Tổng hợp Hướng dẫn thực hành siêu âm của Hiệp hội siêu âm sản phụ khoa thế giới (ISUOG)

NỘI DUNG

Giới thiệu

Hiệp hội siêu âm sản phụ khoa thế giới (ISUOG) là tổ chức hoạt động nhằm mục đích thúc đẩy cho việc thực hành, huấn luyện và nghiên cứu trong lĩnh vực hình ảnh học của phụ nữ đạt hiệu quả tốt nhất. Trong đó Siêu âm được xem là phương tiện chẩn đoán hình ảnh được lựa chọn đầu tiên khi đánh giá sức khoẻ của phụ nữ. Là một kỹ thuật an toàn, chính xác và đơn giản nên siêu âm được sử dụng phổ biến ở cả những nước đã phát triển và chưa phát triển. Siêu âm được sử dụng như là một phương tiện sàng lọc hay chẩn đoán.

Sự chính xác của siêu âm liên quan đến nhiều yếu tố kỷ thuật máy móc lẫn bệnh nhân. Tuy nhiên điều này phụ thuộc nhiều nhất vào kĩ năng của người siêu âm khi sử dụng trang thiết bị để quét hình và diễn giải kết quả siêu âm. Do vậy việc huấn luyện hay tập huấn kĩ năng siêu âm một cách bài bản chuyên nghiệp là điều rất quan trọng. Đó là sứ mệnh của uỷ ban giáo dục và đào tạo trực thuộc ISUOG.

Các hướng dẫn về siêu âm sản phụ khoa cơ bản được ISUOG khuyến cáo nên xem như là chuẩn quốc gia của các nước cần có sự huấn luyện và đánh giá năng lực người làm siêu âm sản phụ khoa. Tuy các khuyến cáo này được ISUOG xem là hướng dẫn thực hành tốt nhất, nhưng cũng không nên xem nó như là những tiêu chuẩn bắt buộc có tính pháp lý vì một số sai lệch có thể không tránh khỏi tuỳ từng cá thể, từng vùng. Các khuyến cáo và hướng dẫn này được phổ biến miễn phí với sự đồng ý của ISUOG.

Tài liệu hướng dẫn siêu âm tiếng Việt của Hiệp hội siêu âm sản phụ khoa thế giới được dịch và hiệu chỉnh bởi các bác sĩ có uy tín trong lĩnh vực siêu âm sản phụ khoa ở Việt Nam: BS Hà Tố Nguyên, BS Nguyễn Quang Trọng, BS Nguyễn Xuân Lan, BS Nguyễn Hoàng Long

Bản gốc có thể tải ở trang chủ https://www.isuog.org

Tổng hợp tài liệu siêu âm tiếng Việt của ISUOG

1. Các khuyến cáo về siêu âm sản phụ khoa của ISUOG

Người dịch: BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Các hướng dẫn về siêu âm sản phụ khoa cơ bản được ISUOG khuyến cáo nên xem như là chuẩn quốc gia của các nước cần có sự huấn luyện và đánh giá năng lực người làm siêu âm sản phụ khoa. Tuy các khuyến cáo này được ISUOG xem là hướng dẫn thực hành tốt nhất, nhưng cũng không nên xem nó như là những tiêu chuẩn bắt buộc có tính pháp lý vì một số sai lệch có thể không tránh khỏi tuỳ từng cá thể, từng vùng. Các khuyến cáo và hướng dẫn này được phổ biến miễn phí với sự đồng ý của ISUOG.
  • Người làm siêu âm khác nhau tuỳ từng nước. Có thể là bác sĩ sản khoa, bác sĩ phụ khoa, bác sĩ X quang được tập huấn siêu âm một cách bài bản hoặc kỹ thuật viên siêu âm và nữ hộ sinh. Lý tưởng, mỗi quốc gia nên tự đưa ra những tiêu chuẩn để đánh giá người làm siêu âm, về lý thuyết (khoá học, tập huấn, online, bằng cấp siêu âm…) cũng như kĩ năng thực hành. Qui trình đánh giá nên được giám sát bởi một chuyên gia trong lãnh vực siêu âm tại địa phương để đảm bảo việc đánh giá đạt những tiêu chuẩn theo qui định. Lý thuyết có sự khác biệt so với thực hành, do vậy người tham gia tập huấn không nhất thiết phải thực hành tất cả những điều được học trên lý thuyết.
  • Người tham gia tập huấn cần hiểu rằng, có nhiều mức độ trong kĩ năng thực hành siêu âm, do vậy khi siêu âm mức cơ bản phát hiện bất thường thì cần hội chẩn với người có nhiều kinh nghiệm hơn. Ngưới tham gia tập huấn cần được trang bị các kiến thức cơ bản về phôi học, giải phẩu học bình thường cũng như các dị dạng vùng chậu phụ nữ, di truyền học, sinh lý bình thường cũng như sinh lý bệnh thai kì.

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Các khuyến cáo về Siêu âm sản phụ khoa của ISUOG » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Education Committee recommendations for basic training in obstetric and gynecological ultrasound » Download PDF

2. Hướng dẫn thực hành siêu âm quý 1 thai kỳ của ISUOG

Người dịch: BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Siêu âm nên là một một xét nghiệm thường qui trong chăm sóc tiền sinh nếu đơn vị có sẵn nguồn lực. Siêu âm thường được thực hiện ở quí hai mặc dù các xét nghiệm sàng lọc được chỉ định ngày càng nhiều ở quí một. Với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật, cùng với đầu dò siêu âm ngã âm đạo tần số cao, các hình ảnh siêu âm có độ ly giải rất tốt nên việc khảo sát và theo dõi sự phát triển thai nhi có thể được thực hiện từ ba tháng đầu thai kì.
  • Mục đích của tài liệu này là cung cấp các hướng dẫn cho người thực hành khi thực hiện siêu âm quí một thai kì. Quí một thai kì được tính từ giai đoạn tử cung có túi thai và phôi thai sống đến 13 tuần 6 ngày. Trước 10 tuần được gọi là phôi và sau 10 tuần gọi là thai vì sau 10 tuần thì sự hình thành các cấu trúc thai gần như hoàn chỉnh và sau đó thai chỉ tăng trưởng và hoàn chỉnh cấu trúc..
  • Mục đích chung của siêu âm thai là cung cấp các thông tin chính xác để giúp việc theo dõi chăm sóc tiền thai đạt hiệu quả tối ưu, nhằm bảo đảm sức khoẻ tốt nhất cho mẹ và thai. Ở giai đoạn thai sớm, cần xác định tình trạng tim thai có không, tuổi thai, số lượng thai, nếu đa thai phải xác định số bánh nhau và túi ối. Ở thời điểm cuối quí 1, siêu âm có thể phát hiện một số bất thường lớn và đo độ mờ da gáy (ĐMDG) để sàng lọc các lệch bội. Cần nhớ rằng, nhiều dị tật lớn xuất hiện muộn sau đó nên thời điểm này có thể không phát hiện được dù có máy siêu âm tốt và người siêu âm nhiều kinh nghiệm.

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Hướng dẫn thực hành Siêu âm quý 1 thai kỳ của ISUOG » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines – Performance of first-trimester fetal ultrasound scan » Download PDF

3. Hướng dẫn thực hành siêu âm quý 2 thai kỳ của ISUOG

Người dịch: BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Siêu âm được ứng dụng rộng rãi trước sinh để đánh giá sự tăng trưởng và khảo sát hình thái thai nhi cũng như xử trí các trường hợp đa thai. Siêu âm cung cấp các bằng chứng chẩn đoán tạo sự thuận lợi cho việc xử trí các biến chứng thai kì xuất hiện về sau. Ví dụ thai chậm tăng trưởng trong tử cung là một nguyên nhân hànng đầu gây tử vong và bệnh tật thai nhi ở cả các nước đã lẫn đang phát triển. Trong năm 2005, tổ chức y tế thế giới (WHO) đã kết luận rằng thai bị chậm tăng trưởng có nhiều nguyên nhân liên quan đến nhiều yếu tố như: di truyền, đặc tính của người mẹ như tình trạng dinh dưỡng, lối sống bao gồm hút thuốc lá, tuổi và bệnh tật mẹ; các biến chứng của thai kì; và các yếu tố về kinh tế, môi trường và xã hội.
  • Siêu âm quí hai là một bằng chứng quan trọng để đối chiếu với siêu âm các thời điểm sau trong đánh giá sự tăng trưởng và sức khoẻ thai nhi. Ngoài ra, siêu âm quí hai cũng giúp phát hiện các dị tật bẩm sinh của thai nhi. Nghiên cứu Eurofetus, một nghiên cứu đa trung tâm liên quan đến 61 trung tâm siêu âm ở 14 nước châu âu, đánh giá sự chính xác của siêu âm thường qui ở quí hai ở dân số không có chọn lọc. Hơn một nữa (56%) của 4615 các dị tật đã được phát hiện trước sinh và 55% các bất thường lớn được được phát hiện trước 24 tuần..
  • Dù có nhiều quốc gia tự xây dựng riêng cho mình các hướng dẫn siêu âm thực hành, nhưng vẫn còn nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới không thực hiện việc này. Đa số các quốc gia đều khuyến cáo cần ít nhất một lần siêu âm ở thời điểm quí 2 như là một phần của chuẩn chăm sóc tiền sản, mặc dù thực hành sản khoa thì khác nhau rất nhiều trên thế giới. Điều này có thể liên quan đến sự sẵn có của nguồn nhân lực (các nhà thực hành siêu âm đạt chuẩn qui định), nguồn trang thiết bị (máy siêu âm), điều kiện thực hành y khoa tại địa phương và tính pháp lý; ở một số quốc gia, bảo hiểm – liên quan đến vấn đề hoàn trả chi phí – có ảnh hưởng mạnh đến việc áp dụng thường qui siêu âm quí hai như thế nào. Tuy vậy, một nhóm nghiên cứu của WHO viết rằng: “Trên khắp thế giới, dường như đa số các siêu âm gần đây được thực hiện bởi các bác sĩ có rất ít hoặc không có tập huấn một cách bài bản đúng chuẩn”. Mục đích của tài liệu này là cung cấp các hướng dẫn chuẩn của siêu âm quí hai cho các nhà thực hành siêu âm thai.

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Hướng dẫn thực hành Siêu âm quý 2 thai kỳ của ISUOG » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines – Performance of the routine mid-trimester fetal ultrasound scan » Download PDF

4. Hướng dẫn siêu âm cơ bản và khảo sát chuyên sâu hệ thần kinh của ISUOG

Người dịch: BS Nguyễn Xuân Lan
Hiệu chỉnh: BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Bất thường hệ thần kinh trung ương (CNS) là một trong những bất thường hay gặp trong tất cả các dị tật thai. Thường gặp là khiếm khuyết ống thần kinh, chiếm khoảng 1-2 ca trong 1000 ca sinh sống. Tỉ lệ những bất thường bên trong sọ với ống thần kinh còn nguyên vẹn thì không biết được vì đa số bị bỏ sót đến lúc sinh và biểu hiện rõ hơn sau sanh. Thời gian theo dõi cho nghiên cứu này phải lâu dài cho nên có thể tỉ lệ này cao hơn 1 trong 100 ca sinh sống.
  • Siêu âm đã được sử dụng khoảng 30 năm, là phương tiện chính giúp chẩn đoán bất thường hệ thần kinh trung ương. Phạm vi của hướng dẫn này nhằm mục đích hướng dẫn những kỹ thuật tối ưu để tiếp cận đánh giá não thai nhi sẽ được nói đến trong khám cơ bản. Còn đánh giá hệ thần kinh trung ương thai chuyên sâu cần thực hiện bởi những chuyên gia và máy siêu âm chuyên dụng. Loại thăm khám này đôi khi có thể dùng siêu âm 3D với những trường hợp thai kỳ nguy cơ dị tật hệ thần kinh trung ương cao..
  • Trong những năm gần đây, MRI là kỹ thuật mới đầy hứa hẹn có thể giúp thêm thông tin để chẩn đoán và thường thực hiện sau 20-23 tuần, mặc dù những thuận lợi của nó hơn siêu âm vẫn đang bàn cãi.

Đọc online

Link tải pdf


5. Hướng dẫn thực hành lâm sàng siêu âm Doppler trong sản khoa của ISUOG

Người dịch: BS Hà Tố Nguyên, BS Nguyễn Quang Trọng

Giới thiệu

  • Tài liệu này tóm tắt các hướng dẫn thực thành cách thực hiện siêu âm Doppler đánh giá vòng tuần hoàn nhau-thai. Điều quan trọng nhất là không để cho phôi hay thai bị tác hại không đáng có của năng lượng sóng siêu âm, đặc biệt là trong giai đoạn sớm của thai kì. Ở giai đoạn này, khi có chỉ định của lâm sàng thì Doppler nên được thực hiện với mức năng lượng thấp nhất có thể được. ISUOG đã đưa ra các khuyến cáo về sử dụng siêu âm Doppler ở thai 11 -13 tuần 6 ngày. Khi thực hiện Doppler, chỉ số nhiệt (thermal index TI) nên ≤ 1.0 và thời gian tiếp xúc nên ngắn nhất có thể, thường là không dài hơn 5-10 phút và không được kéo dài trên 60 phút.
  • Tài liệu hướng dẫn này không có ý định nghĩa về các chỉ định của lâm sàng, đặc biệt là thời gian phù hợp để thăm khám siêu âm Doppler trong thai kì hay bàn luận cách lý giải các biểu hiện trên Doppler tim thai. Mục đích là mô tả siêu âm Doppler xung và các mode khác: Doppler phổ, Doppler năng lượng và phổ màu dòng chảy, là các loại Doppler thường được dùng để đánh giá vòng tuần hoàn mẹ-thai. Chúng tôi không mô tả kỹ thuật Doppler liên tục vì nó không thường dùng trong sản khoa, tuy nhiên trong một số ca nếu thai có dòng chảy có vận tốc rất cao (hẹp động mạch chủ hay hở van ba lá) thì có thể hữu ích để xác định vận tốc tối đa, tránh tình trạng vượt ngưỡng (aliasing)…
  • Các kỹ thuật và thao tác thực hành được mô tả trong hướng dẫn nay được đã được chọn lọc để giảm thiểu tối đa sự sai lệch do đo đạc và cải thiện kết quả. Các hướng dẫn này có thể không áp dụng được cho một số tình huống lâm sàng đặc biệt hay cho các protocol nghiên cứu.

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Hướng dẫn thực hành lâm sàng Siêu âm Doppler trong sản khoa của ISUOG » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines – Use of Doppler ultrasonography in obstetrics » Download PDF

6. Hướng dẫn thực hành siêu âm tim thai nhi của ISUOG

Người dịch: BS Nguyễn Xuân Lan
Hiệu chỉnh: BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Tài liệu này được sửa đổi và cập nhật thêm những hướng dẫn gần đây nhất của ISOUG trong tầm soát dị tật tim thai nhi giai đoạn giữa thai kỳ 1 cũng như phát hiên dị tật tim trước sanh (CHD). Khuyến cáo mới của ISUOG là mặt cắt các buồng thoát cũng như mặt cắt bốn buồng tim nên được đưa vào siêu âm tầm soát thường quy dựa trên những bằng chứng, những hướng dẫn gần đây và những khuyến cáo từ những các chuyên ngành khác.
  • Dị tât tim (CHD) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, với tỉ lệ mắc khoảng 4-13/1000 ca sinh sống [6-8]. Giữa năm 1950 và 1994, theo báo cáo của tố chức y tế thế giới (WHO) có 24 % thai nhi tử vong do dị tật tim [9]. Bất thường cấu trúc tim là bất thường thường bị bỏ sót trong số những bất thường hay gặp trong siêu âm trước sinh10,11. Phát hiện dị tật tim trước sinh có thể cải thiện dự hậu của thai nhi có bất thường tim đặc biệt [12–16], nhưng tỉ lệ phát hiện trước sanh rất khác nhau [17]. Có thể do kinh nghiệm người khám, mẹ béo phì, đầu dò, sẹo mổ ở bụng, tuổi thai, thể tích nước ối và tư thế thai [18,19]..
  • Các chuyên gia tiền sản nên có những phản hồi và đào tạo cơ bản cho tuyến dưới , giúp số lượng bệnh chuyển đến giảm và tạo thuận lợi cho việc đánh giá những trường hợp bệnh lí đặc biệt là những yếu tố rất quan trọng để cải thiện hiệu quả cho chương trình tầm soát. Ví dụ, tỉ lệ phát hiện dị tật tim tăng gấp đôi sau khi thực hiện một chương trình đào tạo 2 năm cho một cơ sở y tế ở miền Bắc nước Anh.
  • Chương trình tầm soát tim thai nhi được thiết kế sao cho tỉ lệ phát hiện cao nhất trong tam cá nguyệt hai. Hướng dẫn này có thể được dùng để đánh giá những thai kì nguy cơ thấp như một phần trong quá trình khám thường qui. Cách tiếp cận này có thể giúp nhận diện những thai nhi có nguy cơ bị những hội chứng di truyền và cung cấp những thông tin hữu ích cho việc tư vấn bệnh nhân, quản lý thai sản và những chăm sóc khác. Khi nghi ngờ bất thường tim thai , cần đánh giá toàn diện hơn bằng siêu âm tim thai chuyên sâu.

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Hướng dẫn thực hành Siêu âm tim thai nhi của ISUOG » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines – Sonographic screening examination of the fetal heart » Download PDF

7. Hướng dẫn thực hành siêu âm trong chuyển dạ theo ISUOG

Người dịch: BS Nguyễn Thị Tuyết Hà
Hiệu chỉnh: BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Mục đích của những hướng dẫn này là xem xét lại các kỹ thuật siêu âm trong chuyển dạ và ứng dụng của chúng trong thực hành, nhằm tổng kết các mức độ chứng cứ của việc sử dụng siêu âm trong chuyển dạ, từ đó cung cấp các hướng dẫn cho các bác sĩ khi nào có chỉ định thực hiện siêu âm và các dấu hiệu hình ảnh có thể ảnh hưởng như thế nào đến việc xử lý một cuộc chuyển dạ.
  • Từ trước đến nay, việc đánh giá và quản lý một cuộc chuyển dạ được dựa trên thăm khám lâm sàng [1 -7]. Chẩn đoán thai trình ngưng tiến và quyết định lựa chọn phương pháp can thiệp chủ yếu dựa trên việc thăm khám bằng tay độ mở cổ tử cung, độ lọt và kiểu thế thai [8-17]. Tuy nhiên, thăm khám lâm sàng thường thiếu chính xác và chủ quan [18-25], đặc biệt là khi có bướu huyết thanh sẽ gây khó khăn cho việc xác định vị trí thóp, đường liên thóp của thai.
  • Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng siêu âm chính xác hơn thăm khám lâm sàng trong chẩn đoán kiểu thế, độ lọt thai trong khung chậu [19-33] và trong dự đoán thai trình ngưng tiến [34-42]. Xét trong một chừng mực nào đó thì siêu âm có thể giúp phân biệt được sản phụ có khả năng sanh ngã âm đạo với mổ lấy thai43-47. Thậm chí, một vài bằng chứng cho thấy siêu âm trong chuyển dạ có thể tiên lượng được kết cục của một cuộc sanh giúp [44-48]. Siêu âm có thể được tiến hành qua ngã bụng nhằm xác định vị trí đầu và cột sống [49], hoặc tiến hành qua ngã đáy chậu để xác định kiểu thế và độ lọt của thai. Nhiều thông số định lượng trên siêu âm được đề xuất nhằm đánh giá độ lọt của thai [30-32,34,35,40,42,43,50,51]. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có đồng thuận nào về việc xác định thời điểm siêu âm trong chuyển dạ, thông số nào nên đo đạc và các đặc điểm trên siêu âm được dùng như thế nào trong thực hành lâm sàng.

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Hướng dẫn thực hành siêu âm trong chuyển dạ theo ISUOG » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines – Intrapartum ultrasound » Download PDF

8. Hướng dẫn thực hành ISUOG: Siêu âm đánh giá các chỉ số sinh trắc và sự tăng trưởng thai nhi

Người dịch: BS Mai Thị Tú Uyên
Hiệu chỉnh: BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Mục tiêu của các hướng dẫn này là mô tả cách đánh giá đúng các chỉ số sinh trắc thai và những rối loạn về tăng trưởng. Những rối loạn này chủ yếu gồm thai chậm tăng trưởng (FGR), hay còn gọi là chậm tăng trưởng trong tử cung (IUGR), thai lớn so với tuổi thai; cả hai dạng này đều cho các biến chứng thai kì và dự hậu chu sinh xấu. Tầm soát, xử trí thích hợp cho các dạng bất thường tăng trưởng là phần không thể thiếu trong chăm sóc tiền sản, và siêu âm đóng một vai trò chính yếu.
  • Những chỉ số sinh trắc thường được đo đạc nhất là đường kính lưỡng đỉnh (BPD), chu vi đầu (HC), chu vi bụng (AC) và chiều dài xương đùi (FL). Các chỉ số này được dùng để tính trọng lượng ước đoán (EFW) bằng nhiều công thức khác nhau [1]. Một điểm quan trọng là cần phân biệt kích thước thai tại một thời điểm và quá trình tăng trưởng của thai; đánh giá tăng trưởng thai cần có ít nhất 2 lần siêu âm tại hai thời điểm khác nhau. Triệu chứng và bệnh sử của mẹ, chỉ số nước ối và Doppler có thể cung cấp các thông tin giúp tiên đoán dự hậu xấu thai kì.
  • Đánh giá tuổi thai chính xác là điều kiện tiên quyết để xác định kích thước của thai có tương ứng với độ tuổi hay không. Trừ trường hợp thụ thai bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản, ngày chính xác hình thành hợp tử không thể xác định được. Về mặt lâm sàng, hầu hết ngày dự sanh được tính theo ngày kinh chót, tuy nhiên cách tính này đôi khi không chính xác và không tin cậy. Vì vậy, ngày dự sanh xác định khi thai 8-14 tuần, dựa vào chỉ số chiều dài đầu mông (CRL), là phương pháp đáng tin nhất để tính tuổi thai. Khi CRL lớn hơn 84mm, HC nên được dùng để tính tuổi thai. HC, có hoặc không kèm với FL, có thể được dùng để tính tuổi thai ở tam cá nguyệt 2 nếu không có siêu âm nào ở tam cá nguyệt 1 hoặc chu kì kinh không đều. Khi đã xác định được ngày dự sinh chính xác, những lần khảo sát sau đó không nên tính lại ngày dự sinh nữa. Siêu âm định kì có thể giúp xác định thai có phát triển bình thường không.
  • Trong hướng dẫn này, chúng tôi giả định rằng tuổi thai đã biết và được tính theo cách đã mô tả ở trên, đơn thai và hình thái học thai nhi bình thường. Chi tiết của các phân nhóm khuyến cáo sử dụng trong hướng dẫn được mô tả chi tiết ở phụ lục 1. Các mức độ chứng cứ không áp dụng trong hướng dẫn này.

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Hướng dẫn thực hành ISUOG: Siêu âm đánh giá các chỉ số sinh trắc và sự tăng trưởng thai nhi » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines – Ultrasound assessment of fetal biometry and growth » Download PDF

9. Hướng dẫn thực hành ISUOG: Vai trò của siêu âm trong tầm soát và theo dõi tiền sản giật

Người dịch: BS Nguyễn Thị Tuyết Hà
Hiệu chỉnh: BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Tăng huyết áp trong thai kì ảnh hưởng đến 10% thai phụ [1] và tỉ suất mới mắc tiền sản giật (TSG) trên toàn cầu là 3% [2]. Sự khác biệt có ý nghĩa giữa các quốc gia đang phát triển và đã phát triển có thể có thật hoặc chỉ do sai lệch trong thu thập số liệu. TSG và các biến chứng góp phần chính vào bệnh suất và tử suất của mẹ và chu sinh trên toàn thế giới [1,3]. Việc chăm sóc kịp thời và hiệu quả được cho rằng có thể cải thiện kết cục của TSG [3], do đó phát triển chiến lược dự đoán và tầm soát hiệu quả đã trở thành một mục tiêu chính của chăm sóc trước sinh và của các nghiên cứu.
  • TSG là một bệnh hệ thống đa cơ quan, bắt nguồn từ nhiều yếu tố: khiếm khuyết bánh nhau, stress oxy hóa, tự miễn, kích hoạt tiểu cầu và thrombin, viêm nội mạch, rối loạn nội mô, mất cân bằng trong quá trình tạo mạch và đáp ứng kém của hệ tim mạch người mẹ. Sự khiếm khuyết trong xâm nhập của gai nhau liên quan mật thiết với hầu hết các trường hợp TSG khởi phát sớm và nặng [4]. Ngược lại, sự khiếm khuyết này dường như ít ảnh hưởng đến những trường hợp TSG xuất hiện muộn, chẳng hạn sau 34 tuần. Khi so với các thai kì bị ảnh hưởng bởi bệnh khởi phát sớm, thì bất thường mô học bánh nhau có tần suất thấp hơn [6] và các yếu tố từ mẹ (ví dụ tăng huyết áp mạn hoặc rối loạn chuyển hóa) có mối liên quan nhiều hơn một cách có ý nghĩa [4]. Khác biệt giữa TSG khởi phát sớm và muộn còn do yếu tố nguy cơ [7], sự đáp ứng của hệ mạch mẹ [8], thực hiện tầm soát [9] và hiệu quả của việc dự phòng TSG [10].
  • Sự hiểu biết ngày càng sâu sắc về sinh bệnh học của TSG được phản ánh qua chiến lược tầm soát đang thực hiện hiện nay, dựa trên bệnh sử, chủng tộc, chỉ dấu sinh học (bao gồm huyết áp động mạch) và Dopler động mạch tử cung [11].
  • Hiện nay trên PubMed có hơn 10000 bài báo liên quan đến tầm soát TSG, chứng tỏ chủ đề này đang rất được quan tâm. Ít hơn 1/5 các tài liệu này bàn về tầm soát sớm TSG, đó chính là sự phát triển trong thập kỉ vừa qua. Mục đích chính của hướng dẫn này là giúp xem xét lại những chứng cứ mới nhất, cũng như cung cấp các khuyến cáo dựa trên bằng chứng về vai trò của siêu âm trong tầm soát và theo dõi TSG. Tài liệu này tập trung vào kỹ thuật và các đặc điểm lâm sàng trong việc tầm soát, không mở rộng đến các vấn đề chính sách, kinh tế y tế cũng như vấn đề chi phí – hiệu quả đem lại của việc tầm soát. Thêm vào đó, hướng dẫn này được phát triển với giả định rằng các nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện tầm soát và theo dõi (công cụ thiết bị, người thực hiện, thẩm định chuyên môn) là sẵn có. Các bước tiến hành và quy trinh được mô tả trong hướng dẫn này không nhằm mục đích trở thành tiêu chuẩn pháp lý cho lâm sàng.

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Hướng dẫn thực hành ISUOG: Vai trò của siêu âm trong tầm soát và theo dõi tiền sản giật » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines – Role of ultrasound in screening for and follow-up of pre-eclampsia » Download PDF

10. Hướng dẫn thực hành ISUOG: Cộng hưởng từ thai nhi

Người dịch: BS La Hồng Châu
Hiệu chỉnh: BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Cộng hưởng từ (MRI) thai nhi là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh quan trọng hổ trợ cho siêu âm, để đánh giá chi tiết sự phát triển não thai nhi. Một cuộc khảo sát được tiến hành bởi ISUOG vào năm 2014 (phụ lục S1), trong 60 thành viên của trung tâm chu sinh quốc tế, thấy rằng MRI thai nhi được thực hiện ở một hay nhiều trung tâm trên hơn 27 quốc gia. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh, các chuỗi xung được sử dụng và kinh nghiệm của người đọc kết quả có sự khác biệt lớn giữa các trung tâm. (nguồn: hinhanhykhoa.com)
  • Sự khác biệt do những tác động trên cần được giảm thiểu bằng các hướng dẫn nhằm xác định vai trò tốt hơn của MRI thai nhi so với siêu âm chẩn đoán trước sinh. Mục đích của tài liệu này nhằm cung cấp thông tin hiện đại nhất về MRI thai nhi cho thực hiện chụp MRI, cũng như việc diễn giải kết quả của các nhà lâm sàng.

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Hướng dẫn thực hành ISUOG: Cộng hưởng từ thai nhi » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines – Performance of fetal magnetic resonance imaging » Download PDF

11. Hướng dẫn thực hành ISUOG: Vai trò của siêu âm trong nhiễm trùng bào thai

Người dịch: BS Nguyễn Hoàng Long, BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Siêu âm là chìa khoá trong chẩn đoán và xử trí các trường hợp nhiễm trùng bào thai. Trong một số trường hợp, những dấu hiệu bất thường trên siêu âm ban đầu có thể gợi ý để chỉ định làm các xét nghiệm huyết thanh mẹ để chẩn đoán nhiễm trùng bào thai; một số khác, sàng lọc nhiễm trùng trong thai kỳ hoặc các triệu chứng lâm sàng của thai phụ có thể là chỉ định siêu âm nhằm tìm ra các bất thường của thai nhi. Một khi đã xác định chẩn đoán nhiễm trùng bào thai, siêu âm được dùng để tiên lượng thai nhi, hướng dẫn cho các thủ thuật chẩn đoán/can thiệp hoặc các bước xử trí tiếp theo.
  • Trong Hướng dẫn này, chúng tôi sẽ đánh giá vai trò của siêu âm trong chẩn đoán và xử trí nhiễm trùng bào thai, thảo luận về các dấu hiệu trên siêu âm và giá trị tiên lượng của siêu âm. Chúng tôi sẽ đi sâu vào 6 loại nhiễm trùng và các tác nhân gây bệnh, bao gồm: cytomegalovirus (CMV), toxoplasma, parvovirus B19, rubella virus, varicella-zoster virus (VZV, gây bệnh thuỷ đậu) và Zika virus (ZIKV). Trong mỗi loại, chúng tôi sẽ thảo luận về đặc điểm siêu âm, tuổi thai khởi phát nhiễm trùng và chẩn đoán nhiễm trùng bào thai/thai phụ, và tóm tắt cách xử trí phù hợp. Hướng dẫn này sẽ không tập trung vào việc dự phòng hoặc sàng lọc thường quy đối với nhiễm trùng bào thai, vì điều này khác nhau giữa các quốc gia. Những nhà lâm sàng cần tuân thủ các Hướng dẫn địa phương về các khía cạnh: có sàng lọc hay không, thời điểm sàng lọc, phương thức sàng lọc, diễn giải kết quả xét nghiệm và theo dõi những trường hợp sàng lọc dương tính hoặc âm tính.
  • Mặc dù có những báo cáo trường hợp về nhiễm herpes simplex virus (HSV) trong bào thai, tuy nhiên chúng tôi sẽ không thảo luận về virus này trong Hướng dẫn này, vì đa số các trường hợp nhiễm HSV sau sinh đều là hậu quả của việc thai nhi tiếp xúc với đường sinh dục người mẹ hoặc nhiễm trùng ngược dòng sau khi vỡ ối non. Sự lây truyền HSV từ mẹ sang con trong bào thai là rất hiếm, ước tính khoảng 5% trong tổng số các trường hợp, thứ phát sau sự lây nhiễm máu thông qua bánh nhau [1].

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Hướng dẫn thực hành ISUOG: Vai trò của siêu âm trong nhiễm trùng bào thai » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines – Role of ultrasound in congenital infection » Download PDF

12. Hướng dẫn thực hành ISUOG: Các thủ thuật xâm lấn trong chẩn đoán tiền sản

Người dịch: BS Nguyễn Thị Thu Hiền, BS Đặng Xuân Kỳ, BS Phan Kiều Linh
Hiệu đính: BS Nguyễn Hoàng Long
Chịu trách nhiệm nội dung: BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Mục tiêu của hướng dẫn này là mô tả các đặc điểm chính của các thủ thuật xâm lấn trong chẩn đoán tiền sản. Những vấn đề về mặt kỹ thuật, chỉ định lâm sàng, khả năng chẩn đoán và các biến chứng có thể xảy ra sẽ được giới thiệu dựa trên các bằng chứng hiện tại trong y văn. Trong kỷ nguyên bùng nổ của việc sử dụng DNA thai tự do (cell-free DNA; cffDNA), số lượng trường hợp được chỉ định xét nghiệm tiền sản xâm lấn giảm đáng kể, điều này tác động lớn đến thực hành lâm sàng.
  • Hướng dẫn này tổng hợp các thông tin về thời điểm, chỉ định và kỹ thuật thực hiện xét nghiệm chẩn đoán tiền sản xâm lấn. (nguồn: hinhanhykhoa.com)

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Hướng dẫn thực hành ISUOG: Các thủ thuật xâm lấn trong chẩn đoán tiền sản » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines – Invasive procedures for prenatal diagnosis » Download PDF

13. Hướng dẫn thực hành ISUOG: Vai trò của siêu âm trong song thai

Người dịch: BS Nguyễn Anh Duy, BS Lê Thị Diễm Phúc, BS Nguyễn Thị Ngọc Tú
Hiệu đính: BS Nguyễn Hoàng Long
Chịu trách nhiệm nội dung: BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Mang thai muộn, tuổi mẹ ngày càng tăng và việc tăng sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản dẫn đến tỷ lệ đa thai ngày càng tăng. Tỷ lệ song thai tăng khoảng gần 70% từ năm 1980 (19 trên 1000 trẻ) đến năm 2006 (32 trên 1000 trẻ).
  • Song thai có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Trong năm 2009, tỷ lệ thai chết lưu đối với song thai là 12/1000 và đối với tam thai và đa thai khác là 31/1000, trong khi đối với đơn thai thì tỷ lệ này là 5/1000. Tỷ lệ sanh non trước 37 tuần lên đến 60% ở đa thai, làm tăng tỷ lệ tử vong chu sinh (65% trẻ đa thai tử vong chu sinh là do sinh non, so với 43% tử vong chu sinh ở nhóm đơn thai) và tỷ lệ bệnh mãn tính. Tỉ lệ xuất hiện biến chứng tăng lên nếu sinh non càng sớm. Ngoài ra, tỉ lệ sinh non do chỉ định y khoa đối với song thai cao hơn đa thai, vì thai kỳ song thai có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn ở mẹ và thai. Nguy cơ này cao hơn đáng kể ở song thai một bánh nhau khi so với song thai hai bánh nhau.
  • Siêu âm đánh giá sinh trắc học, khảo sát hình thái, đo chỉ số vận tốc Doppler và đo thể tích nước ối, được dùng để xác định và theo dõi những song thai có nguy cơ mắc các biến chứng như hội chứng truyền máu song thai (TTTS) và thai chậm tăng trưởng (FGR). Cũng như trong đơn thai, để biết sự tăng trưởng của thai ở song thai có bị suy giảm hay không, ta so sánh các chỉ số sinh trắc và chỉ số vận tốc Doppler với nhóm thai bình thường.
  • Hướng dẫn này sẽ bao gồm vai trò của siêu âm ở song thai không biến chứng, song thai có biến chứng hội chứng truyền máu song thai (TTTS), thai chậm tăng trưởng có chọn lọc (sFGR), biến chứng song thai thiếu máu đa hồng cầu (TAPS), tưới máu đảo ngược trong song thai (TRAP), song thai dính và song thai với 1 thai lưu trong tử cung (IUD). Hướng dẫn các phương pháp dùng để xác định tuổi thai, số lượng bánh nhau, sàng lọc các bất thường nhiễm sắc thể và bất thường cấu trúc, và sàng lọc TTTS, TAPS, các tăng trưởng bất thường và sang non. Quản lý các đa thai khác sẽ được hướng dẫn trong tài liệu khác.

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Hướng dẫn thực hành ISUOG: Vai trò của siêu âm trong song thai » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines – Role of ultrasound in twin pregnancy » Download PDF

14. Hướng dẫn thực hành ISUOG: Chẩn đoán và quản lý thai nhỏ so với tuổi thai và thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung

Người dịch: BS Lê Tiểu My
Hiệu đính: BS Nguyễn Hoàng Long, BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Đánh giá tăng trưởng thai là một trong những mục tiêu chính yếu trong chăm sóc tiền sản. Sự tăng trưởng của thai nhi phụ thuộc rất nhiều yếu tố, bao gồm chức năng tuần hoàn nhau-thai, bệnh lý ở mẹ, chức năng tuần hoàn của mẹ hoặc bệnh lý về tim mạch, dinh dưỡng, kiến thức, thói quen hút thuốc hoặc sử dụng các chất gây nghiện, bệnh lý sẵn có như nhiễm trùng, lệch bội, một số bất thường di truyền… Tuy nhiên, suy giảm hoặc rối loạn tuần hoàn nhau-thai là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây rối loạn tăng trưởng ở thai nhi.
  • Tăng trưởng không đúng mức có thể tăng các nguy cơ mắc bệnh và tử vong chu sinh, cùng với ảnh hưởng đến sự phát triển dài hạn của trẻ [1]. Nhìn chung, thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung thường đi kèm sinh non [2], chậm phát triển tâm thần hoặc tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, hội chứng chuyển hoá, đề kháng insulin, đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch và đột quỵ khi trưởng thành [3]. Chẩn đoán sớm thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung nhằm mục tiêu có kế hoạch dự phòng thai lưu vì có đến 30% trường hợp thai chết lưu trong tử cung vào ba tháng cuối thai kỳ liên quan đến thai giới hạn tăng trưởng và thai nhỏ so với tuổi thai [4,5].
  • Hướng dẫn này đưa ra các định nghĩa về FGR, trước đây gọi là thai chậm tăng trưởng trong tử cung và SGA, đề ra các phương án quản lý tốt nhất dựa trên dữ liệu và thông tin cập nhật. Để đúng mục tiêu của Hướng dẫn này, chúng ta ngầm hiểu đối tượng áp dụng là đơn thai, tuổi thai được tính chính xác (tốt nhất là tính trong ba tháng đầu dựa trên siêu âm) và không có bất thường ở thai nhi, chẳng hạn như dị bội, dị tật bẩm sinh hoặc nhiễm trùng. Chi tiết về các cấp độ khuyến nghị được sử dụng trong Hướng dẫn này được cung cấp trong Phụ lục 1. Hướng dẫn không ghi nhận mức độ của các chứng được sử dụng. (nguồn: hinhanhykhoa.com)

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Hướng dẫn thực hành ISUOG: Chẩn đoán và quản lý thai nhỏ so với tuổi thai và thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines – Diagnosis and management of small for gestational age fetus and fetal growth restriction » Download PDF

15. Hướng dẫn thực hành ISUOG (cập nhật): Siêu âm Doppler trong sản khoa

Người dịch: BS Nguyễn Thị Thu Hiền, BS Đặng Xuân Kỳ
Hiệu đính: BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Tài liệu này hướng dẫn thực hành siêu âm Doppler nhằm đánh giá tuần hoàn nhau-thai. Điều quan trọng nhất là tránh tiếp xúc năng lượng siêu âm quá mức gây ảnh hưởng đến phôi thai hoặc thai nhi, đặc biệt trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Ở giai đoạn này, siêu âm Doppler chỉ nên được thực hiện khi có chỉ định lâm sàng với mức năng lượng thấp nhất có thể. ISUOG đã công bố “Hướng dẫn siêu âm Doppler ở thời điểm thai từ 11 đến 13 tuần 6 ngày” 1. Khi đánh giá Doppler, chỉ số nhiệt nên ≤ 1 và thời gian tiếp xúc là ngắn nhất có thể, thường không quá 5-10 phút.
  • Hướng dẫn này không nhằm mục đích đưa ra các chỉ định lâm sàng, thời điểm đánh giá Doppler thích hợp trong thai kỳ, cũng như diễn giải các dấu hiệu hay việc sử dụng Doppler trong thực hành siêu âm tim thai. Mục tiêu của bản hướng dẫn là mô tả siêu âm Doppler xung và các dạng Doppler khác của nó: Doppler phổ, Doppler màu và Doppler năng lượng, là các loại Doppler thường được sử dụng để đánh giá tuần hoàn mẹ – thai nhi. Chúng tôi không mô tả kỹ thuật Doppler liên tục, do kỹ thuật này thường không được ứng dụng trong trong siêu âm sản khoa. Tuy nhiên, trường hợp thai nhi có bất thường với vận tốc dòng chảy quá cao (như hẹp động mạch chủ hoặc hở van ba lá), Doppler liên tục có thể giúp xác định chính xác vận tốc tối đa nhờ tránh được hiện tượng vượt ngưỡng (aliasing).
  • Các kỹ thuật và thực hành được mô tả trong Hướng dẫn đã được lựa chọn để giảm thiểu tối đa sai số đo lường và cải thiện hiệu quả, tuy nhiên chúng có thể không áp dụng được trong một số trường hợp lâm sàng hoặc quy trình nghiên cứu.

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Hướng dẫn thực hành ISUOG (cập nhật): Siêu âm Doppler trong sản khoa » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines (updated) – Use of Doppler velocimetry in obstetrics » Download

16. Hướng dẫn thực hành ISUOG (cập nhật): Siêu âm khảo sát thai nhi thường quy ở quý 2

Người dịch: BS Nguyễn Thị Thu Hiền, BS Nguyễn Văn Bảo Trân
Hiệu đính: BS Nguyễn Hoàng Long, BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Siêu âm đã được sử dụng rộng rãi trong khảo sát cấu trúc giải phẫu và tăng trưởng thai giai đoạn trước sinh, cũng như trong vấn đề quản lý thai kỳ đa thai. Siêu âm trong quý 2 chủ yếu để đánh giá cấu trúc giải phẫu thai nhi. Các chuyên gia có thể phát hiện phần lớn các bất thường cấu trúc quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khác biệt về tỉ lệ phát hiện giữa các trung tâm và giữa các bác sĩ siêu âm. Siêu âm quý II còn đóng vai trò là cơ sở để so sánh với các lần siêu âm sau trong quá trình đánh giá tăng trưởng thai. Mặc dù nhiều quốc gia đã có các hướng dẫn thực hành riêng về siêu âm thai, tuy nhiên nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa làm điều này. Đa số các quốc gia đều đưa ra khuyến nghị tối thiểu một lần siêu âm tại quý 2 thai kỳ trong lịch chăm sóc trước sinh thường quy. Tài liệu này giới thiệu các tiêu chuẩn cần đạt được trong lần siêu âm hình thái học ở quý 2, đây cũng là bản cập nhật cho các hướng dẫn trước đây.

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Hướng dẫn thực hành ISUOG (cập nhật): Siêu âm khảo sát thai nhi thường quy ở quý 2 » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines (updated): Performance of the routine mid-trimester fetal ultrasound » Download PDF

17. Hướng dẫn thực hành ISUOG: Thực hành siêu âm sản khoa trong quý 3 (BS Võ Tá Sơn 2024)

Người dịch: BS Võ Tá Sơn

Giới thiệu

  • Đánh giá có hệ thống về tác động của siêu âm thường quy trong tam cá nguyệt thứ ba đã cung cấp những ước tính mạnh về độ chính xác trong chẩn đoán các dị tật thai nhi, thai nhỏ hơn so với tuổi thai (SGA) và thai lớn hơn so với tuổi thai (LGA), cũng như một số kếtcục chu sinh bất lợi. Tài liệu này phác thảo các hướng dẫn được khuyến cáo để tiến hành kiểm tra siêu âm trong tam cá nguyệt thứ ba, bao gồm xác định vị trí nhau thai và ngôi thai, đo sinh trắc học thai nhi, xác định các dị tật của thai nhi, đánh giá thể tích nước ối và ghi lại các kết quả Doppler thai nhi và động mạch tử cung. Hướng dẫn cũng đề cập đến việc sàng lọc SGA và thai to trong tam cá nguyệt thứ ba, đồng thời đánh giá xem nên thực hiện siêu âm định kỳ trong tam cá nguyệt thứ ba ở tuổi thai nào (GA). Cuối cùng, hướng dẫn này cũng thảo luận về một số tình huống nhất định, chẳng hạn như nghi ngờ mạch máu tiền đạo hoặc sự kết hợp giữa nhau thai bám thấp và tiền sử mổ lấy thai trước đó, trong đó các bước bổ sung và đánh giá chi tiết nên được đưa vào siêu âm tam cá nguyệt thứ ba.
  • Hướng dẫn này không đề cập đến việc liệu siêu âm tam cá nguyệt thứ ba có nên được thực hiện thường xuyên cho tất cả các trường hợp mang thai đơn thai có nguy cơ thấp hay không, vì tính sẵn có của nó khác nhau tùy theo nguồn lực và bác sĩ lâm sàng nên tuân theo hướng dẫn của địa phương. Hơn nữa, Hướng dẫn này không đề cập đến nội dung, tần suất hoặc GA của siêu âm tam cá nguyệt thứ ba trong trường hợp đa thai vì điều này được đề cập chi tiết trong hướng dẫn ISUOG về song thai [1]. Tương tự, nó không đề cập đến các bệnh lý hoặc biến chứng khác có thể phân loại thai kỳ là ‘nguy cơ cao’, chẳng hạn như tiền sản giật [2], tiểu đường và thai chậm tăng trưởng (FGR) [3], một số trong số đó đã được đề cập trong các hướng dẫn khác của ISUOG.

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines: Performance of Third-Trimester Obstetric Ultrasound Scan » Download PDF

17. Hướng dẫn thực hành ISUOG: Siêu âm quý 3 thai kỳ (VSUM 2024)

Người dịch: BS. Phạm Thị Bảo Châu (Bệnh viện Từ Dũ), BS. Thái Doãn Minh (Bệnh viện Mỹ Đức)
Hiệu đính: BS Hà Tố Nguyên

Giới thiệu

  • Đánh giá một cách hệ thống về tác động của khảo sát siêu âm quý 3 thường quy đã cung cấp những ước tính tin cậy về độ chính xác trong chẩn đoán đối với các dị tật thai nhi, thai nhỏ so với tuổi thai (small-for-gestational age – SGA) và thai lớn so với tuổi thai (large-for-gestational age – LGA), cũng như một số kết cục chu sinh bất lợi. Tài liệu này phác thảo các hướng dẫn được khuyến nghị thực hành khảo sát siêu âm quý 3, bao gồm xác định vị trí bánh nhau và ngôi thai, đo sinh trắc học thai nhi, xác định các dị tật thai nhi, đánh giá thể tích nước ối và trình bày các kết quả về thai và doppler động mạch tử cung. Hướng dẫn cũng đề cập đến việc sàng lọc SGA và thai to trong quý 3, đồng thời đánh giá nên thực hiện siêu âm quý 3 thường quy ở tuổi thai nào. Cuối cùng, hướng dẫn bàn luận về một số tình huống nhất định, như mạch máu tiền đạo hoặc kết hợp giữa nhau bám thấp và tiền căn mổ lấy thai, trong đó các bước bổ sung và đánh giá chi tiết nên được đưa vào siêu âm quý 3.
  • Hướng dẫn này không trả lời câu hỏi có nên chỉ định siêu âm quý 3 thường quy với tất cả các thai kỳ đơn thai nguy cơ thấp hay không, vì tính sẵn có của nó khác nhau tuỳ nguồn lực, và các bác sĩ lâm sàng nên tuân theo các hướng dẫn của địa phương. Hơn nữa, hướng dẫn này không đề cập đến nội dung, tần suất, hoặc tuổi thai của siêu âm quý 3 trong nhóm song thai, bởi nó đã được trình bày chi tiết trong hướng dẫn của ISUOG trong thai kỳ song thai [1]. Tương tự, hướng dẫn không đề cập tới các bệnh lý hoặc biến chứng khác có thể được phân loại là “thai kỳ nguy cơ cao”, như tiền sản giật [2], đái tháo đường và thai giới hạn tăng trưởng (fetal growth restriction – FGR) [3], một trong số đó được đề cập ở trong các hướng dẫn khác của ISUOG. Phụ lục 1 trình bày chi tiết về mức độ khuyến cáo và mức độ bằng chứng được sử dụng trong các hướng dẫn của ISUOG.

Đọc online

Link tải pdf

  • Bản dịch: Hướng dẫn thực hành ISUOG: Siêu âm quý 3 thai kỳ (VSUM) » Tải PDF
  • Bản gốc: ISUOG Practice Guidelines: Performance of Third-Trimester Obstetric Ultrasound Scan » Download PDF

Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký Nhận bài viết mới và theo dõi Kênh Youtube

Tải thêm Ebook tiếng Việt

Check Also

[CME] Hình ảnh ổ bụng (Buổi 4): Chẩn đoán hình ảnh các khối u sinh dục nữ

Chuỗi chương trình đào tạo liên tục (CME) về Hình ảnh học ổ bụng do Chi hội Hình ảnh học B…