[Sách dịch] Hướng dẫn thực hành siêu âm tim thai – Tứ chứng Fallot

Bài viết là bản dịch Chương 25 (phần 1) của sách Hướng dẫn thực hành siêu âm tim thai (A Practical Guide to Fetal Echocardiography: Normal and Abnormal Hearts) do GS Alfred AbuhamadGS Rabih Chaoui chủ biên.
Người dịch: BS Sơn Lâm, Hiệu chỉnh: BS Nguyễn Văn Thụy.
Đây là một nguồn tham khảo hay tạo nền tảng cho các bác sĩ thực hành siêu âm sàng lọc và chẩn đoán chuyên sâu các bệnh tim bẩm sinh.
Giới thiệu sách và các chương: Hướng dẫn thực hành siêu âm tim thai (A Practical Guide to Fetal Echocardiography: Normal and Abnormal Hearts, 3rd edition 2016)

Định nghĩa, các thể bệnh, tỷ lệ mắc

Tứ chứng Fallot (TOF) đặc trưng bởi thông liên thất dưới động mạch chủ (di lệch), gốc động mạch chủ cưỡi ngựa trên chỗ thông liên thất, hẹp phễu động mạch phổi (Hình 25.1). Phì đại thất phải là đặc điểm giải phẫu thứ tư của “tứ chứng” và thường không thể hiện trước sinh.

Dạng thường gặp là TOF với hẹp động mạch phổi, tuy nhiên thể bệnh của TOF bao gồm nhiều dạng như TOF với teo động mạch phổi, TOF với không có van phổi và hai dạng này sẽ được thảo luận chi tiết hơn ở phần sau chương này.

TOF là một trong những dạng phổ biến nhất của bệnh tim bẩm sinh có tím với khoảng 1/3.600 trẻ sinh sống và chiếm 3-7% ở trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh (1-3). Dạng TOF cổ điển với hẹp động mạch phổi chiếm khoảng 80% tổng số trẻ sinh ra mắc TOF.(nguồn: hinhanhykhoa.com)

Hình 25.1 Sơ đồ hình vẽ tứ chứng Fallot. Xem văn bản để biết chi tiết.


Dấu hiệu siêu âm tứ chứng Fallot

Siêu âm thang xám

Mặt cắt bốn buồng thể hiện bình thường ở tứ chứng Fallot (Hình 25.2A) trừ phi thông liên thất (VSD) lớn và biểu hiện trên mặt cắt này.

TOF thường được phát hiện trên mặt cắt năm buồng với hình ảnh VSD quanh màng kèm gốc động mạch chủ cưỡi ngựa bên trên nó (Hình 25.2B và 25.3 đến 25.5). Hình ảnh động mạch chủ cưỡi ngựa này do sự mất liên tục giữa vách liên thất và lớp áo giữa động mạch chủ (còn gọi là VSD di lệch), kèm theo kết nối một phần giữa động mạch chủ và thất phải (Hình 25.3). Vì vậy động mạch chủ hơi dịch sang phải và thuật ngữ gọi là động mạch chủ vị trí bên phải (aortic dextroposition).

Với việc nhận máu từ cả thất trái và thất phải nên gốc động mạch chủ dãn ra nhất là trong 3 tháng cuối, đây có thể là dấu hiệu đầu tiên gợi ý TOF (5). Ngoài ra, động mạch chủ cưỡi ngựa trong TOF có hướng song song với vách liên thất ngược với động mạch chủ lên ở tim bình thường (Hình 25.3).

Chẩn đoán TOF còn yêu cầu phải chứng minh tồn tại thân động mạch phổi nhưng hẹp và nó được thể hiện rõ nhất trên mặt cắt trục ngắn hoặc mặt cắt ba mạch máu (Hình 25.4 và 25.5). Trong một số dạng nhẹ hơn của TOF, đặc biệt là ở thai kỳ giữa, sự khác biệt về kích thước giữa thân động mạch phổi và động mạch chủ có thể tinh tế. Tuy nhiên, sự khác biệt về kích thước trở nên rõ ràng hơn khi thai tiến triển. Đôi khi TOF bị bỏ sót trong siêu âm tam cá nguyệt hai. Nhìn chung đó là những trường hợp nhẹ với sự khác biệt về đường kính mạch máu ở giai đoạn này không rõ ràng và VSD không dễ thấy. Các tác giả cũng đã quan sát thấy một vài trường hợp VSD quanh màng được chẩn đoán trong thai kỳ sớm với các đại động mạch có kích thước bình thường. Với thai tiến triển thì những VSD này di lệch nhiều hơn và lưu lượng máu ưu tiên vào động mạch chủ lên dẫn đến đường kính đại động mạch khác biệt và phát triển thành dạng TOF nhẹ.

Hình 25.2 Mặt phẳng ngang ngực thai trên siêu âm thang xám ngang mức mặt cắt bốn buồng (A) và năm buồng (B) ở thai tứ chứng Fallot. Lưu ý hình ảnh bình thường trên mặt cắt bốn buồng ở (A) và thông liên thất lớn (VSD) (mũi tên) và động mạch chủ cưỡi ngựa dãn (AO) ở (B). Động mạch chủ xuống (DAO) thấy bên trái cột sống (Sp) ở (A).

Hình 25.3 So sánh mặt cắt năm buồng ở thai bình thường (A) và thai tứ chứng Fallot với động mạch chủ cưỡi ngựa và thông liên thất lớn (VSD) (B). Ở thai bình thường (A), động mạch chủ lên (AO) chỉ về vai phải thai với góc rộng giữa hướng của vách liên thất (đường đứt nét) và thành trước của động mạch chủ lên (đường liền nét). Ở thai có động mạch chủ cưỡi ngựa (B), hướng động mạch chủ lên (đường liền nét) song song với vách liên thất (đường đứt nét). Dấu hiệu này cũng được ghi nhận trong các bất thường khác có động mạch chủ cưỡi ngựa.

Hình 25.4 Hai mặt cắt chẩn đoán tứ chứng Fallot điển hình: mặt cắt năm buồng (A) và mặt cắt ba mạch máu (B). Trên mặt cắt năm buồng (A), vách liên thất (VSD) với động mạch chủ cưỡi ngựa (AO) được thể hiện. Trên mặt cắt ba mạch máu (B), thân động mạch phổi (PA) nhỏ do hẹp động mạch phổi và động mạch chủ giãn do lưu lượng máu tăng.

Hình 25.5 Mặt cắt năm buồng trục (A) và mặt cắt ba mạch máu (B) ở thai tứ chứng Fallot. Lưu ý thông liên thất lớn (VSD) (mũi tên) với động mạch chủ cưỡi ngựa điển hình ở (A) và động mạch phổi nhỏ (PA) so với động mạch chủ giãn (AO) ở (B). Lưu ý ở thai này động mạch chủ xuống (DAO) nằm bên phải cột sống (SP) do kết hợp cung động mạch chủ bên phải.


Siêu âm Doppler màu

Doppler màu thuận lợi trong việc chứng minh VSD (dòng máu thông nối qua VSD) và xác nhận sự hiện diện của động mạch chủ cưỡi ngựa với dòng máu từ cả hai tâm thất đổ vào gốc động mạch chủ (Hình 25.6).

Doppler màu ở mặt cắt ba mạch máu-khí quản có thể thể hiện động mạch phổi nhỏ (Hình 25.7 và 25.8). Dòng máu vào động mạch chủ thường rối loạn trên Doppler màu do lưu lượng cao (Hình 25.6). Vận tốc Doppler màu và Doppler xung trong động mạch phổi nhìn chung là bình thường hoặc chỉ tăng nhẹ ở thai nhi, trái ngược với biểu hiện sau sinh (6) (Hình 25.8 và 25.9). Dòng chảy qua ống động mạch thuận chiều trong TOF nhẹ nhưng cũng có thể đảo ngược trong trường hợp nặng hơn (Hình 25.9). Trong những trường hợp này, tuần hoàn phổi phụ thuộc ống động mạch sau sinh có thể liên quan với tình trạng tím của trẻ.

Siêu âm tim thai với Doppler màu có thể phân biệt các dưới nhóm khác nhau của TOF như được thể hiện trong Bảng 25.1.

Hình 25.6 Mặt cắt năm buồng từ đỉnh trên Doppler màu ở thai (A) tứ chứng Fallot (TOF) đơn độc và ở thai (B) TOF kết hợp với kênh nhĩ thất và và cơ tim dày. Doppler màu cho thấy máu từ cả hai tâm thất phải (RV) và trái (LV) đổ vào động mạch chủ (AO) cưỡi ngựa, giãn ở cả hai thai. Dấu sao ( ) biểu thị vị trí thông liên thất và động mạch chủ cưỡi ngựa. Thai (B) chứng tỏ TOF có thể là một phần của dị tật tim phức tạp.

Hình 25.7 Mặt cắt năm buồng trục (A) và mặt phẳng ba mạch máu-khí quản (B) trên Doppler màu ở thai tứ chứng Fallot (TOF). Lưu ý ba dấu hiệu siêu âm chính trong TOF được thể hiện trên Doppler màu: thông liên thất ( ), động mạch chủ cưỡi ngựa (AO) thể hiện ở (A) và hẹp động mạch phổi (PA) với dòng chảy thuận chiều ở (B). So sánh dấu hiệu trên Doppler màu trong hình này với dấu hiệu trên siêu âm thang xám ở Hình 25.4 và 25.5.

Hình 25.8 Doppler màu và xung qua van động mạch phổi ở hai thai nhi tứ chứng Fallot (TOF). Ở thai (A), vận tốc Doppler trong phạm vi bình thường 80 cm/s, và ở thai nhi B vận tốc Doppler tăng nhẹ 130 cm/s. Chẩn đoán hẹp động mạch phổi ở TOF chủ yếu dựa vào kích thước động mạch phổi nhỏ (PA) chứ không phải là số đo vận tốc đỉnh.

Hình 25.9 Doppler màu và Doppler xung ống động mạch (DA) ở hai thai tứ chứng Fallot (TOF) và DA nhỏ. (A) dòng chảy thuận chiều trong DA được thể hiện trong suốt chu chuyển tim. (B) dòng chảy ngược trong DA được thể hiện trong kỳ tâm trương. Thai (B) có nguy cơ tuần hoàn phụ thuộc ống động mạch sau sinh.

Bảng 25.1 Đặc điểm phân biệt ba dưới nhóm của Tứ chứng Fallot (TOF)

TOF
Hẹp động mạch phổi
TOF
Teo động mạch phổi
TOF
Không van phổi
Mặt cắt bốn buồngBình thườngBình thườngRV dãn, đặc biệt trong thai kỳ muộn
Mặt cắt năm buồngVSD + Động mạch chủ cưỡi ngựaVSD + Động mạch chủ cưỡi ngựaVSD + Động mạch chủ cưỡi ngựa
Gốc động mạch chủDãn +Dãn ++Kích thước bình thường
Động mạch phổiHẹp, dòng chảy thuận chiềuRất hẹp hoặc thậm chí không thấy; dòng chảy ngượcDãn rõ với dòng
chảy to-and-fro
Ống động mạchDòng chảy thuận hoặc ngược chiều.
Ở cung động mạch chủ phải, ống động mạch khó thấy do nó nằm dưới cung động mạch chủ.
Ngoằn ngoèo với tưới máu ngược chiềuThường không có
MAPCAsKhông thường gặpHiện diện trong hơn 20% trường hợpKhông có
Tiên lượngTốtDè dặtDè dặt
Mất đoạn 22q1110%–15%20%–25%30%–40%

Siêu âm thai kỳ sớm

Có thể chẩn đoán TOF trong tam cá nguyệt một và đầu tam cá nguyệt hai nhưng đa số khó khăn.

Gợi ý chẩn đoán bao gồm gốc động mạch chủ lớn ở mặt cắt năm buồng trên siêu âm thang xám và Doppler màu (Hình 25.10) và/hoặc một động mạch phổi nhỏ (Hình 25.11). Động mạch chủ cưỡi ngựa không dễ phát hiện. Lệch trục tim (Hình 25.11A) có thể là gợi ý đầu tiên cho sự hiện diện của bất thường tim (7).

Kích thước khác biệt giữa động mạch chủ và động mạch phổi với dòng chảy thuận chiều trong cả hai mạch máu trên Doppler màu là một dấu hiệu quan trọng ở thai kỳ sớm này (Hình 25.10 và 25.11).

Nghiên cứu cho thấy có mối tương quan chặt giữa tăng độ mờ da gáy và TOF ngay cả khi không có bất thường nhiễm sắc thể, với gần một nửa trường hợp (8).

Hình 25.10 Tứ chứng Fallot lúc 13 tuần thai kỳ ở thai trisomy 18. (A) thông liên thất lớn (VSD) với động mạch chủ cưỡi ngựa (AO) được thể hiện ở mặt cắt năm buồng. (B) Doppler màu trên mặt cắt ba mạch máu-khí quản cho thấy một động mạch phổi nhỏ (PA) với dòng chảy thuận chiều.

Hình 25.11 Siêu âm đầu dò âm đạo thai nhi tứ chứng Fallot lúc thai 14 tuần. (A) và (B) thể hiện mặt cắt bốn buồng lần lượt ở thang xám và Doppler màu. Lưu ý hình ảnh bốn buồng bình thường ở (A) và (B) ngoại trừ trục tim nhẹ lệch sang trái ở (A). (B) cho thấy đổ đầy bình thường trong kỳ tâm trương.


Siêu âm ba chiều

Chế độ siêu âm cắt lớp (tomographic mode) áp dụng cho khối ba chiều (3D) thu được ngang mức mặt cắt bốn buồng cho phép thể hiện VSD, động mạch chủ cưỡi ngựa, động mạch phổi hẹp trong một khung nhìn với nhiều mặt phẳng (Hình 25.12).

Chế độ bề mặt (Surface mode) thể hiện rõ hơn động mạch chủ cưỡi ngựa trong không gian (Hình 25.13).

STIC (Spatiotemporal Image Correlation) với Doppler màu hiển thị ở chế độ glass-body thể hiện rõ động mạch chủ cưỡi ngựa (Hình 25.14A) và động mạch phổi hẹp so với động mạch chủ ở mặt cắt ba mạch máu-khí quản (so sánh hình 25.14B với hình 15.20C).

Hình 25.12 Khối 3D trên STIC màu được thể hiện trong kiểu cắt lớp ở thai tứ chứng Fallot, trình diễn trong một mặt cắt đổ đầy tâm thất kỳ tâm trương (ô ở hàng dưới), động mạch chủ cưỡi ngựa và đổ đầy từ cả hai thất (ô ở hàng giữa) và một động mạch phổi (PA) nhỏ so với động mạch chủ (AO) (ô ở hàng trên).

Hình 25.13 Siêu âm 3D chế độ hiển thị bề mặt hiển thị trên mặt cắt năm buồng ở thai tứ chứng Fallot. Lưu ý sự hiện diện của thông liên thất lớn (VSD) (mũi tên) và động mạch chủ giãn, cưỡi ngựa (AO).

Hình 25.14 Siêu âm 3D với STIC màu, hiển thị ở chế độ glass-body trên mặt cắt năm buồng (A) và ba mạch máu-khí quản (B) ở thai tứ chứng Fallot (TOF). Lưu ý động mạch chủ cưỡi ngựa (AO) kỳ tâm thu ở (A) với dòng máu từ thất phải (RV) và thất trái (LV). Động mạch phổi nhỏ (PA) với dòng chảy thuận chiều được thể hiện ở (B). Lưu ý kích thước PA nhỏ so với AO.


Bất thường tim và ngoài tim liên quan tứ chứng Fallot

Bất thường tim kết hợp có thể thấy trong TOF. Bất thường phổ biến trên siêu âm trước sinh là cung động mạch chủ bên phải và thấy đến 25% trường hợp. Đôi khi, kênh nhĩ thất cùng tồn tại với TOF và điều này làm tăng nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể. Tồn tại lỗ bầu dục hoặc thông liên nhĩ được báo cáo trong 83% trẻ sơ sinh mắc TOF và tồn tại tĩnh mạch chủ trên trái trong 11% trẻ sơ sinh mắc TOF. Thỉnh thoảng có sự biến đổi giải phẫu động mạch vành và điều này có thể ảnh hưởng đến phương pháp phẫu thuật sửa chữa.

Ngược với trẻ sơ sinh và nhũ nhi được chẩn đoán TOF, thai mắc dị tật tim này xu hướng có tỷ lệ cao hơn về bất thường ngoài tim, bất thường nhiễm sắc thể và các hội chứng di truyền. Bất thường bẩm sinh ngoài tim kết hợp khá phổ biến nhưng không liên quan với cơ quan nào cụ thể. Tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể khoảng 30% với trisomies 21, 13 và 18 chiếm phần lớn trường hợp. Tỷ lệ mất đoạn 22q11 từ 10% đến 15% thai nhi và trẻ sơ sinh mắc TOF. Nguy cơ mất đoạn 22q11 trong các trường hợp TOF tăng lên khi tuyến ức thiểu sản, cung động mạch chủ bên phải, có các bất thường ngoài tim hoặc đa ối.

Bảng 25.2 liệt kê các bất thường tim và ngoài tim thường gặp liên quan TOF.

TOF cũng có thể thấy trong các hội chứng bệnh như hội chứng Alagille, hội chứng CHARGE và nhiều hội chứng khác. Những năm gần đây có sự gia tăng trong việc sử dụng phân tích dưới nhiễm sắc thể (microarray) trong các bất thường tim phức tạp đó để đánh giá sự hiện diện của mất đoạn và lặp đoạn (xem Chương 4).

Bảng 25.2 Các bất thường tim và ngoài tim liên quan Tứ chứng Fallot

Các bất thường tim liên quan
Tồn tại lỗ bầu dục/thông liên nhĩ83%
Cung động mạch chủ bên phải25%
Tồn tại tĩnh mạch chủ trên trái11%
Kênh nhĩ thất<5%
Tuần hoàn mạch vành bất thường<5%
Kết nối tĩnh mạch phổi bất thường<1%
Các bất thường ngoài tim
Bất thường nhiễm sắc thể30%
Mất đoạn 22q1110%–15%
Bất thường bẩm sinh cơ quan giải phẫuPhổ biến

Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt TOF bao gồm các tình huống xuất hiện động mạch chủ cưỡi ngựa như teo động mạch phổi với VSD, không có van động mạch phổi, thân chung động mạch (CAT), thất phải hai đường ra, VSD di lệch mà không có bất thường đại động mạch.

Chẩn đoán những bất thường này có thể được bằng cách đánh giá chính xác kích thước và gốc của thân động mạch phổi, và Bảng 25.3 liệt kê các dấu hiệu khác trong chẩn đoán phân biệt các tổn thương tim này.

Bảng 25.3 Chẩn đoán phân biệt đại động mạch cưỡi ngựa lên thông liên thất (VSD)

Gợi ý chẩn đoánDấu hiệu khác
Tứ chứng Fallot– PA tồn tại, hẹp
– Dòng chảy thuận chiều
trong PA
– Dòng chảy thuận chiều hoặc ngược chiều trong DA
Teo động mạch phổi với VSD– PA rất hẹp
– Không có dòng chảy thuận chiều trong PA
– Dòng chảy ngoằn ngoèo và ngược chiều trong DA
Không có van phổi– PA rất lớn
– Dòng chảy tới và lui trong PA
– Thường không có DA
– Gốc động mạch chủ nhỏ hơn PA
Thân chung động mạch– PA phát xuất từ mạch máu cưỡi ngựa– Van của mạch máu cưỡi ngựa có thể thấy trào ngược
Thất phải hai đường ra

– PA cưỡi ngựa và hướng động mạch chủ song song– Giống TGA với VSD
– Động mạch chủ hoặc PA có thể có kích thước bình thường hoặc hẹp

Tiên lượng và kết quả

Thực hiện siêu âm trước sinh nối tiếp ghi nhận sự tăng trưởng của động mạch phổi và dòng chảy qua ống động mạch là rất quan trọng để tư vấn và chăm sóc phù hợp cho trẻ, vì sự tăng trưởng của động mạch phổi đã được chứng tỏ là có thể thay đổi và không thể đoán trước được.

Nhìn chung, các trường hợp được chẩn đoán tứ chứng Fallot trước sinh có tiên lượng xấu hơn so với các trường hợp chẩn đoán sau sinh do tăng mối tương quan với các bất thường nhiễm sắc thể, các hội chứng kết hợp hoặc các bất thường ngoài tim phức tạp.

Các nghiên cứu loạt ca và phân tích cơ sở dữ liệu phẫu thuật tim cho thấy tỷ lệ sống sót trong ngắn và dài hạn của trẻ nhũ nhi mắc TOF lên tới 90%.

Các dấu hiệu tiên lượng xấu bao gồm sự tăng trưởng chậm của động mạch phổi, tăng trưởng nhanh của động mạch chủ lên, ngừng dòng chảy đến qua van động mạch phổi, dòng chảy ngược chiều qua ống động mạch.

Các dấu hiệu siêu âm tim trước sinh dự đoán sự cần thiết của can thiệp sơ sinh ở thai tắc nghẽn đường ra thất phải đã được xem xét gần đây trong một số nghiên cứu.

Trong một nghiên cứu trên 52 thai tắc nghẽn đường ra thất phải, tỷ lệ van động mạch phổi/van động mạch chủ <0.6 hoặc van động mạch phổi có Z-score 3 ở lần siêu âm tim thai cuối có độ nhạy cao (92%) nhưng độ đặc hiệu kém (50%); trong khi phân loại dựa trên hướng dòng chảy trong ống động mạch là bình thường (tất cả đều từ động mạch phổi đến chủ) hoặc bất thường (động mạch chủ đến phổi hoặc hai chiều) đều có độ nhạy (100%) và độ đặc hiệu (95%) cao trong việc dự đoán sự cần thiết của can thiệp sơ sinh.

Trong một nghiên cứu gồm 23 thai sinh sống với TOF đơn độc, vận tốc đỉnh tâm thu qua van phổi (PVPSV) ≥87.5 cm/s lúc 19 đến 22 tuần dự đoán can thiệp sơ sinh sớm với độ nhạy 100% và độ đặc hiệu 93,3%.

Bên cạnh đó, PVPSV lúc 34 đến 38 tuần ≥144.5 cm/s dự đoán tất cả các trường hợp cần phải can thiệp sơ sinh sớm. TOF với teo van động mạch phổi (teo động mạch phổi kèm VSD) hoặc các trường hợp không có van phổi được thừa nhận có tiên lượng xấu hơn. Bảng 25.4 liệt kê các dấu hiệu tiên lượng xấu liên quan với TOF.

Bảng 25.4 Các dấu hiệu tiên lượng xấu trong tứ chứng Fallot

– Động mạch phổi tăng trưởng chậm
– Động mạch chủ lên tăng trưởng nhanh
– Ngừng dòng chảy đến van động mạch phổi
– Dòng chảy ngược chiều qua ống động mạch
– TOF với teo van phổi (teo động mạch phổi với VSD)
– Không có van phổi
– Kết hợp bất thường nhiễm sắc thể
– Kết hợp các bất thường bẩm sinh ngoài tim
– Thất trái nhỏ
– Kết hợp kết nối tĩnh mạch bất thường

Các điểm chính

  • Tứ chứng Fallot đặc trưng bởi VSD dưới động mạch chủ, gốc động mạch chủ cưỡi ngựa, hẹp phễu động mạch phổi
  • TOF là một trong những dạng phổ biến nhất của bệnh tim bẩm sinh tím.
  • Loại TOF với hẹp động mạch phổi chiếm khoảng 80% trường hợp.
  • Mặt cắt bốn buồng hiển thị bình thường ở TOF trừ phi VSD đủ lớn và thấy được trên mặt cắt này.
  • TOF thường được phát hiện trên mặt cắt năm buồng với biểu hiện VSD quanh màng dưới động mạch chủ và gốc động mạch chủ cưỡi ngựa.
  • Gốc động mạch chủ dãn trong TOF, đặc biệt ở tam cá nguyệt ba.
  • Có mối tương quan chặt giữa tăng độ mờ da gáy và TOF.
  • Các bất thường tim và ngoài tim phổ biến trong TOF.
  • Tồn tại lỗ bầu dục hoặc thông liên nhĩ thấy trong 83% các trường hợp TOF.
  • Cung động mạch chủ bên phải và tồn tại tĩnh mạch chủ trên trái thấy tương ứng trong 25% và 11% các ca TOF.
  • Tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể trong khoảng 30% ở TOF.
  • Mất đoạn 22q11 thấy trong 10% đến 15% thai TOF.
  • Dấu hiệu tiên lượng xấu của TOF bao gồm động mạch phổi tăng trưởng chậm, động mạch chủ lên tăng trưởng nhanh, ngừng dòng chảy đến van động mạch phổi, dòng chảy ngược chiều trong ống động mạch.

Bản gốc:
– A Practical Guide to Fetal Echocardiography: Normal and Abnormal Hearts, 3rd edition 2016
– Chapter 25: Tetralogy of Fallot, Pulmonary Atresia with Ventricular Septal Defect, and Absent Pulmonary Valve Syndrome
– Tác giả: Alfred Abuhamad, Rabih Chaoui
Bản dịch:
[Sách dịch] Hướng dẫn thực hành siêu âm tim thai (A Practical Guide to Fetal Echocardiography)
– Chương 25 – Tứ chứng Fallot, Teo động mạch phổi với thông liên thất, Hội chứng không van động mạch phổi
– Người dịch: BS Sơn Lâm, Hiệu chỉnh: BS Nguyễn Văn Thụy

Xem thêm:

Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký Nhận bài viết mới và theo dõi kênh Youtube

SÁCH SIÊU ÂM TỔNG QUÁT PHẠM MINH THÔNG

Tải thêm Sách tiếng Việt

Check Also

Siêu âm chẩn đoán Rumack (chia theo cơ quan dễ tra cứu)

Sách Siêu âm chẩn đoán được dịch từ cuốn Diagnostic Ultrasound của tác giả Carol M. Rumack…