Nội trú VinUni – Những trải nghiệm của mùa thi thứ hai

Những chia sẻ rất thực tế về chương thi nội trú VinUni của BS Lê Vĩnh Nghi. Đây là bài viết rất hữu ích cho các bạn chuẩn bị tốt nghiệp thi nội trú các trường Y (không chỉ là VinUni) và có kế hoạch chuẩn bị cho các bạn sinh viên Y khoa muốn tiến xa hơn.

NỘI TRÚ VINUNI – NHỮNG TRẢI NGHIỆM CỦA MÙA THI THỨ 2

Tác giả: BS Lê Vĩnh Nghi
Nguồn: Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam (fb/diendanbacsitrevietnam)

Mùa thi thứ 2 đã căng hơn mùa thi thứ 1. Em xin cám ơn Anh Vương và Anh Duy đã tiếp thêm động lực cho em đi tiếp con đường này. Em cũng xin phép được tiếp nối bài post của các Anh Chị ạ.

Bài viết này dựa trên cả yếu tố chủ quan và khách quan, mỗi người chúng ta hãy tìm ra những điều phù hợp với bản thân.

VÀI ĐIỀU ĐẦU TIÊN

Xin chào các Anh/Chị/Bạn/Em, em là Lê Vĩnh Nghi, Bác sĩ Nội trú VinUni khoá 2, ngành Nội.

– Background:

+ Sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – Thành phố Hồ Chí Minh, GPA 7.75 (chưa bằng các thánh nhân của Y Phạm Ngọc Thạch đâu ạ).

+ IFOM CSE 78 điểm (bách phân vị 93). Điểm trung bình của thí sinh quốc tế nếu xét tương đương USMLE là 72 (bách phân vị 84). Còn điểm trung bình sinh viên quốc tế theo IFOM CSE thì Nghi không biết ạ. Nhưng mà thi không đủ điểm là không đạt. Đây là link để mọi người tham khảo: IFOM CSE – Score Interpretation 2021

– Những cái website của VinUni đã có, mọi người có thể tham khảo trước:

+ Chương trình, tầm nhìn, sứ mệnh vinuni.edu.vn/post-graduate

+ Điều kiện dự thi, thi cái gì, thi thế nào Quy chế tuyển sinh Bác sĩ nội trú VinUni

+ Các vấn đề khác có thể đang quan tâm

– Thông báo tuyển sinh của VinUni 2021 Thông báo tuyển sinh Bác sĩ nội trú 2021

– Các vấn đề về tính phầm trăm điểm từng phần hay cách chấm và cho điểm của kì thi IFOM thì Nghi không biết ạ. Nhưng đầu tiên mình cứ tự suy nghĩ rằng mỗi vòng mình đều phải làm tốt nhất (BS. Thục Lan đã dạy Nghi như thế). Không phải vì cách tính điểm hay phần trăm điểm kiểu này hay đánh giá kiểu kia, tới vòng nào mình làm tốt nhất vòng đó là được rồi ạ.

Năm nay khác năm ngoái, vì dịch kéo dài quá nên kì thi IFOM (vòng 2) bị dời xuống tận đầu tháng 11, nên thứ tự các vòng bị thay đổi thành là 1 – 3 – 2, so với năm 2020 là 1 – 2 – 3. Nên Nghi xin được kể theo đúng thứ tự 1 – 3 – 2 nha. Nếu các bạn muốn xem đúng thứ tự vòng 1 – 2 – 3 thì tìm lại các bài post của Anh Chị khoá 1 nha (hoặc xem ở đây Nội trú VinUni – Trải nghiệm mùa thi đầu tiên)

VÒNG 1 – HỒ SƠ ONLINE – ONLINE APPLICATION

Khoảng tháng 2 3 4 của năm 2021 là nộp hồ sơ online.

Ở vòng này, quan trọng nhất là phải làm nổi bật bản thân càng nhiều càng tốt. Phải làm thế nào để gây ấn tượng với người khác khi ta chưa gặp nhau bao giờ. Và mọi người cũng cần nhớ là TẤT CẢ thông tin mình gửi lên đều có cơ may vô vòng phỏng vấn (vòng 3 – nếu vô được) là Thầy Cô sẽ hỏi đó. Cho nên là cái gì của mình thì là của mình, không phải của mình thì thôi nha.

– Hoàn toàn bằng Tiếng Anh. VinUni sẽ đánh giá toàn diện một con người, chứ không phải chỉ vì một cái gì đó đâu ạ. Nghi xin gửi kèm bảng thông tin vòng 1 ở đây: Information

– Mọi người cần biết là TẤT CẢ các thông tin mình gửi lên đều sẽ là một phần nằm trong đánh giá của Ban Tuyển sinh, và không có sự so sánh giữa “các chứng chỉ tiếng Anh” hay “các hoạt động đã tham gia”. Ví dụ như IELTS sẽ hơn TOEIC hay B1 gì đó, chỉ là Ban Tuyển sinh sẽ chọn những bạn phù hợp để đi tiếp thôi. Nên mọi người cứ thoải mái “khoe” vào, mình có cái gì mình khoe cái đó (Nghi chỉ có bằng TOEIC 4 kỹ năng thôi à). Không có bằng hả, NỘP LUÔN, CHƠI TỚI BẾN, vì các bạn sẽ còn essay, CV, phỏng vấn và nhiều cái khác để Thầy Cô đánh giá mà. Nghi xin nhắc lại là mỗi cái mình gửi lên sẽ đóng góp một phần chứ không phải không có là không được chơi đâu ạ.

– Upload hình chụp chứng chỉ học thuật (bảng điểm 6 năm, các nghiên cứu khoa học đã tham gia, chứng chỉ hoàn thành các khoá học, IELTS / TOEIC / B1,…) và không học thuật (hoạt động Đoàn hội và tình nguyện, dù với vai trò nào thì cũng khoe hết đi nha =]]). Tất cả các thông tin này đều có hướng dẫn để điền nên đừng lo lắng nhé. Nghi nhấn mạnh thêm một lần đó là có cái gì thì khoe hết đi, đừng giấu hay úp úp mở mở hay “dối lòng” nha.

– Chuyên ngành muốn theo học: tính theo nguyện vọng 1 – 2 – 3 giống như hồi nộp hồ sơ thi tuyển sinh đại học hay thi tuyển sinh lớp 10 vậy đó.

– Thư giới thiệu (tiếng Việt hay tiếng Anh đều được, tiếng Anh luôn càng tốt): từ một GIẢNG VIÊN dạy mình và hiểu mình nhất nha. Chi tiết và sâu sắc, cái này thì khi khi nào VinUni mở đăng ký rồi mọi người vào tải cũng được. Tốt nhất là cùng hệ với chuyên ngành số 1 mà bạn chọn, sẽ giúp Thầy Cô trong Ban Tuyển sinh dễ đánh giá hơn. Ví dụ như chung trong Nội hay Ngoại hay Nhi gì đó.

– CV: Các bạn vào Canva làm cho tiện, cách làm và kinh nghiệm thôi thì google nha. Lên Canva lấy CV mẫu sửa lại theo của mình cũng được nữa, và lưu ý CV là bảng liệt kê chứ không bảng mô tả nha.

– Essay: bé hơn hoặc bằng 250 từ, hãy là chính bạn, đừng là ai khác, vì vô phỏng vấn Thầy Cô hỏi đó !!! VinUni muốn tìm hiểu thí sinh có đặc điểm, nguyện vọng phù hợp với trường hay không. Đừng viết sơ sài. Phải suy nghĩ kỹ, thật sự biết mình là ai, cần gì, muốn gì và những có phù hợp với nghề nghiệp và phù hợp với VinUni hay không. Nghiên cứu và tìm hiểu về VinUni, VinMec trước khi viết. Mỗi năm mỗi đổi.

Nghi xin gửi các bạn 10 bài essay của 2020 và 2021 để tham khảo.

5 bài essay của năm 2020:

  1. What do you want the residency admission committee to know about you besides your grades, courses and test scores?
  2. Why have you chosen the specialty that you ranked as the first choice?
  3. Why do you think you will excel in this specialty?
  4. What are you seeking in a residency program?
  5. How do you see your career in this field advancing?

5 bài essay của năm 2021:

  1. Write about the single most important experience in your life that influenced your decision to become a doctor
  2. Describe the reasons behind your first choice specialty for residency training – what sparked your interest in this specialty and why do you think you will excel in this career?
  3. Similar to #2, please describe the reasons behind your second choice specialty for residency training and how you see your future career developing if you are offered your 2nd choice for residency training
  4. Describe an extra-curricular activity you have participated in and why it is important to you – this could be a hobby, volunteer activity, or a special interest club in medical school for instance
  5. What are the top 3 attributes you are looking for in a residency program?

VÒNG 3 – PHỎNG VẤN – INTERVIEW

– Đậu vòng 1 thì sẽ được vào vòng 2. Nhưng mà năm nay dịch nên các ứng viên được vào phỏng vấn trước, so với năm 2020 là phải đậu đủ điểm IFOM thì mới được vào phỏng vấn. Còn năm nay qua vòng 1 là phỏng vấn luôn.

– Phỏng vấn từ giữa tháng 8. Mỗi bạn vào 2 phòng Zoom liên tiếp, mỗi phòng 30’ (anh Giang sẽ điều phối), phỏng vấn BẰNG TIẾNG ANH. Nghi được báo phỏng vấn TRƯỚC 5 NGÀY. Thế là lo chuẩn bị câu hỏi ngày đêm, lên youtube google các thứ chuẩn bị câu hỏi câu trả lời. Tập nói các thứ đầy đủ. Câu hỏi mọi người có google và youtube với keyword là “residency interview” nha, nhiều lắm. Và tiếp tục là chữ “phù hợp”, cũng giống như phỏng vấn đi làm thôi, đó là mình có những gì mà VinUni yêu cầu và thấy phù hợp với con đường phát triển. Ví dụ một người có rất nhiều điểm mạnh, nhưng cái nào mới là cái VinUni quan tâm nhất, kỹ năng gì sẽ gây ấn tượng nhất. Đến ngày phỏng vấn thì nhớ tút bản thân tí nha, để background đẹp các kiểu , đừng chơi filter background là được òi và nhớ để wifi mạnh nhất, không có tiếng ồn nha. CỐ GẮNG TỰ CHUẨN BỊ CHO BẢN THÂN NGÀY CÀNG TỐT HƠN.

– Phòng 1 của Nghi là Dr. Paul Lu – Trưởng ngành Nội, phòng 2 là Dr. Ngọc Tiến và Dr. Phương (các bạn khác có thể được các Thầy Cô khác phỏng vấn). Cô Phương cho phép trả lời tiếng Việt, còn lại là tiếng Anh hết. Nhưng mà thôi các bạn cứ xin phép cho nói tiếng Anh thì Cô cũng cho luôn nha.

– Cố gắng thoải mái thể hiện được bản thân mình, tự tin lên, hãy xem như đây là buổi nói chuyện giữa 2 – 3 người, các Thầy Cô cực kì thấu hiểu sinh viên tụi mình. Như Nghi đã đề cập phía trên, này cũng giống như phỏng vấn xin việc: Làm sao để cuối ngày các Thầy Cô vẫn nhớ đến mình và muốn làm việc cùng mình. Cứ thoải mái và phang tiếng Anh vào. Đây là lúc để các bạn cho Thầy Cô thấy các bạn có gì, như thế nào, có thế nào nói thế ấy. Đừng “dối lòng” nơi đây nha, Thầy Cô biết hết đó.

– ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT : HÃY LÀ CHÍNH MÌNH VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI HỒ SƠ ONLINE CỦA MÌNH.

VÒNG 2 – KÌ THI IFOM CSE

CSE – International Foundations of Medicine Clinical Science Exam

Đậu vòng 1 thì vô vòng 2 nha. Phí là 2 triệu, mỗi năm mỗi khác, nên mọi người quan tâm học ôn là chính nha.

– Trắc nghiệm 160 câu BẰNG TIẾNG VIỆT, đánh giá kiến thức lâm sàng, giống như USMLE Step 2 CK đó, đề có câu ngắn có câu dài có câu rất dài (đề thi BSNT Nội PNT vừa rồi cũng rất là dài)

– Thi cái gì: Nghi xin thưa là THI HẾT. TẤT CẢ CHUYÊN KHOA CHẴN LẺ GÌ ĐÓ LÀ THI HẾT NHA. Cho nên ai đã có sẵn nền kiến thức từ năm đầu tiên thì rất lợi lúc ôn và lúc thi nha, Nghi sẽ gửi link file ở phần “cách học”. Dưới đây là nội dung của IFOM CSE và USMLE, nói nội dung vậy thôi chứ nhiều khi là có mấy câu experimental tức là người ta cho nội dung hoàn toàn mới vào để xem coi các bạn đánh đáp án nào:

+ Nội dung IFOM CSE: IFOM CSE – Content

+ Nội dung USMLE Step 2 CK: USMLE Step 2 CK – Content

Gọi cho đúng là thi cả HỆ NỘI, HỆ NGOẠI và HỆ CỘNG ĐỒNG nha (tại có cả dịch tễ rồi y đức các kiểu nữa), các bạn ôn thi BSNT các trường ở VN đều biết trong một hệ có rất rất nhiều chuyên ngành, LÀ THI HẾT ĐÓ =]] Cách dễ nhất là mọi người bám theo mục lục của cuốn First Aid Step 2 CK và học “high yield” là được. Thậm chí có những nội dung chỉ có thể tìm được trong UWorld chứ FA cũng hong có đâu. LƯỢNG NỘI DUNG LÀ KHÔNG GIỚI HẠN. Cho nên việc của mỗi người là RÁNG TỰ HỌC CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT NHA.

– Mọi người yên tâm là bài thi được dịch rất sát cái mình học, nên cũng đừng lo là đọc không hiểu. Số đáp án: 4 là ít nhất, 9-10 là nhiều nhất. Số lượng câu hỏi: 4-5 đáp án là nhiều nhất, 6-7-8-9-10 đáp án thì ít dần. Làm trong 4 tiếng, ai quen cách học cách ôn cách làm thì làm lẹ lắm, nhớ ăn sáng đầy đủ vì lúc thi chỉ được xin đi ra uống nước hay đi vệ sinh thôi, không có kẹo hay bánh trái gì đâu nha. Hôm đó thi từ 9h15 tới 13h15, cái khúc từ 12h trở đi là bụng nó cồn cào rồi, mà cũng hên là Nghi hoàn thành bài thi trong 2 tiếng nên cũng đỡ, đúng sai gì hổng biết, làm xong là mờ con mắt, đau cái lưng, mỏi cái cổ, khô cái họng, đói cái bụng các thứ,…

– Y học gia đình thì nó nằm trong Nội + Sản Phụ + Nhi rồi nha. Mọi người làm UWorld, có thể đọc thêm Case files Family Medicine là được nha.

– Anki: người bạn hỗ trợ đắc lực rất rất rất rất và rất nhiều của Nghi trong năm 6 để ôn thi Nội trú, mọi người có thể lên youtube này nọ để tham khảo thêm cách tạo Anki và học thế nào, và mỗi người nên tự soạn ra Anki của chính mình và không nên xài của người khác để học nha. VÌ QUAN TRỌNG LÀ MÌNH HỌC VÀ KIẾN THỨC LÀ CỦA MÌNH. Nếu các bạn cần thì Nghi cũng xin gửi link Anki của Nghi ở đây ạ, dạng flashcard là Cloze Anki Nội trú VinUni (Flashcard dạng Cloze) (by Le Vinh Nghi).apkg

Cách học và thi

Đây chắc là cái mọi người đang mong đợi nhất, Nghi xin gửi mọi người kinh nghiệm của Nghi ạ, đã được tổng hợp từ BẢN THÂN, YOUTUBE, GOOGLE, các bạn thi USMLE,… chứ ghi ra đây nó dài lắmmmm, mọi người đọc hết bài này nha.

Guide to deal with USMLE questions and IFOM CSE (Dr. Lê Vĩnh Nghi)

Lịch của mình đã như thế nào

Mình đã học 4 môn cơ sở của Nội trú Phạm Ngọc Thạch từ đầu Y5 (lúc đó chưa biết tới Vin), giữa Y5 thì sách Nội PNT mới ra, lúc đó bắt đầu cày, thì tới cuối Y5 là biết tới Vin, thiệt ra là biết trước, nhưng mà tới lúc Anh Vương và Anh Duy post bài lên group Diễn đàn Bác sĩ trẻ thì mới rõ. Thế là ngày 06/10/2020 quyết định nhắn hai anh xin tài liệu và ngày 07/10/2020 bắt đầu THÊM 1 cuộc chiến mới và quyết định thử sức luôn cả 2 kì thi BSNT (tự làm khổ mình chứ không gì đâu =]]).

Nhắc tới đây là lại nhớ về khoảng thời gian năm thứ 6, từ đầu năm tới trước khi nghỉ dịch thì cũng không có gì, cho đến khi nghỉ dịch, 4 tháng trời không biết khi nào thi, và cuối tháng 9 thì Trường Phạm Ngọc Thạch quyết định cho thi Tốt nghiệp và Bác sĩ Nội trú là ngày 5 (tốt nghiệp chuyên môn), 12 (tốt nghiệp chính trị), 17, 18, 19/11 (thi Bác sĩ Nội trú). Và thật bất ngờ là một tuần trước ngày 6/11, Vin gửi mail là “ngày 6 đi thi nha em” =]]. Rồi luôn, Lily và Magazine có bài 24h thì cái khoảng thời gian cuối cùng đó 24h đúng nghĩa là dedicated cho cả 2 bên, Nguyên Hà có bài “Nhắm mắt thấy mùa hè” chứ Nghi sáng trưa chiều tối khuya mở mắt ra là thấy toàn là CHỮ (vì bên Nội trú Phạm Ngọc Thạch thì thi môn Nhi là thi TỰ LUẬN học thuộc bài, mà Nghi dở nhất cái này từ nhỏ =[[).

Rồi thì mọi chuyện nó cũng qua. Nghi chỉ muốn nói là nếu các bạn có mục tiêu ôn thi BSNT thì hãy tự mình lập một cái lịch và STICK TO THE PLAN, có thể thay đổi tuỳ thuộc theo giai đoạn, nhưng cứ lập ra thời khoá biểu học bài và cứ đi theo nó, vì kiến thức là unlimited, nên ráng học nha. Và cũng không nên so sánh với các bạn khác, chỉ là chúng ta đang cùng chạy trên một con đường thôi, đừng sợ nếu thấy bạn kia học nhanh học nhiều hơn mình, đừng, hãy sợ rằng mình chưa làm tốt cho bản thân mình thôi.

NHỮNG LỜI CUỐI CÙNG

– Dùng 1 email để liên lạc với Team Tuyển sinh và check thường xuyên, email chuyên nghiệp nha, đừng xì teen xì khói là được. CHECK THƯỜNG XUYÊN SÁNG TRƯA CHIỀU TỐI vì có thể sẽ có những thay đổi rất đột xuất hoặc thiếu hồ sơ các thứ, Vin làm việc nhanh gọn và chuyên nghiệp lắm,…

– Kì thi này, cũng giống như các kì thi BSNT khác, đều là cuộc đua marathon, không phải là chạy nước rút (trừ khoảng thời gian cuối cùng là phải dedicated, giống kiểu nước rút ấy), ai “chạy” càng nhiều thì càng có cơ may thắng chứ chưa chắc thắng nha. Cũng còn tuỳ vào duyên số nữa. Nhưng việc của mỗi người chúng ta là cố gắng từng ngày để bản thân mình tốt hơn ngày hôm qua.

– Nếu còn điều gì thắc mắc sau khi đọc bài và các link trên thì mọi người cứ hỏi, comment hay nhắn tin hay nhắn mail gì cũng được ạ, nếu biết thì Nghi sẽ trả lời. Cũng giống kì thi BSNT các trường Y khác, có 1 lần mà, thử đi, nha!

Cảm ơn mọi người đã đọc tới đây, chúc mọi người sẽ chọn được cho mình một hướng đi phù hợp nhất. Residency is a choice, decisions are yours.

Con xin cám ơn Gia đình, em xin cám ơn Thầy Cô, em xin cám ơn các Anh, Chị, Nghi xin cám ơn các bạn đã dìu dắt suốt 6 năm trời. Em xin cám ơn Anh Vương và Anh Duy đã tiếp thêm động lực cho em đi tiếp con đường này.

BS Lê Vĩnh Nghi

Xem thêm:

Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận được thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký tại Form nhận bản tin và theo dõi tại kênh Youtube

Tải thêm Blog Y khoa

Check Also

Tính chuyên nghiệp trong thực hành Y khoa

Bài viết cung cấp các khái niệm, tầm quan trọng và các biểu hiện ra hành vi của tính chuyê…