HÌNH ẢNH Y KHOA – Bài viết của Phạm Giang Trung đang học Y khoa ở Úc. Những chia sẻ của anh về cách học Giải phẫu là một hướng dẫn tổng quan để sinh viên Y khoa tham khảo và so sánh với cách học của mình để có cách học tốt hơn.
Trang blog của Trung còn có thêm nhiều thông tin về lộ trình học Y khoa dành cho sinh viên nước ngoài muốn học Y khoa ở Úc và quan trọng là các thách thức khi muốn làm việc ở Úc sau khi tốt nghiệp bác sĩ với các bác sĩ nước ngoài. Đây là kênh tham khảo thực tế và cập nhật, chứ không phải như những gì mà các công ty du học và các trường tư thục đào tạo Y khoa Việt Nam vẽ ra để dụ sinh viên vào học…
SINH VIÊN Y Ở ÚC HỌC GIẢI PHẪU THẾ NÀO?
Tác giả: Phạm Giang Trung
Nguồn: gtpham.com
Giải phẫu luôn là môn học khó nuốt nhưng vô cùng thú vị của trường Y. Mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau khi học Giải phẫu. Còn với tôi, học ở Việt Nam hay học ở Úc, việc học Giải phẫu luôn mang đến niềm hứng khởi. Vì Giải phẫu là học về cơ thể con người nên nội dung không nhiều khác biệt giữa các nền giáo dục khác nhau, chỉ có chương trình dạy là có sự khác biệt. Trong cái note nhỏ này, tôi sẽ chia sẻ sơ qua về nội dung giảng dạy và lượng giá môn Giải phẫu, cách học hiệu quả và nguồn tài liệu hữu ích mà các sinh viên Y ở Úc sử dụng cho việc học của mình.
Nội dung giảng dạy giải phẫu
Như đã đề cập trong bài viết trước về chương trình giảng dạy năm nhất của trường Y ở Úc, nội dung giảng dạy Giải phẫu được tích hợp với các nội dung Sinh lý, Bệnh học, v.v., theo từng hệ cơ quan thành một chủ đề giảng dạy. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt đối với việc dạy và học Giải phẫu ở Úc đó là sinh viên sẽ được học thêm Anatomy Dissection, hay còn gọi là Phẫu tích, kéo dài hai học kỳ với cường độ cao.
Khác với những buổi Phẫu tích hè tôi được học cách đây 10 năm ở VN, việc dạy Phẫu tích ở trường Y ở Úc được trải dài hai học kỳ, và sinh viên sẽ được thực hiện việc mổ thi thể từ đầu đến chân. Cụ thể hơn, sinh viên sẽ được chia thành nhóm, và mỗi nhóm sẽ phụ trách một thi thể. Việc mổ thi thể diễn ra hàng tuần, và mỗi tuần sinh viên sẽ mổ theo sách hướng dẫn các phần cụ thể từ ngoài vào trong, hay từ nông đến sâu. Ví dụ như với ổ bụng, sinh viên sẽ bộc lộ từ da, qua các lớp dưới da, cơ bụng, vào đến mạc nối, mạc treo và rồi bộc lộ các cơ quan trong ổ bụng.
Phương pháp lượng giá sinh viên
Bên cạnh việc có các câu hỏi trong Ngoài việc mổ, mỗi tuần sinh viên sẽ được chọn ngẫu nhiên để được vivaed, hay kiểm tra miệng, và sẽ được hỏi các câu hỏi từ cơ bản đến nâng cao liên quan đến các chi tiết quan trọng trong nội dung tuần trước đó. Ví dụ một câu cơ bản cho lồng ngực là sinh viên sẽ được yêu cầu chỉ ra trên thi thể các chi tiết giải phẫu như là medial pectoral nerve, hay dây thần kinh (TK) ngực trong.
Còn nâng cao hơn, sinh viên sẽ được hỏi về các kiến thức lâm sàng có liên quan đến các chi tiết giải phẫu, và đối với các cơ bắp quan trọng của cơ thể, sinh viên sẽ được hỏi về các vị trí bám tận, các dây TK chi phối và mạch máu của từng cơ cụ thể. Đây là một điểm quan trọng mà tôi thấy rất hữu ích cho sinh viên. Một ví dụ điển hình cho dạng câu hỏi nâng cao là sinh viên sẽ được hỏi về tổn thương gây ra hội chứng xương bả vai lên cao, hay Winged Scapula (Hình 1). Để trả lời câu hỏi này, sinh viên phải biết được hội chứng này là do cơ răng trước, hay serratus anterior muscle, mất chức năng cố định xương bả vai khi dây TK ngực dài, hay long thoracic nerve, bị tổn thương vì dây TK ngực dài là dây TK chính chi phối cơ răng trước.
Cách học Giải phẫu hiệu quả
Cách học hiệu quả với tôi và nhiều sinh viên Y ở Úc chính là phải có sự chủ động và sự nhắc lại trong việc học. Chính vì lợi ích được chứng minh của cách học này mà trường Y ở Úc còn thiết kế chương trình giảng dạy để tối ưu hóa cách học này như tôi đã đề cập ở bài trước. Vì vậy, đa số sinh viên Y ở Úc sử dụng các phần mềm tạo flashcards, hay thẻ, để học Giải phẫu thay vì chỉ học bài giảng, đọc sách và coi atlas.
Nói về việc học qua flashcards, nhiều sinh viên có thể tự tạo cho mình những bộ flashcards trọng tâm vào nội dung giảng dạy ở trường Y của mình hay sử dụng những bộ flashcards có sẵn trên mạng của các công ty giáo dục Y khoa như Kenhub, Teachmeanatomy, Osmosis, Amboss. Để tự tạo flashcards, sinh viên Y ở Úc sử dụng phần mềm Anki, và đây là một phần mềm rất nổi tiếng được sử dụng rộng rãi khắp thế giới không chỉ bởi các sinh viên Y mà còn bởi những người học ngoại ngữ. Ngoài việc sử dụng Anki cho việc học Giải phẫu, tôi còn dùng Anki để chuẩn bị cho kỳ thi GAMSAT và cả những kỳ thi khác ở trường Y. Bên dưới là hình screenshot từ bộ flashcards tôi tự tạo cho chính mình (Hình 2) và screenshots từ một thẻ học của tôi (Hình 3a & 3b). Tôi sẽ chia sẻ thêm trong phần kế về các nguồn tài liệu tôi đã dùng để tạo nên những bộ flashcards này.
Nguồn tài liệu hữu ích
Mặc dù Giải phẫu được nhiều sinh viên Y coi là trò chơi của trí nhớ, nhưng để xác định được các chi tiết giải phẫu, hiểu được chức năng của các cơ trong cơ thể, và hiểu được các cơ chế bệnh học liên quan, sinh viên Y cần hiểu rõ các chi tiết giải phẫu trong không gian 3 chiều thay vì chỉ học thuộc lòng. Và khi sinh viên đã hiểu thì các chi tiết đó sẽ được ghi nhớ lâu dài.
Complete Anatomy
Vậy nên, khi tạo flashcards cho bản thân mình, việc đầu tiên tôi làm là xem các chi tiết đó trong không gian 3 chiều với phần mềm Complete Anatomy. Ví dụ trong hình bên dưới là xương bướm, hay sphenoid bone, được thể hiện trong không gian 3 chiều cùng các thông tin quan trọng cần biết trong cột bên trái.
Kenhub
Để chuẩn bị cho các bài viva voces, hay kiểm tra miệng, sinh viên cần phải học rất nhiều chi tiết giải phẫu mỗi tuần, có tuần lên đến hơn 100 chi tiết giải phẫu. Vậy nên, đa số sinh viên Y sẽ học những thông tin trọng tâm và quan trọng hơn là học hết tất cả các thông tin liên quan. Ví dụ, với một cơ cụ thể, sinh viên sẽ học các chức năng quan trọng, dây thần kinh chi phối và mạch máu cung cấp đến cơ đó. Vì vậy, trang web Kenhub là một nguồn tài liệu vô cùng hữu ích vì trên trang web này có những bảng tóm tắt thông tin quan trọng về một chi tiết giải phẫu nào đó. Ví dụ như bảng tóm tắt về cơ nhị đầu cánh tay, hay biceps brachii muscle, trong hình 5.
Các sách Giải phẫu hữu ích
Vì không có nguồn tài liệu nào là hoàn hảo, nên đa số các sinh viên Y luôn chuẩn bị cho mình những cuốn sách về Giải phẫu. Đầu tiên không thể không kể đến đó là Atlas Giải phẫu của Dr Netter với rất nhiều hình vẽ chi tiết giải phẫu rất hữu ích.
Kế đến là sách Giải phẫu Lâm sàng của Dr Moore với rất nhiều yếu tố lâm sàng liên quan của các chi tiết giải phẫu.
Và cuối cùng là sách Giải phẫu Ứng dụng Last’s Anatomy, cuốn sách gối đầu giường của các bác sĩ chuẩn bị cho kỳ thi Generic Surgical Science Examination (GSSE), một kỳ thi đầu vào của các chuyên khoa Ngoại ở Úc.
Kết
Giải phẫu là một môn không dễ học nhưng luôn thú vị và cuốn hút đối với nhiều sinh viên Y. Vì vậy với bài viết này, tôi hy vọng có thể giúp được các bạn có một trải nghiệm học Giải phẫu với niềm hứng khởi như tôi vậy.
Phạm Giang Trung (gtpham.com)
Xem thêm:
- Chương trình nội trú tại Mỹ dành cho Bác sĩ Việt Nam
- Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần, VietMD và sách
- BS Trương Hoàng Hưng: Từ bác sĩ Việt Nam thành bác sĩ Mỹ – Con đường không trải hoa hồng
- Dr. Christina Nguyễn – Hành trình trở thành bác sỹ của cô gái Huế được báo Mỹ vinh danh
- Lê Quang Trọng Trung và con đường trở thành bác sĩ nội trú Mỹ của chàng trai Việt
- Lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa
- Con đường sau tốt nghiệp Y khoa – Chọn chứng chỉ hành nghề hay các khóa học cơ bản?
- Hồ sơ xin việc Bác sĩ, Điều dưỡng Bệnh viện công
Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận được thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký tại Form nhận bản tin và theo dõi tại kênh Youtube