27)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Trong vỏ xương dài, hiện diện một nhân thấu quang có đường kính dưới 1 cm (thường đóng vôi trung tâm) bao quanh là một vùng xương xơ cứng đồng nhất. Sau tiêm, nhân bắt chất cản quang.
– Với vị trí trong khớp, có thể thấy một ổ sáng không rõ ràng dẫn tới phản ứng viêm màng hoạt dịch và gây hậu quả biến đổi khớp thứ phát.
– Ở xương cổ tay và cổ chân, đó là một tổn thương vôi hóa bán phần hoặc toàn phần không có phản ứng xơ cứng.
– Ở cột sống, một ổ xơ cứng xương trong thành phần sau của đốt sống là thường gặp nhất.
Chú giải:
– Xảy ra trong khoảng tuổi 7 – 25 tuổi, nam giới 3:1. Đau là dấu hiệu nổi bật, thường tăng nhiều về đêm và aspirin có hiệu quả. Nhấp nháy đồ xương cho thấy một vùng hấp thu mạnh bất thường ở trung tâm tổn thương (nhân).
H. 12.27. U xương dạng xương. Một nhân thấu quang với xương xơ cứng bao quanh, nằm ở ổ chảo xương bả vai rất đặc trưng (mũi tên).
U nguyên cốt bào (H. 12.28, 12.29)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Xương dài và cột sống là những vị trí thường gặp nhất. Ở xương dài, tổn thương thường phát sinh ở vỏ hoặc tủy của thân xương và biểu hiện như một tổn thương bành trướng gây hủy xương kèm những vùng vôi hóa, tạo cốt, xơ cứng xương và phản ứng màng xương mạnh.
– Ở cột sống, một tổn thương bành trướng hủy xương giới hạn rõ, đóng vôi một phần hoặc lan rộng, và phát sinh từ những thành phần sau.
Chú giải:
– Thường gặp trong độ tuổi 20 – 40, hơi thiên về nam giới 2:1.
– U nguyên cốt bào xâm lấn (ác tính) có tính chất tương tự với loại thông thường, nhưng ảnh hưởng mô mềm hầu như không thay đổi và khó phân biệt với saccom xương.
H. 12.28. U nguyên cốt bào. Một tổn thương bành trướng kèm những vùng vôi hóa, nằm trong thân xương hàm dưới.
H. 12.29. U nguyên cốt bào. Tổn thương có bờ dầy xơ cứng không đều và nhiều vùng tròn nhỏ tạo cốt ở trung tâm. Tổn thương thuộc mấu chủy của xương hàm dưới.
U tế bào khổng lồ (H. 12.30)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Ở xương dài (85%), chúng biểu hiện dưới dạng tổn thương bành trướng, hủy xương, vị trí lệch tâm, với dạng thớ có tên “bọt xà phòng”, trải từ đầu thân xương đến xương dưới sụn. Bờ tổn thương rõ hoặc không và không có phản ứng màng xương. Làm vỡ vỏ xương lan vào mô mềm lân cận. Có thể thấy mức dịch trong tổn thương. Thỉnh thoảng, gặp u ở xương chậu, xương thiêng, xương sườn, bàn tay và bàn chân.
Chú giải:
– Thường xảy ra trong khoảng 30 – 40 tuổi, không thiên phái nào. U tái phát trong 50% và u tế bào khổng lồ ác tính (kể cả biến đổi thành ác tính từ u tế bào khổng lồ lành tính) chiếm khoảng 5%.
– U hạt chuyển thành tế bào khổng lồ có tính chất tương tự nhưng diễn tiến lâm sàng lành tính hơn và xảy ra chủ yếu ở xương mặt, bàn tay và bàn chân.
H. 12.30. U tế bào khổng lồ. a) trước điều trị; b) 2 năm sau khi điều trị bằng nạo và chèm xương; c) tái phát. (a) cho thấy tổn thương hủy xương lệch tâm ở đầu xương đùi. (b) cho thấy ổ xơ cứng không có hình sáng do tổn thương đã được sửa chữa. (c) u tái phát với sự xuất hiện những ổ thấu quang do hủy xương mới bên trong tổn thương đã chữa.
U nguyên sống (H. 12.31)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương bành trướng hủy xương, khối mô mềm lớn và đóng vôi trong u chiếm 50%. Phát sinh từ xương thiêng và xương cụt (60%), phần nền xương chẩm (30%) và cột sống nhất là C2 (10%). Ở xương thiêng, đặc tính của u là phát triển ra trước và có thể chứa những vùng dạng nang.
Chú giải:
– U nguyên sống thiêng-cụt xảy ra ở bệnh nhân 40 – 60 tuổi, chủ yếu nam giới trong khi u nguyên sống vùng bướm-chẩm thường được chẩn đoán ở bệnh nhân 20 – 40 tuổi, không thiên về giới nào. Di căn theo đường máu có thể phát triển trong 1/3 các trường hợp.
H. 12.31. U nguyên sống. Tổn thương lớn hủy xương ở xương thiêng với đóng vôi mờ trong u và một khối mô mềm phát triển về phía trước
U men răng
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Một hoặc nhiều tổn thương hủy xương, trung tâm hoặc lệch tâm, đa thùy, bành trướng nhẹ, giới hạn rõ hoặc không kèm xơ cứng phản ứng hoặc không, ở thân xương chày hoặc hiếm hơn có thể ở các xương dài khác.
Chú giải:
– 20 – 60 tuổi, nam giới. Thường có bệnh sử chấn thương. Sưng tại chỗ là dấu hiệu lâm sàng chính.
U nguyên bào tạo men (H. 12.32)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương có thớ, một hoặc đa thùy, bành trước vỏ hoặc hủy, đôi khi kèm khối mô mềm lớn ở xương hàm dưới hoặc ít hơn có thể ở xương hàm trên.
Chú giải:
– 40 – 60 tuổi, không thiên về giới nào.
H. 12.32. U nguyên bào tạo men. Tổn thương hủy xương đơn thùy kèm bành trướng vỏ ở xương hàm dưới.
Saccom xơ (H. 12.33)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Ổ hủy xương dạng bản đồ hoặc mối ăn, không có phản ứng màng xương hoặc xơ cứng. Có thể thấy hủy vỏ xương và khối mô mềm. Đôi khi, tổn thương chứa những mảnh xương mục hoặc đóng vôi loạn dưỡng.
Chú giải:
– U xương ác tính hiếm xảy ra trong độ tuổi 30 – 70. Không thiên về giới nào. Có thể làm phức tạp bệnh Paget, nhồi máu xương, hoại tử do tia xạ và viêm xương tủy mãn. Bài viết copy từ hinhanhykhoa.com
H. 12.33. Saccom xơ. Tổn thương hủy xương với vỡ vỏ xương và tạo khối mô mềm ở cánh chậu bên phải.
U mô bào dạng xơ ác (H. 12.34)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương hủy xương dạng mối ăn, hủy vỏ xương, khối mô mềm lớn, không có phản ứng màng xương. Thường xảy ra ở xương dài, dù có thể ảnh hưởng bất cứ xương nào.
Chú giải:
– Xảy ra ở mọi tuổi, nhưng đa số trong khoảng 50 – 80 tuổi, thiên về nam giới. Có thể kèm bệnh Paget, xạ trị và nhồi máu xương.
H. 12.34. U mô bào dạng xơ ác tính. Tổn thương hủy xương phá hủy cả vỏ xương ở xương bả vai.
Saccom sụn trung tâm (H. 12.35, 12.36)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương hủy xương, thon dài, bành trướng nhẹ, đa thùy, đóng vôi không đều rải rác. Dầy vỏ xương và mòn màng trong tủy thường đi kèm, trong khi hiếm thấy phản ứng màng xương. Khi tiến triển, vỡ vỏ xương và hiện diện khối mô mềm lớn. Xảy ra ở xương dẹt (nhất là xương chậu) và đầu xương và thân xương của xương ống (nhất là xương đùi và xương cánh tay).
Chú giải:
– Thường xảy ra trong khoảng 30 – 60 tuổi, nam giới trội hơn. Phát sinh từ tủy hoặc như biến chứng thứ phát của một u nội sụn có trước. Saccom sụn độ thấp rất khó phân biệt với u nội sụn. Đóng vôi không đều, vùng u không đóng vôi rộng, hủy xương không có giới hạn rõ, dày vỏ xương gợi ý ác tính.
H. 12.35. Saccom sụn (trung tâm). Tổn thương bành trước hủy xương với đóng vôi không đều làm phình vỏ ở cánh chậu bên phải kế cận khớp chậu-thiêng.
H. 12.36. Saccom sụn. Một khối bành trướng kèm đóng vôi không đều, xơ cứng dày ở bờ ngoài, vỡ vỏ xương ở phía trước và sau. Thân đốt sống ngực.
Saccom sụn ngoại vi (H. 12.37, 12.38)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– U xương sụn lành tính biến thành ác tính khi thấy một mũ sụn lớn rộng trên 2 cm, đóng vôi rải rác trong phần sụn của u, ổ mô mềm trong phần xương của u, khối mô mềm lớn, hủy hoặc mòn xương lân cận.
Chú giải:
– Phát sinh từ u xương sụn có trước. Gợi ý biến đổi ác tính khi đau và lớn hơn.
H. 12.37. Saccom sụn (ngoại vi). Khối u có cuống phát sinh từ cánh chậu bên phải. Đóng vôi lan rộng không đều.
H. 12.38. Saccom sụn. Khối mô mềm lớn với đóng vôi rải rác và hủy mấu gai sau đốt sống cổ.
Saccom sụn tế bào sáng
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương bành trướng ở đầu xương, giới hạn rõ (bờ xơ cứng) hoặc không, có đóng vôi trung tâm. Vị trí thường gặp nhất là đầu gần xương đùi, xương cánh tay và xương chày.
Chú giải:
– Tính chất X quang tương tự như u nguyên bào sụn. Xảy ra trong độ tuổi 25 – 50. Thiên về nam giới.
Saccom sụn không biệt hóa
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tính chất nhu saccom sụn thông thường độ thấp kèm độ xâm lấn cao, hủy xương dạng mối ăn và khối mô mềm lớn.
Chú giải:
– Kết hợp cùng lúc saccom sụn độ thấp và cao trong cùng một tổn thương. Tiên lượng xấu.
Saccom sụn trung mô (H. 12.39)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Không phân biệt được với saccom sụn thông thường độ cao.
Chú giải:
– 20 – 40 tuổi. Khoảng 50% phát sinh trong mô mềm. Tiên lượng xấu.
H. 12.39. Saccom sụn trung mô. Khối mô mềm lớn đóng vôi rải rác và hủy xương háng trái.
Saccom xương (H. 12.40 – 12.42)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương trong tủy giới hạn không rõ, gặp ở đầu thân xương với mức độ hủy xương và xơ cứng xương thay đổi. Phá hủy vỏ xương, phản ứng màng xương (hình thái “tia mặt trời”, tam giác Codman) và khối mô mềm lớn đi kèm rất điển hình. Phù quanh u và xuất huyết có thể làm ước tính kích thước u quá mức thực. Di căn “nhảy” (ngăn cách với tân sinh chính) nhận ra trong tủy nhờ mật độ cao hơn tủy bình thường.
– Saccom xương tế bào nhỏ và giãn mao mạch ác tính cao có thể xuất hiện như những tổn thương hủy xương trong khi saccom xương trong xương độ thấp có thể chỉ thuần túy xơ cứng xương.
Chú giải:
– Rất thường xảy ra trong khoảng 20 – 40 tuổi. Vị trí đầu thân thương của xương dài là thường gặp nhất, mặc dù có thể xảy ra ở mọi xương tại mọi vị trí. Ở người già, saccom xương có thể là biến chứng hiếm của bệnh Paget hoặc tia xạ.
H. 12.40. Saccom xương. Ổ xơ cứng xương không giới hạn rõ nằm ở đầu xa xương đùi, không làm vỡ vỏ xương và không có khối mô mềm.
H. 12.41. Saccom xương. Tổn thương xơ cứng xương, giới hạn không rõ nằm ở xương chậu trái gần khớp chậu-thiêng, kèm phản ứng màng xương thẳng góc và khối mô mềm lớn.
H. 12.42. Saccom xương. Khối xơ cứng xương, lớn, kèm hủy vòm sọ ở vùng trán – đỉnh.
Saccom xương ngoài màng xương (H. 12.43)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Khối đậm đặc có thể bám đáy rộng ở mặt ngoài của xương dài. Vị trí đặc trưng nhất là mặt sau của phần xa xương đùi. Tương đối hiếm thấy lan rộng vào tủy.
Chú giải:
– 30 – 50 tuổi với dự hậu khá hơn saccom xương thông thường. Các loại khác như saccom xương màng xương và saccom xương bề mặt độ cao (mô học tương tự saccom xương thông thường).
H. 12.43. Saccom xương ngoài màng xương. Dày vỏ xương không đều ở mặt sau của phần xa xương đùi (mũi tên).
Saccom Ewing (H. 12.44, 12.45)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương hủy xương giới hạn không rõ, phá hủy vỏ xương, phản ứng màng xương cách quãng (hình “vỏ hành”) và khối mô mềm lớn. Vị trí thường gặp là đầu thân và thân xương xương dài, xương thiêng và xương vô danh. Đôi khi gặp tổn thương chủ yếu xơ cứng ở cột sống, xương chậu và xương sườn.
Chú giải:
– Chẩn đoán trong khoảng 5 – 30 tuổi, thiên về nam giới. Biểu hiện đau khu trú kèm sưng, đôi khi kết hợp sốt và tăng bạch cầu.
H. 12.44. Saccom Ewing. Tổn thương bành trướng hủy xương kèm khối mô mềm lớn ở cánh chậu bên trái.
H. 12.45. Saccom Ewing. Tổn thương bành trướng hủy xương với phản ứng màng xương ngắt đoạn ở ngành bên phải của xương hàm dưới.
U nội bì mạch (saccom mạch) (H. 12.46)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Một hoặc nhiều ổ hủy xương, bờ rõ hoặc không, không có phản ứng màng xương. Thường ảnh hưởng xương chậu và đoạn gần xương dài.
Chú giải:
– Thường xảy ra trong độ tuổi 40 – 60, thiên về nam giới. Nếu nhiều ổ, giống như di căn, đa u tủy, bệnh lưới mô bào, bệnh u mạch dạng nang, viêm xương tủy dạng nang (như nhiễm trùng lao hoặc nấm).
– U tế bào quanh mao mạch là u có độ ác trung gian với biểu hiện tương tự.
H. 12.46. U nội bì mạch ác tính. Tổn thương hủy xương ở mé trong của phần xa xương đùi trái.
U tương bào/đa u tủy (H. 12.47, 12.48)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương hủy xương “lỗ chỗ” giới hạn rõ làm phình màng trong tủy, bành trướng kèm khối mô mềm, hủy xương lan tỏa, xốp xương toàn thân. Không có tạo xương màng xương mới. Thể xơ cứng nguyên phát cực kỳ hiếm nhưng xơ cứng xảy ra sau điều trị thích hợp.
– Cột sống: tổn thương hủy xương lan tỏa, đôi khi kèm phì đại không đều đậm đặc của những thớ thẳng đứng.
Chú giải:
– Bệnh nhân trên 40 tuổi, thiên về phái nam. Là tân sinh ác tính nguyên phát thường gặp nhất ở người lớn biểu hiện đau xương, thiếu máu, tăng calci máu, tiểu đạm (có protein Bence-Jones).
H. 12.47. Đa u tủy. Một tổn thương hủy xương, giới hạn rõ, ở mé sau ngoài bên trái của thân đốt sống ngực, xâm lấn mô mềm cận cột sống.
H. 12.48. Đa u tủy. Một khối mô mềm lớn nằm ở thành bên ngực bên phải phát sinh từ một xương sườn mà dường như đã bị phá hủy hoàn toàn. Những tổn thương bành trướng hủy xương khác thấy ở xương ức và các cung sườn trước lân cận.
Di căn (H. 12.49, H. 12.50)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Một hoặc nhiều tổn thương hủy xương hoặc hỗn hợp hủy-xơ cứng xương. Tổn thương hủy xương thường có giới hạn hoặc rõ (dạng bản đồ) hoặc không rõ (dạng mối ăn hoặc thẩm thấu). Không thấy tạo xương màng xương mới, không thường có khối mô mềm đi kèm ngoại trừ ở xương sườn.
– Thường là di căn hủy đối với ung thư thận, tuyến giáp và phổi và di căn tạo xương từ ung thư tuyến tiền liệt với hình ảnh giống như bệnh Paget.
Chú giải:
– Di căn từ ung thư thận, tuyến giáp và phổi thuần túy là hủy xương nhưng cũng có thể từ những cơ quan khác.
– Di căn thuần túy tạo xương thường do ung thư tiền liệt tuyến, nhưng cũng có thể từ ung thư bàng quang, tỵ hầu, dạ dày, cacxinoit phế quản, u nguyên bào thần kinh và u nguyên bào tủy.
– Tổn thương hỗn hợp hủy-xơ cứng thường phát sinh từ ung thư vú và phổi, nhưng cũng có thể từ cổ, sinh dục và nhiều ung thư khác.
H. 12.49. Di căn hủy xương từ ung thư thận. Một tổn thương lớn gây hủy xương ở xương trán bên phải.
H. 12.50. Di căn tạo xương toàn diện từ ung thư tuyến tiền liệt. Những đám tổn thương xơ cứng ở xương chậu trong khi ở xương thiêng hình thái xơ cứng lan toản hơn.
Lymphom (H. 12.51, 12.52)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Một hoặc nhiều tổn thương hủy xương với bờ không rõ, thường nằm ở đầu thân xương của xương dài. Xơ cứng xương có thể đi kèm và thậm chí hiện diện đơn độc nhất là bệnh Hodgkin.
Chú giải:
– Cả trong bệnh Hodgkin và lymphom không Hodgkin, ảnh hưởng xương là thứ phát (theo đường máu hoặc xâm lấn từ mô mềm lân cận hoặc hạch). Ảnh hưởng nguyên phát ở bộ xương chỉ giới hạn đối với lymphom mô bào (saccom tế bào lưới).
H. 12.51. Lymphom. Tổn thương hủy xương sườn kèm khối mô mềm (mũi tên).
H. 12.52. Lymphom mô bào. Hình ảnh dạng thớ thô kèm khối mô mềm cận cột sống.
Bệnh mô bào X (H. 12.53, 12.54; xem thêm H. 12.6)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Một hoặc nhiều tổn thương hủy xương, thường gặp ở xương ống dài. Những tổn thương lớn có thể đi kèm mòn màng trong tủy, vỡ vỏ xương, phản ứng màng xương và lan vào mô mềm.
– Ở xương sọ, mảnh xương mục dạng nút (ổ xơ cứng bên trong một vùng hủy xương), bờ vạt xiên (do hủy không đều giữa bản trong và bản ngoài).
– Biểu hiện ở cột sống gồm đốt sống phẳng và tổn thương bành trướng gây hủy cả ở thân đốt lẫn các thành phần sau của đốt.
Chú giải:
– U hạt ưa eosin là thể lành tính nhất, thường được chẩn đoán trong khoảng 5 – 20 tuổi. Tổn thương có thể lành tự nhiên với bờ xơ cứng.
– Bệnh Hand-Schuller-Christian gồm tam chứng mắt lồi, đái tháo nhạt, tổn thương hủy vòm sọ (dạng bản đồ).
– Bệnh Letter-Siwe là thể rải rác cấp tính ở trẻ em dưới 2 tuổi. Nhiều tổn thương hủy xương khắp sọ (dạng “giọt mưa”) kèm gan to, hạch phì đại và tổn thương eczema ngoài da không ngứa.
H. 12.53. Bệnh mô bào X. Tổn thương lệch tâm ở đoạn giữa thân xương đùi với phá hủy vỏ xương, xâm lấn mô mềm và phản ứng màng xương.
H. 12.54. Bệnh mô bào X. Hủy và xơ cứng xương lan tỏa ở vòm sọ và đáy sọ.
Bệnh thoái hóa dạng tinh bột
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương hủy xương với kích thước thay đổi, thường có xơ cứng phản ứng, đặc biệt ở đoạn gần xương đùi và cánh tay. Biểu hiện khớp và quanh khớp gồm những nốt mô mềm và khối quanh vai, mỏm khuỷu, bàn tay và cổ tay (tựa như viêm khớp dạng thấp và hội chứng ống cổ tay) và mòn xương dưới sụn giới hạn rõ và nang nhất là vùng cổ tay.
Chú giải:
– Thể nguyên phát xảy ra ở người trên 40 tuổi, thiên về phái nam. Có thể kèm đa u tủy. Thể thứ phát đi kèm với bệnh thận mãn, viêm khớp dạng thấp, lupus đỏ, viêm loét đại tràng, bệnh nung mủ mãn tính, và các rối loạn tăng sinh lympho.
U nâu (H. 12.55)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Một hoặc nhiều tổn thương hủy xương giới hạn rõ, bành trướng nhẹ, ở bộ xương thân và chi nhưng thường ảnh hưởng xương mặt, xương chậu, xương sườn và xương đùi. Chúng có thể hoại tử và hóa lỏng, tạo ra nang.
Chú giải:
– Thường gặp trong cường cận giáp nguyên phát. Các tính chất khác của cường cận giáp gồm giảm xương với hấp thu xương dưới màng xương, trong vỏ, màng trong tủy và dưới sụn. Xơ cứng xương và đóng vôi quanh khớp thường gặp trong thể thứ phát (loạn dưỡng xương do thận).
H. 12.55. U nâu. Tổn thương bành trướng hủy xương giới hạn rõ ở xương sườn (mũi tên)
U giả ưa chảy máu (H. 12.56)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương hủy xương giới hạn rõ, vị trí trung tâm (trong xương) hoặc lệch tâm (dưới màng xương), thường kèm phá hủy vỏ và phản ứng màng xương cứng hoặc ngắt đoạn, khối mô mềm lớn mật độ hỗn hợp (đóng vôi kèm máu ở nhiều độ tuổi). Vị trí thường gặp là xương chậu, đùi, xương chày và bàn tay.
Chú giải:
– Xảy ra ở 2% người bị ưa chảy máu. Các tính chất khác của bệnh ưa chảy máu kể cả khối máu tụ mô mềm, đóng vôi hoặc không, những biến đổi khớp kể cả tràn dịch đặc trong khớp, mòn xương và nang dưới sụn, và xốp xương.
H. 12.56. U giả ưa chảy máu. Tổn thương bành trướng với đóng vôi trung tâm nằm ở xương chậu trái của một bệnh nhân bị bệnh Willebrand.
Hoại tử xương (nhồi máu xương) (H. 12.57)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Những mảng xơ cứng và giảm xương trong giai đoạn sớm. Ở đầu xương, nó diễn tiến tới biến đổi nang với viền xơ cứng, hủy dưới sụn, xẹp mặt khớp, xơ cứng và thoái hóa khớp lân cận. Ở đầu thân và thân xương, hình đóng vôi vỏ sò không đều bao quanh một vùng giảm xương, có thể phân biệt với đóng vôi không đều trung tâm u sụn. Phản ứng màng xương đặc và dày vỏ xương đôi khi đi kèm.
– Hoại tử vô trùng khớp háng là vị trí thường thấy nhất. Các giai đoạn sau: 1) X quang bình thường, xơ cứng và giảm xương khu trú, không đặc hiệu trên XQCLĐT; 2) những mảng giảm xương và xơ cứng xương và tạo nang nhỏ; 3) hình sáng dưới sụn (dạng liềm); 4) xẹp đầu xương đùi; 5) hẹp khe khớp với thoái hóa ổ cối.
Chú giải:
– 25% không rõ căn nguyên hoặc kèm các bệnh về máu và lưới nội bì (như hồng cầu liềm, bệnh Gaucher), bệnh thể keo (như lupus đỏ), chấn thương (như gãy cổ xương đùi), bệnh mạch máu (như xơ vữa động mạch), nghiện rượu, dùng steroit, viêm tụy, tia xạ và bệnh caisson.
– Viêm xương do tia xạ (hoại tử xương) (H. 12.58) biểu hiện qua giảm xương, xơ cứng xương và bè xương thô. Biến đổi xương tùy vào liều, tối thiểu 3000 cGy.
– Khối máu tụ trong xương vôi hóa thể hiện trên X quang tựa như hoại tử xương.
H. 12.57. Nhồi máu xương. Tổn thương vôi hóa ở xương gót cả hai bên.
H. 12.58. Viêm xương do tia xạ. Hình ảnh thô của các bè xương với những vùng tăng và giảm mật độ xương ở đầu xa của xương đòn (mũi tên).
Vết gãy lành và gãy mỏi (H. 12.59)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Xơ cứng xương và tạo cal xương có thể cho hình ảnh giống như viêm xương tủy mãn và u xương dạng xương. Thấy được đường gãy (khác với áp xe trong xương hoặc trong vỏ và nhân) mới cho chẩn đoán.
Chú giải:
– XQCLĐT ưu thế trong đánh giá lành vết gãy và chẩn đoán biến chứng như liền trễ, không liền, viêm xương tủy, hoại tử xương, và viêm cơ hóa cốt sau chấn thương (vùng đậm đặc xương trưởng thành ở ngoại vi và vùng sáng trung tâm do xương chưa trưởng thành).
H. 12.59. Gãy mỏi. Đường gãy (mũi tên) đối xứng hai bên ở xương thiêng với xơ cứng đáng kể lân cận.
Viêm màng hoạt dịch có lông nhung và nốt (H. 12.60)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Khối mô mềm trong khớp và tràn dịch trong khớp. Mòn xương với bờ xơ chai. Tích tụ hemosiderin lan rộng làm mật độ khối u tăng lên. Thường không có đóng vôi và nếu có sẽ gợi ý khả năng saccom màng hoạt dịch.
Chú giải:
– Thường được chẩn đoán trong độ tuổi 20 – 50. Điển hình là tràn máu trong khớp (“sô cô la”) dù không có chấn thương.
H. 12.60. Viêm màng hoạt dịch lông nhung nốt. Khối mô mềm làm mòn xương với bờ xơ cứng ở xương sên (mũi tên).
Viêm xương tủy (cấp) (H. 12.61 – 12.63)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Hủy xương kèm phản ứng màng xương (từng lớp hoặc dâng gai) và áp xe mô mềm là những dấu hiệu thường gặp. Sau 1 tháng, xương mục (kèm xương hoại tử) với mô hạt bao quanh và thành hình vỏ xương mới. Đôi khi có đường dò dẫn ra ngoài da. Có thể thấy cả khí trong xương, dò trong vỏ và mực mỡ-dịch (mủ). Ở người lớn, thường ảnh hưởng khớp lân cận.
Chú giải:
– Ảnh hưởng mọi tuổi, nhưng thường thấy ở trẻ em, người bị tiểu đường và lạm dụng thuốc qua đường tĩnh mạch. Xảy ra qua đường máu, lây lan từ nhiễm trùng kế cận hoặc ghép trực tiếp.
– Staphylococcus aureus là tác nhân gây bệnh thường gặp nhất, nhưng cũng có thể do nhiều loại vi trùng khác, mycobacteria, nấm.
H. 12.61. Viêm xương tủy. Tổn thương hủy xương ở xương hàm dưới với phản ứng màng xương lớp mỏng (mũi tên).
H. 12.62. Viêm xương tủy tạo khí. Tổn thương hủy xương với những vùng tụ khí rải rác trong thân đốt sống thắt lưng.
H. 12.63. Viêm xương tủy do nấm. Tổn thương hủy xương khu trú ở thân đốt sống ngực. Sinh thiết dưới hướng dẫn của XQCLĐT phát hiện Blastomyces.
Áp xe Brodie
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương hủy xương, thon dài, bờ xơ cứng, thường nằm ở đầu thân xương của xương dài, nhất là đầu xa xương quyển. Ở trẻ em, chẩn đoán khi thấy được một thông thương ngoằn ngoèo từ tổn thương đầu thân xương tới sụn tiếp hợp. Đôi khi thấy áp xe ở thân xương và đầu xương cũng như ở xương dẹt hoặc xương không đều. Ở vị trí vỏ, nó có hình ảnh giống như u xương dạng xương hoặc gãy mỏi.
Chú giải:
– Viêm xương tủy sinh mủ bán cấp hoặc mãn thường gặp ở trẻ em và thường do Staphylococcus.
Viêm xương tủy mãn (H. 12.64)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Khuyết hủy xương với xương đặc bao quanh. Dấu hiệu chứng tỏ còn hoạt tính gồm sự thay đổi so với hình ảnh cũ, những vùng hủy xương không giới hạn rõ, phản ứng màng xương lớp mỏng, lồi xương giới hạn không rõ, và thấy được một đường dò hoặc áp xe mô mềm.
Chú giải:
– Cacxinom dạng biểu bì xảy ra trong 1% viêm xương tủy ngay tại nơi dò thoát mãn và hiện lên dưới dạng một khối mô mềm lớn dần làm mòn xương.
– Viêm xương tủy xơ cứng Garré xảy ra ở trẻ em và thường biểu hiện như nhiều ổ hủy xương đối xứng kèm theo xơ cứng tại xương đòn và cẳng chân.
H. 12.64. Viêm xương tủy mãn. Khuyết hủy xương với xơ cứng bao quanh ở vùng cánh chậu bên phải. Áp xe cơ thắt lưng chậu (mũi tên) cũng hiện rõ dưới dạng một tổn thương mô mềm có mật độ thấp.
Bệnh Paget (H. 12.65, 12.66)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Tổn thương ở nhiều xương không đối xứng xảy ra chủ yếu ở khung chậu, xương đùi, xương chày, hộp sọ, xương bả vai và cánh tay. Hình thức ảnh hưởng thay đổi từ hủy xương thuần túy (như xốp xương giới hạn rõ ở xương sọ, hình khuyết hình V ở thân xương dài) cho đến xơ cứng xương thuần túy (như đốt sống ngà). Hình thức hỗn hợp (như đốt sống khung hình, xương sọ “dạng len”) thường kết hợp phì đại xương, dầy vỏ xương và bè xương thô.
– Ở xương dài, bệnh tiến triển từ đầu xương đến thân xương. Mềm xương có thể dẫn tới biến dạng cong xương dài, lòi ổ cối, đốt sống hai mặt lõm và thoát vị thân nền.
Chú giải:
– Thường là phát hiện tình cờ ở người trên 40 tuổi, thiên về nam giới. XQCLĐT hữu ích trong đánh giá các biến chứng của bệnh Paget như biến dạng khớp (như khớp háng), ảnh hưởng cột sống và thần kinh, thoái hóa ác tính xảy ra trong khoảng 1% các trường hợp (như saccom xương, saccom sụn, và saccom xơ).
– Dầy xương bản trong sọ (xương trán hoặc toàn diện) không được nhầm với bệnh Paget vì nó chỉ ảnh hưởng bản trong và xảy ra chủ yếu ở phụ nữ (H. 12.69). hinhanhykhoa.com
H. 12.65. Bệnh Paget. Bè xương thô, ổ xơ cứng xương và dày vỏ xương, thấy ở nửa chậu trái.
H. 12.66. Bệnh Paget. Bè xương thô, biến đổi xơ và hủy xương thấy ở phần gần xương đùi. Lưu ý thêm nang màng hoạt dịch ở cột sau của ổ cối.
H. 12.67. Bệnh Paget. Dày không đều ở hai bản trong và ngoài của xương sọ kêt cả tủy trong bản sọ với những biến đổi xơ và hủy.
H. 12.68. Bệnh Paget. Biến đổi xơ cứng xương thuần túy với dày không đều chủ yếu ở đáy sọ và bản ngoài của vòm sọ. Mấu chủy hai bên xương hàm dưới đều bất thường.
H. 12.69. Dày xương bản trong toàn diện. Dày xương không đều ở vòm sọ giới hạn rõ ở bản trong.
Loạn sản xơ (H. 12.70, 12.71)
Dấu hiệu XQCLĐT:
– Một hoặc nhiều tổn thương bành trướng hủy xương với bờ xơ chai. Chất cơ bản đồng nhất, hóa vôi hoặc tạo cốt bán phần kèm những dải đặc, dầy. Thể một xương (75%) thường ảnh hưởng xương sườn, xương đùi, xương chày, xương cánh tay và xương hàm dưới, trong khi thể nhiều xương (25%) thường ảnh hưởng xương sọ và xương mặt, xương chậu, cột sống và đai vai. Ở xương dài, tổn thương nằm ở thân xương hoặc đầu thân xương.
Chú giải:
– U xơ tạo cốt (H. 12.72) rất giống với loạn sản xơ và xảy ra ở xương mặt (nhất là xương hàm dưới) và xương ống (nhất là xương chày) tại đó mang tên là loạn sản xơ cốt.
H. 12.70. Loạn sản xơ. Dày khu trú vòm sọ với một tổn thương thấu quang và một trung tâm xơ cứng.
H. 12.71. Loạn sản xơ. Dày xơ cứng đa dạng ở xương mặt với những tổn thương thấu quang rải rác, lớn nhất nằm ở mé sau xương hàm dưới bên phải.
H. 12.72. U xơ tạo cốt. Biến đổi xơ và hủy xương ở xương hàm dưới bên phải.
>> Xem thêm:
– Chẩn đoán phân biệt trên cắt lớp vi tính – Tổn thương trên lều
– Chẩn đoán phân biệt trên cắt lớp vi tính – Tổn thương hố sau (dưới lều)
– Chẩn đoán phân biệt trên cắt lớp vi tính – Tổn thương ở góc cầu tiểu não
– Chẩn đoán phân biệt trên cắt lớp vi tính – Tổn thương ở hố yên và cận yên
Bài viết được biên tập từ sách X quang cắt lớp điện toán: chẩn đoán phân biệt (Differential Diagnosis in Computed Tomography), dịch bởi BS Phí Ích Nghị.
Chi tiết sách dịch song ngữ xem tại đây.
Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận được thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký tại Form nhận bản tin và theo dõi tại kênh Youtube